Dân vận khéo trong xây dựng các mô hình về PCCC
Được biết, kết thúc đợt cao điểm nhân rộng 2 mô hình về PCCC, trên địa bàn phường Hòa Cường Bắc đã xây dựng được 71 mô hình "Tổ liên gia ATPCCC" và 117 "Điểm CCCC". Nếu tính tỷ lệ so sánh toàn TP Đà Nẵng có 56 xã, phường đã xây dựng được 511 mô hình "Tổ liên gia ATPCCC" và 1.881 mô hình "Điểm CCCC" thì phường Hòa Cường Bắc là một trong những địa phương dẫn đầu trong đợt cao điểm. Thuật lại quá trình thực hiện, Trung tá Nguyễn Thanh Trúc- Trưởng Công an phường (CAP) Hòa Cường Bắc cho biết, ngay từ khi Công an TP Đà Nẵng có chủ trương thí điểm xây dựng "Tổ liên gia ATPCCC" và "Điểm CCCC", thì việc vận động thực hiện 2 mô hình này gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là kinh phí thực hiện mô hình Tổ liên gia quá cao. Mặt khác, người dân vẫn chưa nhận thức được mục đích, ý nghĩa của mô hình nên chưa nhiệt tình tham gia; thậm chí một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa đồng tình, ủng hộ mô hình này với lý do không khả thi, không thiết thực. Việc lắp đặt chuông, đèn, hệ thống đường dây điện ảnh hưởng đến mỹ quan mặt tiền nhà nên nhiều hộ dân không muốn tham gia. Nhiều cơ sở kinh doanh có mặt bằng là nhà thuê nên không muốn lắp đặt các phương tiện báo cháy.
Nhìn nhận đây cũng là khó khăn chung những địa phương khác, nên với vai trò là cơ quan tham mưu và chủ công trong triển khai thực hiện, CAP Hòa Cường Bắc đã kịp thời tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền và thực hiện nhiều biện pháp để xây dựng và nhân rộng 2 mô hình. Theo đó, CAP đã tham mưu cho Đảng ủy phường ban hành văn bản chỉ đạo Cấp ủy các chi bộ, Ban điều hành các khu dân cư, các đoàn thể chính trị - xã hội phường tăng cường phối hợp với CAP trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia; đồng thời giao chỉ tiêu và đưa vào tiêu chí chấm điểm thi đua cuối năm ở mỗi Tổ dân phố. 10 Tổ vận động với nòng cốt là Cảnh sát khu vực, các bí thư, tổ trưởng, Trưởng ban công tác mặt trận ở khu dân cư… được thành lập để vận động người dân đóng góp kinh phí.
Từ thực tiễn quá trình triển khai, Trưởng CAP Hòa Cường Bắc chia sẻ kinh nghiệm, quá trình vận động phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở cùng thực hiện, trong đó chú trọng phát huy vai trò của Cảnh sát khu vực và Tổ trưởng Tổ dân phố. Bởi vì chỉ có Tổ trưởng Tổ dân phố, Cảnh sát khu vực mới hiểu rõ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của mỗi hộ gia đình nên mới tìm được cách vận động phù hợp nhất.
Cũng theo Trung tá Trúc, việc vận động đóng góp kinh phí nên vận động cá biệt từng hộ gia đình, không nên vận động tập trung. Ban đầu khi thực hiện chủ trương, một số tổ dân phố tổ chức cuộc họp tập trung nhưng có người nêu ý kiến phản đối nên tạo hiệu ứng dây chuyền, đám đông nên không thực hiện được. Còn vận động cá biệt thì Tổ vận động với ít nhất 3 người gồm: Cảnh sát khu vực, Tổ trưởng, chỉ huy CAP vận động 1 người thì sẽ thành công cao hơn. Khi vận động 1 hộ đóng tiền thì sẽ tạo hiệu ứng đám đông để vận động các hộ khác. "Sau dịch, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên số tiền vận động mỗi hộ từ 500 đến 600 ngàn đồng đối với 1 hộ tham gia mô hình là không hề dễ dàng. Do đó phải linh hoạt đối với từng trường hợp cụ thể", Trung tá Trúc nói.
Một trong những "nút thắt" lớn nhất là sự đồng thuận từ người dân và vấn đề kinh phí cơ bản được giải quyết khi CAP đã vận động thêm mạnh thường quân tham gia, bù đắp kinh phí cho những hộ gia đình khó khăn. Vấn đề tiếp theo là việc tổ chức lắp đặt đảm bảo kỹ thuật, chất lượng và tiết kiệm. CAP tiến hành tham khảo giá cả lắp đặt ở nhiều nơi để lựa chọn đơn vị tốt nhất. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều báo giá thực hiện "Tổ liên gia ATPCCC" đối với 10 hộ gia đình với giá khoảng 25 triệu đồng. Con số quá cao so với mặt bằng chung và kinh phí của người dân, dẫn đến khó thực hiện.
Nhìn nhận được vấn đề, Đảng ủy phường và CAP đã có nhiều cuộc họp bàn bạc, tham khảo ý kiến nhiều người có chuyên môn, nếu tự lắp đặt thì số tiền chỉ khoảng 10 triệu đồng. "Đã có một số đồng chí trong Đảng ủy phường "bàn ra" vì nếu tự lắp đặt sẽ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng CAP đã bảo vệ ý kiến để nhân dân tự làm chủ trong mọi khâu, kể cả lựa chọn đơn vị cung ứng thiết bị. Nếu chính quyền đứng ra giới thiệu cho một doanh nghiệp sẽ tạo những hiểu lầm không đáng có trong dư luận nhân dân", Trung tá Nguyễn Thanh Trúc cho biết.
Nói là làm, CAP, Tổ trưởng dân phố cùng bà con nhân dân đã nhiệt tình tham gia. Mỗi người một tay, đóng góp sức lực, ngày công, nguồn kinh phí và đưa ra những cách làm tối ưu, hiệu quả cho khu vực của mình. Kết quả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Cường Bắc đã xây dựng được số lượng lớn "Tổ liên gia ATPCCC" và "Điểm CCCC", trải rộng từ kiệt hẻm đến khu cho thuê trọ, khu dân cư và kinh doanh đông đúc.
Các mô hình đã ban đầu phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn và nhận được sự đánh giá cao từ nhân dân. Minh chứng là vào sáng 29-7, tiếng chuông báo cháy của "Tổ liên gia ATPCCC" tại đường Hàn Thuyên vang lên, báo hiệu có vụ cháy xảy ra nên người dân khu dân cư tìm nơi cháy để dập lửa. Qua kiểm tra, người dân phát hiện khói phát ra từ ngôi nhà số 110 Hàn Thuyên nên sử dụng bình chữa cháy tại "Điểm CCCC" kịp thời dập tắt vụ cháy.
Thực tiễn hoạt động và hiệu quả của vụ chữa cháy thành công đầu tiên trên địa bàn tác động rất lớn đến tinh thần và nhận thức của người dân trong xây dựng "Tổ liên gia ATPCCC" và "Điểm CCCC". Đến nay, khi đề cập đến việc nhân rộng mô hình này trên địa bàn, cán bộ và người dân phường Hòa Cường Bắc đều có chung câu trả lời "đồng ý cả 2 tay".
MAI VINH