Dân số Việt Nam giảm 2 bậc so với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới

Thứ sáu, 12/07/2019 12:51

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố kết quả sơ bộ về “Tổng điều tra dân số & nhà ở năm 2019” tổ chức ngày 11-7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban BCĐ TƯ khẳng định: “Cuộc tổng điều tra dân số & nhà ở năm 2019 diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn và thành công tốt đẹp”!

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về dân số

Theo kết quả sơ bộ được công bố, tổng dân số của Việt Nam hiện là 96.208.984 người, trong đó dân số nữ chiếm 50,2% (48.327.923 người), dân số nam chiếm 49,8% (47.881.061 người). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia, Philippines. So với 10 năm trước, vị trí xếp hạng trong khu vực Đông Nam Á của Việt Nam không thay đổi, nhưng đã giảm hai bậc so với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cũng theo kết quả sơ bộ thì sau 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng thêm 10,4 triệu người (tỉ lệ tăng bình quân mỗi năm là 1,14%). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, với tốc độ này thì năm 2020, dân số Việt Nam sẽ không vượt quá 98 triệu người, phù hợp với chiến lược dân số của Việt Nam trong giai đoạn này.

Kết quả sơ bộ cũng cho thấy, Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Trong đó, Hà Nội và Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước (tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2). Đáng nói, tốc độ đô thị hóa trong 10 năm qua diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Toàn quốc có 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học (tỉ lệ nữ cao hơn so với nam, tương ứng 92,5% của nữ, 90,8% của nam).

Tính đến 0 giờ ngày 1-4-2019, cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với năm 2009. Trong tổng số hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở. Tuy nhiên, so với năm 1999, tình trạng hộ không có nhà ở đã có sự cải thiện đáng kể, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ của năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ của năm 2009 và 1,8 hộ/10.000 hộ năm 2019. Có 93,1% hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, trong đó khu vực thành thị đạt tỉ lệ 98,2%, khu vực nông thôn 90,3%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước... 

Sau hơn hai tháng kết thúc việc triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, đến nay công tác xử lý và làm sạch số liệu cơ bản đã hoàn thành, sớm hơn so với cuộc Tổng điều tra dân số & nhà ở năm 2009 khoảng 1 năm. Theo ông Nguyễn Chí Dũng - Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ TƯ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư, cuộc Tổng điều tra lần này đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đáng chú ý nhất là đã “rút ngắn đáng kể về thời gian thu thập, xử lý thông tin, công bố sớm kết quả, giúp nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trong cộng đồng Thống kê thế giới. Đặc biệt, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần này đã trở thành kinh nghiệm điển hình cho một số quốc gia chuẩn bị thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở chu kỳ 2020”.

Lực lượng CA tham gia điều tra dân số tại P.Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng).  Ảnh: Đinh Nga

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cuộc Tổng điều tra dân số & nhà ở là một trong 3 cuộc tổng điều tra lớn nhất theo quy định của Luật Thống kê và chỉ được tiến hành 10 năm 1 lần. Cuộc tổng điều tra lần này rất có ý nghĩa nhằm phục vụ các dữ liệu cho các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 13 để xem xét, nghiên cứu & hoạch định chiến lược phát triển KT-XH, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách. Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đây là cuộc tổng điều tra lần đầu tiên áp dụng triệt để và rộng rãi công nghệ thông tin. Nhờ đó đã đáp ứng được tính nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả. Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao vai trò, sự quyết tâm của ngành Thông tin truyền thông cũng như của các bộ, ngành, địa phương, nhờ đó tạo nên sự thành công của cuộc tổng điều tra, sớm có kết quả sơ bộ của ngày hôm nay.

Tuy những thông số được thông báo tại hội nghị này là chính thức nhưng theo lãnh đạo Chính phủ, đây vẫn là kết quả sơ bộ. Bởi con số thống kê không chỉ là thông số mà còn phải thể hiện trong việc phân tích, đánh giá chi tiết. Phải phân tích để đạt được các mục tiêu về sử dụng số liệu cho việc hoạch định chiến lược, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách. Vì vậy, cần xác định công việc tiếp theo để đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra đó là: Phải hoàn tất báo cáo đánh giá chính thức để tổ chức hội nghị công bố kết quả chính thức của cuộc Tổng điều tra dân số & nhà ở đúng Ngày dân số Việt Nam (20-12). “Số liệu này càng có sớm bao nhiêu càng phục vụ trực tiếp và kịp thời cho việc xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh. 

Trên cơ sở nhắc lại cảnh báo của nhiều chuyên gia về việc Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng tốc độ già hóa lại thuộc loại nhanh, Phó Thủ tướng yêu cầu, cuộc Tổng điều tra lần này phải có chứng thực, bằng chứng bằng con số cụ thể về dân số và phân tích xu hướng dân số để có những đối sách, chính sách kịp thời. Theo đó, bên cạnh việc tránh bẫy thu nhập trung bình thì phải tận dụng cơ hội của dân số vàng và phải có thể chế chính sách kịp thời để khắc phục được chuyện “chưa giàu đã già”. Đặc biệt phải có chính sách như thế nào với người yếu thế, những người có thu nhập thấp... Nhấn mạnh thông điệp của cuộc Tổng điều tra lần này là “không để ai bị bỏ lại ở phía sau”, Phó Thủ tướng trăn trở: “Mặc dù Việt Nam đã đạt được 93,1% hộ dân có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố nhưng vẫn còn 1,4 triệu hộ với 5 triệu người vẫn còn nhà ở đơn sơ”.

P.Thủy (ghi)