Dân sống “nghẹt thở” bên lò giết mổ gia súc
(Cadn.com.vn) - Từ nhiều năm nay, hơn 1.200 hộ dân sống quanh lò mổ gia súc tập trung ở P. Tân Giang- TP Hà Tĩnh phải chịu đựng mùi hôi nồng nặc, hàng chục tấn phân, nguồn nước bẩn không được xử lý ào ạt chảy theo kênh ra sông, ra biển... Người dân đã nhiều lần phản ảnh, kiến nghị nhưng chính quyền vẫn thờ ơ...
Chất thải, nước thải thoải mái chảy ra sông
Kể từ khi UBND TP Hà Tĩnh cấp giấy phép cho xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn P. Tân Giang, lò mổ này đã gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân sống xung quanh. Bởi ngay khi đi vào hoạt động, lò giết mổ đã không đảm bảo yêu cầu về hệ thống xử lý rác thải. Ngoài ra, công tác thu gom rác thải lơ là nên điểm giết mổ này đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới 200 hộ dân sống xung quanh (thuộc tổ 10, P. Tân Giang) và hơn 1.000 hộ dân dọc theo Hào Thành, sông Cụt, sông Rào Cái. Mọi người đã nhiều lần phản ảnh với cấp chính quyền qua các cuộc họp tổ dân phố, kiến nghị cấp thiết với các Đại biểu Quốc hội nhưng lần nào cũng nhận được lời hứa của chính quyền thành phố “sẽ xử lý nghiêm” nhưng lời hứa đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Nhận được thư “kêu cứu” của người dân, chúng tôi tìm về điểm giết mổ gia súc để xác minh sự việc. Dọc con đường rẽ vào lò mổ gần 100m, những đống phân tro của các loại gia súc, gia cầm phơi nắng, ngâm mưa bốc mùi hôi thối nồng nặc “xộc” thẳng vào mắt, vào mũi. Cả một đoạn đường dài mùi hôi tanh của máu quện với phân thải gia súc được ủ lâu ngày tạo nên một thứ mùi tởm lợm, tanh hôi đến khủng khiếp. Bên trong lò mổ là dãy chuồng trại lụp xụp dùng nhốt gia súc kiêm luôn làm sàn mổ và phía cuối lò là nơi tập trung, xử lý phân rác thải.
![]() |
Nguồn phế phẩm không qua hệ thống xử lý “nắng để phơi đốt, |
Nhưng trên thực tế khu xử lý này chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là... đối phó với cơ quan chức năng lúc ban đầu, ngay sau đó nó đã bị hư hỏng, xuống cấp vì vậy, lượng phân và rác thải được chuyển hẳn ra ngoài phạm vi lò mổ chất thành từng đống, còn nước thải thì tự do chảy theo mương đổ trực tiếp ra sông Cụt. Khủng khiếp hơn, dọc các lối đi bên trong chỗ nào cũng có phân rơi vãi, phân được chất thành từng gò, không hề che đậy khiến cho ruồi muỗi, nhặng xanh bám đầy khắp nơi, lên cả người mổ lẫn người vào mua thịt.
Theo ước tính, hằng ngày có đến hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà được giết tại lò mổ gia súc tập trung của thành phố. Vì vậy đây là một trong những điểm cung cấp thực phẩm chính của thành phố. Thiết nghĩ, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được kiểm tra nghiêm ngặt, trong đó chú trọng khâu xử lý chất thải và nước thải. Theo các chuyên gia về môi trường, hệ thống lắng lọc phải có 3 hồ xử lý, toàn bộ nước thải sau quá trình giết mổ sẽ đi theo hệ thống mương ống dẫn vào hồ xử lý lần 1, nước thải ở đây được lắng lần thứ nhất rồi dẫn qua bể điều hòa, từ bể điều hòa nước thải được lắng lần thứ hai và theo hệ thống mương dài 2m, được chuyển sang hồ vi sinh.
Thế nhưng, lò mổ mới đi vào hoạt động chưa được bao lâu thì hệ thống lọc này đã xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ nước thải đủ các thành phần từ máu, mỡ, lông, phân gia súc, chất tẩy rửa gia súc được tống thẳng ra dòng sông Cụt nằm ngay trong lòng thành phố. Chủ lò mổ sau khi có cảnh báo của cơ quan chức năng đã không ít lần “hứa” cải tạo, tu bổ, nhưng đến nay mọi chuyện không hề thay đổi. Ông Nguyễn Văn Lý, một hộ dân ở P. Tân Giang bức xúc: “Từ khi xuất hiện lò giết mổ gia súc, gia đình tôi không có bữa cơm nào ngon. Mùi hôi thối cùng với nạn ruồi muỗi nên lúc nào gia đình tôi cũng phải treo mành, đóng cửa. Không chỉ vậy, nước ô nhiễm thải ra làm cả dòng sông đen kịt...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của việc gây ô nhiễm là do chủ lò mổ vì muốn tiết kiệm nguyên vật liệu, không tuân thủ theo quy trình thiết kế ban đầu như hệ thống mương nước thải nhỏ hẹp, bờ hồ thấp, nhỏ không đủ sức chứa, không có tường bao bọc... Vậy nên hệ thống hồ lắng, lọc bao lâu nay đã trở thành những ao chứa nước tù đọng, đen kịt, hôi hám...
![]() |
Ngay trong lò giết mổ gia súc, các phế phẩm sau khi giết mổ gia súc đầy tạo ruồi nhặng, ô nhiễm. |
Cơ quan chức năng... không chịu trách nhiệm!
Lò giết mổ gia súc tập trung này được xây dựng vào năm 2002 trên diện tích 500m2 thuộc khối 10 – P.Tân Giang – TP Hà Tĩnh do ông Trương Hữu Hà làm chủ. Khi đưa vào khai thác, chủ lò mổ cam kết sẽ có các biện pháp và quy trình để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề môi trường đã trở thành nỗi bức xúc của người dân nơi đây trong bao năm qua. Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hà Tĩnh thừa nhận: “Ô nhiễm môi trường ở lò mổ gia súc tập trung là có thật”, tuy nhiên ông cho rằng trách nhiệm này thuộc về UBND P. Tân Giang. Ông Thành nói: “Vấn đề ở đâu thì ở đó chịu trách nhiệm và tự giải quyết và trách nhiệm đó không thuộc về chúng tôi”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch P. Tân Giang, ông Nguyễn Thế Công lại cho rằng: “Thông qua các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, UBND phường đã gửi liên tục 3 báo cáo, kiến nghị lên lãnh đạo cấp trên yêu cầu cho kiểm tra đánh giá và xử lý môi trường về lò mổ gia súc tập trung thành phố. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa thấy động thái nào của lãnh đạo cơ quan chức năng”.
Trong khi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang đá qua, đá lại cho nhau “quả bóng” trách nhiệm thì hằng ngày 200 hộ dân ở tổ 10, P. Tân Giang và gần 1.000 hộ dân sống dọc theo Hào Thành, sông Cụt vẫn phải gồng mình sống chung với ô nhiễm môi trường trầm trọng từ lò giết mổ gia súc nằm ngay trong lòng thành phố (?!).
Bài, ảnh: V.Tuân