Đằng sau “cử chỉ thiện chí” của Afghanistan

Thứ ba, 26/05/2020 13:40

TỔNG THỐNG AFGHANISTAN ASHRAF GHANI ĐÃ CÓ “CỬ CHỈ THIỆN CHÍ” SAU KHI TALIBAN BẤT NGỜ ĐỀ NGHỊ NGỪNG BẮN.

Ngày 25-5, khoảng 100 tù nhân Taliban đã được Chính phủ Afghanistan phóng thích như một phần trong kế hoạch trả tự do cho 2.000 tù nhân Taliban nhằm đáp lại việc lực lượng nổi dậy này bất ngờ đề xuất ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr. Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Afghanistan, Javid Faisal nêu rõ: "Ngày hôm nay, Chính phủ Afghanistan đã phóng thích 100 tù nhân Taliban từ nhà tù Bagram".

Trẻ sơ sinh được lực lượng an ninh Afghanistan đưa ra khỏi tòa nhà sau vụ tấn công vào bệnh viện phụ sản ở Kabul hôm 21-5.  Ảnh: Sky News

Trước đó, hôm 24-5, Tổng thống Ghani bắt đầu quá trình trả tự do cho 2.000 tù nhân Taliban như một cử chỉ thiện chí sau khi quân nổi dậy bất ngờ đề nghị ngừng bắn nhân dịp lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Ông Ghani cũng cho biết chính phủ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban sau khi chấp nhận đề nghị đình chiến 3 ngày, bắt đầu từ ngày 24-5.

Người phát ngôn của ông Ghani, ông Sediq Sediqqi cho biết trên Twitter rằng, quyết định thả tù nhân là một cử chỉ thiện chí và được đưa ra nhằm đảm bảo thành công của tiến trình hòa bình. Ông Ghani cho biết ông sẽ xúc tiến quá trình trả tự do cho các tù nhân Taliban. Thỏa thuận được ký hồi tháng 2 giữa Mỹ và Taliban quy định rằng, chính phủ Afghanistan sẽ trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban trong khi quân nổi dậy sẽ giải phóng khoảng 1.000 nhân viên lực lượng an ninh Afghanistan. Việc trao đổi tù nhân được coi là một động thái xây dựng lòng tin trước các cuộc đàm phán hòa bình được chờ đợi từ lâu giữa Kabul và Taliban. Tính đến trước ngày 24-5, Kabul đã thả khoảng 1.000 tù nhân Taliban trong khi quân nổi dậy đã giải phóng khoảng 300 thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan. Taliban cam kết giải thoát các tù nhân, nhưng cũng nhắc nhở Kabul rằng thỏa thuận đã ký với Mỹ tại Doha yêu cầu thả 5.000 thành viên của nhóm.

Tổng thống Ghani cho biết một phái đoàn đàm phán của chính phủ đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình ngay lập tức với quân nổi dậy. Đoàn đàm phán sẽ do ông Abdullah Abdullah, đối thủ của ông Ghani, dẫn đầu sau khi hai người ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào tuần trước, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng tại Afghanistan.

Taliban tự do không được chiến đấu

Taliban đã nhiều lần chế giễu các thành viên của chính quyền Tổng thống Ghani, coi họ là những “con rối” do các thế lực nước ngoài kiểm soát. Lời đề nghị ngừng bắn của Taliban diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo của nhóm Haibatullah Akhundzada kêu gọi Washington không nên lãng phí cơ hội được tạo ra nhờ thỏa thuận Taliban- Mỹ với việc rút quân khỏi Afghanistan sau hơn 18 năm.

Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Zalmay Khalilzad, người môi giới cho thỏa thuận này, cho biết trên Twitter hôm 23-5 rằng lệnh ngừng bắn là một cơ hội không nên bỏ qua, đồng thời cam kết Mỹ sẽ tích cực giúp đỡ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng hoan nghênh lệnh ngừng bắn, nhưng bày tỏ “mong đợi rằng Taliban sẽ tuân thủ cam kết, không cho phép các tù nhân được thả trở lại chiến trường”. Ông cũng kêu gọi hai bên tránh leo thang bạo lực sau lễ Eid al-Fitr.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ưu tiên chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất từ trước đến nay của nước Mỹ, và trong khi nỗ lực rút các lực lượng khỏi Afghanistan, các quan chức Mỹ đã thúc giục Taliban và các nhà lãnh đạo chính phủ tiến hành đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, kể từ khi Taliban ký thỏa thuận với Mỹ, đã có hơn 3.800 vụ tấn công khiến 420 dân thường thiệt mạng và làm 906 người bị thương tại Afghanistan.

Chiến tranh mệt mỏi

Ông Khalilzad cho rằng Taliban đã giữ cam kết đối với phần cuối của thỏa thuận bằng cách không tấn công các lực lượng liên minh dù các vụ tấn công bạo lực gần đây mà nhóm gây ra đã vi phạm tinh thần của thỏa thuận.

Nhận xét của ông Khalilzad được đưa ra sau cuộc tấn công vào bệnh viện phụ sản ở Kabul khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có cả bà mẹ và trẻ sơ sinh, cũng như một vụ đánh bom tự sát tại một đám tang. Taliban phủ nhận có liên quan đến các vụ tấn công, còn ông Ghani cho rằng, IS đứng sau các vụ bạo lực này. Người dân Kabul, vốn đã quá mệt mỏi trong chiến tranh, tỏ ra nhẹ nhõm sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố. Kể từ khi Mỹ xâm chiếm Afghanistan vào năm 2001, chỉ có một lệnh ngừng bắn khác được đưa ra. Đó là lệnh tạm dừng giao tranh 3 ngày giữa Taliban và Kabul, cũng nhân dịp lễ Eid al-Fitr hồi năm 2018.

AN BÌNH