Đại tá Lê Đình Thi: Người thầy của lực lượng An ninh xứ Quảng

Thứ hai, 03/06/2013 00:00

 Di ảnh Đại tá Lê Đình Thi.

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-6, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Lê Đình Thi (bí danh Hoàng Tuấn Nhã, SN 1919-1997), nguyên Phó trưởng Ban an ninh Khu V, tại nhà riêng ở P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu, Đà Nẵng. Đến dự có các đồng chí Trung tướng Lê Ngọc Nam - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND Việt Nam; Trung tướng Lê Chiêm - Ủy viên T.Ư Đảng, Tư lệnh Quân khu 5, cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, sau khi học đỗ bằng yếu lược, ông Lê Đình Thi về lại quê nhà (nay là xã Quế Xuân 2, H. Quế Sơn, Quảng Nam) sinh sống và làm việc. Tại đây, ông đã chứng kiến cảnh bọn cường hào hương lý hống hách, bóc lột đàn áp nhân dân một cách thậm tệ, ông đã vận động và tập hợp một số thanh niên tiến bộ trong làng đấu tranh với chánh tổng, hương lý đòi chia công điền để nhân dân có ruộng cày cấy.

Từ năm 1936 đến năm 1939, ông tham gia tích cực trong mặt trận bình dân đòi dân sinh dân chủ. Ngày 15-6-1939, ông được đồng chí Nguyễn Thành Hãn - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng giới thiệu kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 3-1940, ông được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư chi bộ làng Quế Trạch (nay là xã Quế Xuân 2, Quế Sơn, Quảng Nam). Đây là chi bộ đặc biệt do Tỉnh ủy Quảng Nam trực tiếp chỉ đạo. Năm 1942, phong trào cách mạng ở Quảng Nam phát triển mạnh. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã ra tay đàn áp, phá vỡ nhiều tổ chức cơ sở Đảng, ông và nhiều Đảng viên kiên trung của Đảng bị bắt giam cầm. Tại nhà lao Hội An, ông bị cai ngục tra tấn cực kỳ dã man cùng nhiều đồng chí khác như: Huỳnh Sắc Kim-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Sỹ Huynh, Phan Thị Đợi - Tỉnh ủy viên...

  Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao Danh hiệu AHLLVTND
cho gia đình Đại tá Lê Đình Thi.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9-3-1945), ông cùng nhiều đồng chí khác ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1952 ông được tổ chức và công an Quảng Nam bố trí làm Giám thị trưởng trại cải tạo và là Chi ủy viên chi bộ công an Quảng Nam Đà Nẵng. Từ đây cuộc đời hoạt động cách mạng của ông gắn bó với ngành CAND đến cuối đời. Cuối năm 1962, Khu ủy Khu 5 quyết định chia tách tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà, đồng chí Lê Đình Thi được chuyển về công tác tại Quảng Nam và vẫn giữ chức Trưởng Ban an ninh kiêm Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.  

Trải qua nhiều cương vị công tác khác, đến tháng 7-1968, đồng chí Lê Đình Thi được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và là người đặt nền móng, là một trong những người thầy đầu tiên của lực lượng an ninh Quảng Đà. Sau khi có Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15, Cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, lúc bấy giờ, xác định cần phải tổ chức được một lực lượng vũ trang bảo vệ an toàn cho căn cứ, cho lãnh đạo các cấp nên Ban thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết định thành lập Ban bảo vệ an ninh gồm 5 đồng chí do đồng chí Thi làm Trưởng ban. Từ đây đồng chí đã tiến hành mọi mặt công tác bảo vệ an ninh, tuyển chọn cán bộ từ cơ sở, xin chi viện từ Trung ương và trực tiếp chỉ đạo, biên soạn giáo án, giảng bài tại các lớp huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ an ninh cho cán bộ. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban an ninh đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bộ máy an ninh được hình thành từ tỉnh xuống huyện, xã. Lực lượng an ninh tỉnh đã trưởng thành nhanh chóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ lãnh đạo...

Một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc của đồng chí Lê Đình Thi đó là trực tiếp chỉ đạo thắng lợi kế hoạch phản chiêu hồi. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng, triệt xóa hàng loạt cơ sở cách mạng của ta trong lòng địch, đẩy mạnh tấn công vào căn cứ của ta với cường độ và tần suất ngày càng khốc liệt; tăng cường truy quét, bố ráp, ngăn chặn, chặt đứt hoạt động tiếp tế lương thực, vũ khí đạn dược của ta... Đặc biệt, kẻ thù đã sử dụng thủ đoạn hết sức thâm độc đó là đẩy mạnh hoạt động phản chiêu hồi. Tình hình bấy giờ vô cùng phức tạp, một số cán bộ của ta đã hoang mang dao động ra chiêu hồi chạy về vùng địch khai báo nhiều bí mật khiến nhiều cơ sở cách mạng, cơ quan, căn cứ của ta bị lộ.

Trước tình hình đó, ta buộc phải nhanh chóng có biện pháp đối phó. Với cương vị là lãnh đạo cao nhất của lực lượng an ninh, đồng chí Thi đã đầu tư nghiên cứu, trực tiếp xây dựng và thực hiện kế hoạch “phản chiêu hồi đầu hàng”. Cụ thể, chọn lọc một số cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành để giao nhiệm vụ “giả chạy đầu hàng chiêu hồi”. Từ đó thâm nhập vào vùng địch thu thập thông tin, tài liệu, đồng thời ra tay diệt ác khi thuận lợi rồi trở lại vùng giải phóng. Chỉ trong thời gian ngắn, kế hoạch phản chiêu hồi của ta đã thu được thắng lợi.

Để tăng cường cán bộ cho Khu 5, tháng 1-1969, Ban Thường vụ quân ủy khu 5 quyết định bổ nhiệm đồng chí Lê Đình Thi làm Phó Trưởng ban An ninh khu 5. Với cương vị này, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, nhiều chiến công nổi bật trên mặt trận an ninh chính trị, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Với những thành tích trên, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba...

Ngày 23-4-2013, Đại tá Lê Đình Thi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nguyễn Tuấn