Đảm bảo quyền bào chữa của cá nhân trong quá trình tố tụng
(Cadn.com.vn) - Sáng 14-10, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng phối hợp với Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức hội thảo khoa học "Thực trạng thực hiện và đảm bảo thực hiện quyền bào chữa và quyền có người đại diện pháp lý, người bảo vệ quyền của cá nhân trong các quá trình tố tụng tư pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng". Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các cơ quan tố tụng, luật sư cho rằng còn nhiều vướng mắc sớm được tháo gỡ nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Số lượng bị can, bị cáo nhờ người bào chữa đang ở tỷ lệ thấp. Trong ảnh: Bị cáo tự thực hiện quyền bào chữa trong một vụ án do TAND Q. Hải Châu xét xử. |
Đa phần bị can, bị cáo tự bào chữa
Theo thống kê của Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng, từ năm 2010 đến tháng 9-2015, cơ quan này đã bắt, giam, giữ, khởi tố điều tra hơn 3.900 vụ với hơn 6.700 đối tượng, nhưng chỉ có 830 trường hợp cơ quan CSĐT 2 cấp cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, chiếm tỷ lệ 12,3% so với số đối tượng bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Các trường hợp bào chữa theo yêu cầu của bị can chỉ có 100 trường hợp, chiếm tỷ lệ 1,48% so với số đối tượng bị bắt, tạm giữ, tạm giam. Trong khi đó, cũng trong thời gian này, TAND TP xét xử tổng cộng hơn 2.000 vụ án với hơn 3.000 bị cáo nhưng chỉ có 551 bị cáo có người bào chữa, chiếm tỷ lệ 17,76%. Như vậy có thể thấy số lượng bị can, bị cáo có người bào chữa chiếm tỷ lệ còn thấp trong tổng số bị can, bị cáo bị khởi tố, xét xử.
Đại diện TAND thành phố Đà Nẵng cho biết, thực tiễn công tác xét xử cho thấy, một số bị cáo có trình độ hiểu biết, nhận thức về pháp luật nên có thể thực hiện tốt việc tự bào chữa của mình. Một số trường hợp khác, có thể không thực hiện tốt quyền tự bào chữa cho mình nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không nhờ hoặc thuê người bào chữa. Còn theo Đại tá Trần Văn Long, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Đà Nẵng, ở giai đoạn điều tra, việc tham gia tố tụng của người bào chữa trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa theo quy định tại khoản 2, Điều 57-Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Các trường hợp trên đều do cơ quan CSĐT yêu cầu cử người bào chữa, thực hiện theo quy định của BLTTHS và Thông tư số 70 của Bộ Công an về thi hành các quy định của BLTTHS...
Gỡ khó
Bào chữa là một công việc đòi hỏi rất nhiều về trình độ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm... của người bào chữa. Pháp luật không quy định bắt buộc chỉ có luật sư mới được quyền trở thành người bào chữa, song rõ ràng cả về mặt lý luận và thực tế đều cho thấy, luật sư là đối tượng đáp ứng cao nhất và đầy đủ nhất những điều kiện để thực hiện tốt và hiệu quả nhất việc bào chữa, từ đó mang lại lợi ích cao nhất cho người được bào chữa. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện công việc này, luật sư cũng gặp nhiều khó khăn như: thực trạng thi hành các quy định về pháp luật hành nghề luật sư, về bảo đảm quyền bào chữa gặp nhiều bất cập, vướng mắc, hạn chế ảnh hưởng đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, quyền hành nghề của luật sư mà điển hình là việc tham gia tố tụng của luật sư trong giai đoạn điều tra hoặc khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận luật sư bào chữa, nhu cầu giữa người cần bào chữa (người bị tạm giữ, bị can, bị cáo) với người cung cấp dịch vụ (luật sư)...
Luật sư Lê Xuân Hạc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, dẫn chứng: Khoản 1, Điều 56, BLTTHS quy định, người bào chữa được quy định gồm 3 đối tượng là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và bào chữa viên nhân dân. Tuy nhiên, những người tham gia bào chữa thường gặp là luật sư và luật gia, không có người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trong các đối tượng trên, luật sư là người được tham gia bào chữa với tư cách là một nghề nghiệp chuyên môn và đã có Luật Luật sư điều chỉnh, còn bào chữa viên nhân dân là ai thì không có quy định cụ thể. Trường hợp đối với bào chữa viên nhân dân trong Thông tư 70 của Bộ Công an hay người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo cũng chưa cụ thể.
Còn theo đại diện TAND TP Đà Nẵng thì cần sửa đổi BLTTHS theo hướng mở rộng phạm vi quyền bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa của bị can, bị cáo, không nên quy định một cách cứng nhắc phải là bị can chưa thành niên hoặc bị truy tố có mức án tử hình mới bắt buộc phải có người bào chữa. Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người bào chữa, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận, giao quyền cho thẩm phán ký giấy chứng nhận bào chữa chứ không nhất thiết phải là chánh án hay phó chánh án ký...
Nguyễn Tuấn