Đằng sau cuộc đối đầu Trung-Ấn

Thứ bảy, 27/09/2014 08:27

(Cadn.com.vn) - Thật bất ngờ khi đụng độ biên giới xảy ra khi những thỏa thuận Trung-Ấn được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi (từ ngày 17 đến 19-9) chưa kịp ráo mực.

Ấn Độ và Trung Quốc ngày 26-9 đồng ý rút quân ra khỏi khu vực tranh chấp ở cao nguyên Himalaya, chấm dứt cuộc đối đầu lớn nhất trong năm nay.

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết, bà gặp người đồng cấp Vương Nghị tại New York, bên lề phiên họp Đại hội đồng LHQ và cả hai đồng ý rút binh sĩ vào cuối tháng này. “Giai đoạn tồi tệ đã qua”, Đài All India dẫn lời Ngoại trưởng Swaraj khẳng định. Tuy nhiên, cả hai vị thủ lĩnh ngoại giao từ chối cho biết chi tiết về việc rút quân hoặc liệu quân đội có nhất trí dỡ bỏ việc xây dựng cơ sở hạ tầng gây tranh cãi tại đây hay không.

ĐỐI ĐẦU LÀ KHÓ TRÁNH KHỎI

Trung Quốc đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến ngắn ngủi vào năm 1962 và từ đó vấn đề tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết mặc dù cả hai đã tổ chức 17 vòng đàm phán.

Trung-Ấn thậm chí không thể đồng ý về Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), vốn được coi là ranh giới ngừng bắn sau cuộc chiến năm 1962, dẫn đến những cuộc đụng độ liên tiếp ở khu vực này. Trong cuộc đối đầu lần này, quân đội hai nước huy động khoảng 1.000 binh sĩ ở Ladakh, cáo buộc lẫn nhau xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự vi phạm thỏa thuận duy trì hòa bình, vốn được coi là chìa khóa giải quyết xung đột biên giới kéo dài 52 năm qua.

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên về sự kiện đối đầu Trung-Ấn lần này, người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này Cảnh Nhạn Sinh nhấn mạnh, vì biên giới Trung-Ấn vẫn chưa phân định, nên việc có lúc xảy ra tình hình cá biệt là khó tránh khỏi. Vì vậy, ông khẳng định, việc này sẽ không ảnh hưởng đến đại cục hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trung-Ấn tranh chấp một số khu vực ở biên giới Himalaya. Ảnh: AFP

DO PLA TRỞ NÊN “KHÓ BẢO”

Xung đột bùng phát tại biên giới xảy ra ngay trong thời điểm nhạy cảm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm lịch sử đến Ấn Độ. Chiến lược “ngoại giao sinh nhật” của ông Tập thành công bước đầu khi giúp củng cố đáng kể sự hợp tác thực chất giữa hai nước.

Tuy nhiên, sự kiện ở Ladakh phủ bóng đen lên khi những thỏa thuận chưa kịp ráo mực này. New Delhi cáo buộc hàng trăm binh sĩ thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cùng xe cơ giới xâm nhập vào khu vực Chumar của Ladakh xây dựng hệ thống đường sá. Ngay lập tức, Thủ tướng Modi yêu cầu ông Tập ra lệnh rút quân. Chủ tịch Trung Quốc đồng ý song thú nhận với Thủ tướng Ấn Độ rằng, “ông không hay biết gì về việc điều quân lần này”.

Việc này làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Bởi lẽ, với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), ông Tập Cận Bình là Tổng tư lệnh PLA. Vì sao binh sĩ Trung Quốc được điều đến biên giới tranh chấp với Ấn Độ mà Tổng tư lệnh không hay biết? Đã có nhiều câu hỏi đặt ra trong đó có khả năng quân đội Trung Quốc tự ý điều quân.

Đồn đoán gia tăng khi hôm 23-9, Chủ tịch Tập yêu cầu giới lãnh đạo cấp cao PLA “tuyệt đối trung thành”, có “niềm tin vững chắc” đối với đảng Cộng sản cầm quyền, bảo đảm “dây chuyền thực hiện lệnh trơn tru” và chắc chắn, tất cả các quyết định được thực thi. Hiện vẫn chưa rõ vì sao ông Tập lại nhấn mạnh đến lòng trung thành và thực hiện đúng mệnh lệnh. Nhưng nhiều người cho rằng, ông Tập có thể đang nhắc nhở PLA về vụ việc Ladakh vừa qua.

Ông Tập, 61 tuổi, được đánh giá là nhà lãnh đạo quyền lực và quyết đoán. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập cải tổ quân đội, loại bỏ một số vị tướng PLA vướng tham nhũng. Nhiều người cho rằng, có thể đây chính là nguyên nhân khiến PLA trở nên khó bảo hơn.

Khả Anh