Đàn ông ra chợ

Thứ ba, 15/02/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Mới 5 giờ sáng mà ở chợ Xóm Mới (Diên An, Diên Khánh, Khánh Hòa) mọi người đã thấy anh Vỹ  mở cửa sạp, lo xếp dọn hàng bánh kẹo cho vợ để chuẩn bị một ngày buôn bán. Anh chẳng có thời gian để ra quán ngồi uống cà-phê như những người đàn ông làm việc Nhà nước. Công việc của anh nếu tính ra từ mờ sáng cho đến 7 giờ tối mới kết thúc. Anh nói: “Buôn bán theo kiểu vợ  bán chồng chạy hàng thì nghỉ một buổi là coi như tiền thuế, tiền đất, tiền góp và đủ thứ tiền  phải chi ra. Đồng tiền ở chợ  là đồng tiền lớn, thế là ra chợ cùng vợ”.

Giữa thời buổi “cơm kém, gạo khó” chuyện một sạp hàng nuôi cả gia đình là chuyện phổ biến. Bởi vậy, có nhiều lý do khác nhau để người đàn ông trở thành người phụ việc cho vợ mình. Chị Suốt là người thuộc xã Diên An. Chị cùng chồng là anh Khỏe ra chợ đã 10 năm nay. Anh Khỏe sau khi chở vợ hơn 10 cây số ra chợ, lại bắt đầu những công việc không tên của mình như vô hàng, đi lấy hàng, giao hàng... Nhìn đàn ông ra chợ mới thấy là không đơn giản. Anh Khỏe được mọi người gọi là “Khỏe suốt” - kèm tên vợ - vậy mà có khi toát mồ hôi ướt cả áo để lo hàng. Anh Thành cũng phụ bán hàng với vợ là chị Loan thì do con còn nhỏ, anh kiêm luôn chuyện tranh thủ đưa đón con đi học, thời gian còn lại anh phụ bán hàng với vợ. Chị Loan nói: “Nếu không có ảnh phụ bán hàng thì em không thể nào đi  bỏ mối hàng. Có chồng phụ việc cho mình ở chợ đôi khi khỏe hơn. Nhưng ngược lại  thì bao nhiêu thứ tiền cũng trông vào phiên chợ”.


Phụ vợ bán thịt và bán rau. 

Mô hình “bám chợ mà sống” tương đối phổ biến ở nhiều nơi. Chợ là nơi mà người ta trao đổi hàng hóa, nhiều khi còn là nơi để tâm sự những chuyện bực bội  đâu đó. Bà vợ mắc bận nghe chuyện khách hàng, thế là ông chồng lo bán hàng. Chị Bình bán nhang đèn, nhưng nếu không có anh Thắng phụ việc thì hàng nhang đèn của anh chị có khi trắc trở. Chị Loan bán phở chợ buổi sáng. Công việc của chồng chị nhìn lại đúng là khá vất vả: anh dọn tô sau khi khách ăn xong, có khi phụ vợ rửa chén, tiếp theo đó là bưng phở đến từng sạp hàng khi khách gọi. Buổi trưa sau khi chị bán xong anh phải nhớ từng khách hàng kêu phở để đi thu tô và thu tiền. Anh Nghĩa có vợ bán mắm, mắm của chị Nghĩa rất được mọi người ưa chuộng bởi một tay pha chế của anh. Nhưng không ai gọi đó là mắm anh Nghĩa mà chỉ gọi là mắm chị Nghĩa. Còn vợ chồng anh Phùng, chị Xuân thì gần như anh rành giá cả hàng hóa hơn chị, hôm nào hai người giận nhau vì lý do nào đó là coi như sạp hàng của chị  không bán được. Mới lấy nhau 7 năm, hai vợ chồng Hiền và Thủy được mẹ chia cho gia tài là hàng bánh kẹo. Còn trẻ, nhưng hai vợ chồng được liệt vào hàng “đại gia” theo cách gọi ở chợ vì buôn bán nhiều mối lớn. Hễ anh Hiền vừa đi đâu đó thì ngay tức khắc nghe tiếng chị Thủy gọi thật dễ thương: “Anh ơi, bỏ hàng vô bao giùm em”, “anh ơi, tới coi hàng em đi đây một tí”.

Nhiều khi rảnh rỗi, mấy ông đàn ông ở chợ họp nhau “uống vài ve”, người góp ít tiền gọi là rủ nhau “cúng đình”. Có lẽ cách gọi này liên quan đến chuyện mỗi khi chợ có cúng đình là có “nhậu”. Nhưng nhậu không yên với mấy bà vợ đâu. Tại vì tiền nhậu cũng là tiền bán hàng, say sưa không phụ việc cho vợ thì có bà vợ nào ưng? Có bà sợ chồng nhậu nhiều cũng đến “góp uống” cho ổng mau về.

Trên thực tế là tiền lời bán được trong phiên chợ đa số thuộc về công sức mấy ông, nhưng người giữ tiền thuộc về mấy bà, ăn xài chi tiêu cái gì cũng thuộc về mấy bà. Đôi khi còn bị thiên hạ cho rằng đó là những người đàn ông “thất nghiệp nên mới ra chợ”. Chợ là nơi  mà không có đàn ông cũng... chẳng thành chợ, nhưng mọi người lại cứ tưởng chợ chỉ toàn dành cho đàn bà. Chuyện mệt mỏi giận vợ lại là chuyện... thường ngày ở chợ. Tôi đã chứng kiến nhiều cách giận của mấy ông chồng. Như anh Phùng vì chuyện gì đó nên quyết định không dọn hàng cho chị Xuân. Thế rồi chị Xuân bị ngộ độc thức ăn nên hai vợ chồng làm lành với nhau. Có hôm anh Khỏe giận chị Suốt không chịu dọn hàng, chị Suốt phải “ngọt ngào” rồi kết luận: “Chọc mấy ổng giận mình không có lợi đâu, phải dọn hàng một mình khổ lắm”. Khổ như anh Thắng đang nhậu với bạn bè, tới giờ dọn hàng cho vợ phải đứng dậy mà về… kẻo vợ đợi tội nghiệp.

Chuyện đàn ông ra chợ không được giữ tiền là lẽ tất nhiên. Bởi ăn xài, hút thuốc cũng từ đồng tiền bán hàng mà ra. Mà chợ có khi đắt có khi ế. Người đàn bà không dám xài, chồng xài nhiều cũng xót. Thế là ra chợ phần lớn các ông lâm vào cảnh không phải muốn xài là mở hộc tiền lấy mà được. Đôi khi chợ ế, không nhậu nhẹt, mấy ông lấy bộ bài ra đánh “tiến lên” quẹt lọ nghẹ đỡ buồn. Có ông chỉ được đọc vài tờ báo tiêu chuẩn, vì nếu mua nhiều lại sợ vợ nhăn. Xe đổ xăng nhiều cũng bị kiểm soát, tiền xài nhiều bị nghi ngờ không biết có rủ con nào đi uống cà-phê không?

Nghe tôi nói sẽ viết bài “đàn ông ở chợ”, cánh đàn ông ở chợ Xóm Mới hoan hỉ ra mặt. Có ông nói “tại vì mình thương vợ mới ra chợ mà phụ. Mình ở nhà kiếm tiền còn nhiều hơn”. Nói là nói như thế, nhưng vòng quay ở chợ khiến cho cánh đàn ông đôi khi quên mất thời gian đang trôi. Họ trở thành những người đàn ông “thương vợ” nhất so với tất cả những người đàn ông trên đất nước này.

Khuê Việt Trường