Đại ngàn Ia Pa vẫn “chảy máu” (Bài cuối: Gỗ lậu đi về đâu?)

Thứ ba, 17/09/2019 08:38

Bám theo những “cung đường” gỗ lậu trên, chúng tôi mới biết được số gỗ này có đường đi như thế nào. Sự bức xúc của người dân khi chứng kiến cảnh gỗ lậu nườm nượp từ rừng ra đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đây.

Chiếc xe chở gỗ lậu trên tuyến đường liên xã (tại xã Ia Kdăm, H. Ia Pa, Gia Lai).

NỬA ĐÊM TRÊN ĐƯỜNG LIÊN XÃ

0 giờ ngày 11-9, phóng viên đi theo con đường từ chân cầu bắc qua sông Ba (từ địa phận xã Ia Kdăm) về hướng trụ sở UBND xã Ia Kdăm để mục sở thị một trong những “cung đường” gỗ lậu tại địa bàn. Theo thông tin do người dân cho biết, khuya nay xe gỗ sẽ từ bãi tập kết trong rừng ra xưởng và ám hiệu chính là một số đèn đường sẽ tắt để “lâm tặc” dễ vận chuyển… Tiếng xe máy độ chế cùng ánh đèn le lói từ con đất trong bìa rừng đi ra, trên xe là 2 thanh niên kéo phía sau chiếc thùng độ chế để chở gỗ. Băng qua Trạm cửa rừng Ia Kdăm, trụ sở UBND xã Ia Kdăm, chiếc xe chở gỗ bon bon trên đường. Khi đến khúc cua, chiếc xe máy bất ngờ bị hư hỏng dừng lại bên đường, 2 thanh niên phát hiện có chúng tôi phía sau dọi đèn liền hoảng hốt bỏ chạy, vứt cả gỗ cả xe lại bên lề đường.

Dừng lại quan sát, chúng tôi phát hiện trên thùng xe độ chế chở khoảng hơn 1m3 gỗ căm xe, hương. Đoán chiếc xe trên đang về xưởng, chúng tôi vờ bỏ đi để chờ bám theo nhằm tìm hiểu đường đi của xe gỗ này. Một lát sau, những chiếc xe máy bất ngờ chạy đến nơi chiếc xe gỗ bị hư, sau một hồi dò xét xung quanh, 2 thanh niên chở gỗ quay lại để sửa chiếc xe độ chế. 15 phút sau, chiếc xe lại nổ máy và tiếp tục di chuyển về xưởng gỗ của Cty TNHH MTV L.A.G.L tại làng Ple 2 (xã Ia Kdăm). Chiếc cổng vừa hé mở, chiếc xe máy chở theo thùng gỗ lao nhanh vào bên trong. Lúc này, chúng tôi nhìn đồng hồ đã là 0 giờ 41 ngày 11-9.

Để biết bên trong xưởng gỗ như thế nào, chúng tôi đánh liều xâm nhập vào xưởng gỗ giữa đêm khuya. Những thanh niên trong xưởng ngơ ngác khi chúng tôi đi vào, vừa hỏi đủ thứ trên trời vừa bí mật quay hình, chúng tôi tiếp cận chiếc xe chở gỗ bị hư hỏng ban nãy. Nam thanh niên người Gia Rai (người chở gỗ tháo chạy) khi phát hiện chúng tôi đang xếp gỗ từ xe độ chế vào đống gỗ trong xưởng phân bua: “Lúc nãy sợ quá! Tưởng nhà báo chứ! Hóa ra không phải! Hôm nay chở được 2 xe rồi đó! Thôi về ngủ thôi chứ sợ lắm rồi!”. Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng rút đi khi một số thanh niên ở xưởng rút điện thoại gọi liên tục cho một ai đó.

Sau này, chúng tôi đã tìm được thanh niên này được xác định tên là N.T. (trú xã Ia Kdăm), T. lo lắng nhưng cũng thừa nhận: “Hôm đó, mình chở gỗ về xưởng cho ông X. đó, xưởng của X. mà! Mình cực quá mà!”. Sau một hồi T. mới thổ lộ: “Một xe gỗ chở từ nơi tập kết trong rừng ra về xưởng ông X. và được trả 50.000 đồng/xe, chia nhau mỗi người 25.000 đồng”. Những ngày sau, khi gặp mặt với chủ xưởng gỗ này, dù có những cán bộ Hạt Kiểm lâm H. Ia Pa nhưng ông X. vẫn thừa nhận: “Lâu lâu anh em kiếm vài xe thôi! Anh biết nghề tụi em mà!”. Cũng trong đống gỗ để trong xưởng, một số thanh gỗ được viết bằng phấn với dòng chữ “Chở về”.

Sau đó, chiếc xe này cùng số gỗ đã được đưa vào xưởng gỗ của ông X. (xã Ia Kdăm).

“MÁU RỪNG” VẪN CHẢY

Điều bất ngờ hơn, chỉ một ngày sau khi đột nhập xưởng gỗ của ông X., chúng tôi bắt gặp chiếc ô-tô BKS 81A-048.xx mà ông X. hay đi đậu trong sân Hạt Kiểm lâm H. Ia Pa, bên trong ông Hạt trưởng Hà Quang Tuyến đang trò chuyện với ông X. Thấy chúng tôi, ông X. nhanh chóng ra ngoài rồi lên ô-tô đóng kín cửa.

Trao đổi với P.V, ông Hà Quang Tuyến thừa nhận: “H. Ia Pa giáp ranh với nhiều huyện, đặc biệt là vùng giáp ranh các xã vùng sâu, vùng xa của H. Kông Chro (Gia Lai), nơi còn giàu tài nguyên rừng. Thế nên, một số đối tượng lợi dụng vào khu vực này để khai thác rồi dùng xe máy, xe công nông độ chế đưa về H. Ia Pa tiêu thụ”. Điều đó cũng lý giải việc “cung đường” gỗ lậu nườm nượp mà chúng tôi đã ghi nhận, phản ánh. Thế nhưng, điều lạ là “cung đường” này vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động dù ông Tuyến cho rằng “đơn vị luôn phối hợp với các lực lượng chức năng cùng các đơn vị vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, truy quét”.

Trước sự việc chúng tôi phản ánh khi xe gỗ trái phép chở vào xưởng của ông X., ông Tuyến cho rằng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. “Khi muốn kiểm tra phải có kế hoạch và phạm pháp quả tang mới có thể kiểm tra xưởng, cơ sở. Lợi dụng việc đó, một số cơ sở đưa gỗ khai thác trái phép rồi đưa vào các cơ sở trên. Nếu không có biện pháp xử lý tận gốc, xã, kiểm lâm địa bàn phối hợp thì rất khó xử lý”, ông Tuyến cho biết.

Trao đổi với P.V, khi chúng tôi đề cập đến việc hàng loạt xe máy, xe công nông độ chế chở gỗ, khai thác lâm sản trái phép ngay trên lâm phần do đơn vị quản lý, ông Nay Ú, Trưởng BQL RPH Chư Mố tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên. “Gớm vậy à! Cái này mình mới biết, để mình chấn chỉnh, nhắc nhở lại anh em tuần tra, kiểm tra, nhất là ở cái trạm cửa rừng đó”.

Oái oăm hơn, chúng tôi đã cung cấp cho ông Tuyến hàng loạt xe máy, xe công nông độ chế ngang nhiên chở gỗ trong rừng đi ra xã, ông Tuyến lại đổ thừa cho rằng: do mùa này bà con người DTTS tại địa phương hết vụ rẫy nên đổ xô đi vào rừng “cưa vài lóng gỗ” về để cải thiện cuộc sống. “Chúng tôi sẽ cho anh em nắm lại tình hình, chứ chưa nắm hết”.

Điều đó, khiến chúng tôi hết sức ngạc nhiên về trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương trong công tác quản lý bảo vệ rừng nơi đây. Việc xe máy, xe công nông độ chế hoạt động rầm rộ nhưng “không thấy, không biết” là điều cực kỳ lạ lùng. Có lẽ thế, những cánh rừng nơi đại ngàn Ia Pa cũng như vùng giáp ranh với địa phương này đang dần trơ trọi đi, “máu rừng” vẫn chảy trong sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng  nơi đây!

MINH TÂN