Dàn xếp tỷ số, căn bệnh trầm kha của bóng đá Đông Nam Á

Thứ bảy, 16/05/2020 15:33

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa công bố quyết định kỷ luật 11 cầu thủ đội bóng U21 Đồng Tháp tham gia cá độ tại Giải U21 quốc gia 2019. Bóng ma "dàn xếp tỷ số" vẫn chưa thôi bám lấy Việt Nam, và đó cũng chính là tình trạng chung của bóng đá Đông Nam Á.

11 cầu thủ của U21 Đồng Tháp tham gia dàn xếp tỷ số tại giải U21 quốc gia 2019.

Đây không phải là lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam lao đao vì nạn dàn xếp tỷ số. Còn nguyên những bài học nhãn tiền trong quá khứ, từ đại án Balcolod, vụ dàn xếp ở Ngân hàng Đông Á tới những vụ án tại Ninh Bình và Đồng Nai khiến cả một tập thể bị xóa sổ.

Việt Nam, cũng như phần còn lại của khu vực ASEAN từ lâu đã trở thành điểm nóng cá độ bất hợp pháp. Diễn đàn bóng đá châu Á 2016 công bố những con số giật mình về nạn cá độ, dàn xếp tỷ số. Hơn 400 tỷ USD là số tiền được đổ vào các sàn cá cược trực tuyến bất hợp pháp tại châu Á. 1/3 trong số này nhắm tới những trận đấu tại châu Á, nơi bóng đá chưa được chuyên nghiệp hóa hoàn toàn và cầu thủ sẵn sàng "bán mình" vì thu nhập từ nghề nghiệp không đảm bảo cuộc sống.

Thật ngạc nhiên, bằng cách này hay cách khác, câu chuyện thường bắt nguồn từ... Đông Nam Á. Không phải ngẫu nhiên, khi FIFA chi 20 triệu USD cho chương trình "Chống dàn xếp tỷ số", đặt trụ sở tại văn phòng Interpol Singapore.

Vụ đại án dàn xếp tỷ số đầu tiên bị phanh phui diễn ra ở trung tâm Đông Nam Á. Năm 1994, Rajamanickam lĩnh án 9 tháng tù giam vì tham gia dàn xếp tỷ số một trận đấu thuộc giải VĐQG Malaysia. Một năm sau, tay môi giới khét tiếng Wilson Raj Peruma bị sờ gáy do hối lộ đội trưởng ĐTQG Singapore 2.400 USD để anh này bán độ trong một trận đấu vào tháng 9-1994.

Nhiều nhà phân tích chung quan điểm, Singapore là môi trường lý tưởng để kẻ xấu làm ăn. Quốc gia này sở hữu trường đua ngựa có dòng tiền đổ về nhiều nhất châu Á, và có hai sàn casino thuộc diện "tụ điểm" trên thế giới. Một thống kê chưa chính thức cho thấy, khoảng 7,3 tỷ USD được giao dịch ở hai công ty cá cược bóng đá hợp pháp Singapore vào năm 2012.

Xét rộng ra, Đông Nam Á là địa bàn làm ăn yêu thích của các tay môi giới. Nhờ đặc thù địa lý văn hóa và hệ thống thể thao nhà nghề "nửa vời" với nhiều giải đấu không thuộc hệ thống tính điểm của FIFA hay bất kỳ Ủy ban Olympic nào (tiêu biểu là SEA Games), bóng đá tại đây dễ dàng bị thao túng.

Những tay cò thường nhắm đến nhóm cầu thủ thu nhập thấp nhưng muốn đổi đời nhanh chóng và dụ họ làm độ. Trong cuốn sách của mình, Declan Hill - nhà báo đã dành 5 năm để thâm nhập vào hang ổ của tội phạm bóng đá - đã kể lại câu chuyện về Lee Chin, kẻ trực tiếp nhúng tay vào các trận đấu ở Đông Nam Á. Khi tới Hong Kong tìm hiểu về văn hóa mạt chược, Hill tình cờ biết được một nhân vật là Lee Chin, người có 15 năm kinh nghiệm tham gia điều hành các sòng bạc.

Tháng 11-2005, Hill tới một CLB golf vùng ngoại ô thủ đô Bangkok của Thái Lan theo lời mời của Chin. Cuộc trò chuyện gần 3 tiếng đồng hồ cho Hill - dưới vỏ bọc của nhà đầu tư ngoại quốc -  một cái nhìn toàn cảnh hơn về bức tranh dàn xếp tỷ số ở Đông Nam Á.

Chin đứng đầu một tổ chức gồm 16 người, chuyên móc nối với những nhân vật am tường bóng đá tại nước thứ ba. Hắn ta luôn mang theo người hai chiếc điện thoại vệ tinh tránh truy vết và trực tiếp điều khiển trận đấu tùy vào dòng tiền người chơi đổ về. Một cái để liên lạc với nhà cái, cái còn lại gọi cho "chân rết".

Thời điểm đó, ở Phillipines đang diễn ra SEA Games. Trong một phút buột miệng, Chin quả quyết với Hill rằng, Lào sẽ thua Singapore 0-1. "Chắc chắn là 0-1", Hill nhấn mạnh trong cuốn sách. Kết quả trận đấu: Lào 0, Singapore 1. Fazrul Nawaz ghi bàn duy nhất. Đó cũng là kỳ SEA Games, thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam vướng vào đại án Bacolod.

Hill cũng tiết lộ, Chin thường tổ chức dàn xếp tại quán gà rán KFC nằm trong một trung tâm thương mại ở phía Bắc Bangkok. Tháp tùng Chin thường có 2 người Trung Quốc và 1 cựu VĐV điền kinh Ghana. Không quá chắc chắn về nhận định của mình, nhưng Hill dự đoán, phân vai của 3 người đàn ông bí ẩn này lần lượt là phiên dịch viên, kế toán và vệ sĩ.

Babang Surya là một nhà báo thể thao tại Indonesia. Anh ta có thâm niên 7 năm trong nghề, nhưng thu nhập từ công việc này không đủ duy trì "sở thích" đánh bạc. Syrua là con nợ lớn nhất của Damba - thành viên thế hệ vàng bóng đá Ghana (cùng Abedi Pelle) trong thập niên 90 thế kỷ trước.

Ngoài đá bóng, Damba còn một sở trường khác - là "bắt kèo độ". Sau này, khi tham gia LĐBĐ và huấn luyện đội U17, Damba đã nhận tiền để chỉ đạo đội nhà thất thủ trước Iran trong một trận giao hữu. Người đưa tiền cho Damba, không ai khác ngoài... Chin.

200.000 USD là số tiền đầu tiên Damba nhận được. Ngoài ra, ông ta được Chin cho đóng cổ đông trong sòng bạc Berveley Hills tại Jakarta. Đổi lại, Damba có trách nhiệm mở rộng mạng lưới làm ăn.

Với lý do giúp Surya xóa nợ, Damba - thay mặt Chin - đứng ra yêu cầu Surya làm tay sai. Anh này tiết lộ đã thu xếp 18 trận đấu khác nhau của ĐTQG Indonesia để hết nợ bạc.

Đó chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện cho thấy vấn nạn dàn xếp tỷ số ở Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến bóng đá khu "vùng trũng của thế giới" chưa thể bước lên con đường chuyên nghiệp hóa thật sự.

ĐƠN CA (CAND)

Đồng Tháp khủng hoảng trầm trọng

Liên quan tới vụ dàn xếp tỷ số ở giải U21 Quốc gia 2019, trận đấu giữa U21 Vĩnh Long - U21 Đồng Tháp tại vòng loại bảng C diễn ra ngày 19-6-2019 tại SVĐ Thành Long có dấu hiệu dàn xếp tỷ số. 9 cầu thủ đá chính và 2 cầu thủ dự bị ở đội U21 Đồng Tháp tham gia cá cược. Cầm đầu trong vụ việc là Huỳnh Văn Tiến, sinh năm 1999.

Trong bản tường trình, Huỳnh Văn Tiến thừa nhận anh ta và 10 người trong đội cùng tham gia một vụ cá độ trực tuyến, chọn cửa "tài-xỉu" (trên dưới số bàn thắng nhà cái đưa ra) và thắng 133 triệu đồng.

Huỳnh Văn Tiến bị Ban kỷ luật VFF phạt 5 triệu đồng và đình chỉ tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong 5 năm. Ngoài ra, VFF còn kỷ luật các cầu thủ gồm Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Anh Phát, Võ Minh Trọng, Lê Nhựt Huy, Giang Sô Ny, Trần Hữu Nghĩa, Cao Tấn Hoài, Dương Vũ Linh, Kha Tấn Tài và Trần Công Minh của đội U21 Đồng Tháp với mức phạt 2,5 triệu đồng/người và cấm tham gia bóng đá trong 6 tháng.