Đằng sau quyết định rút khỏi OPEC của Qatar

Thứ ba, 04/12/2018 10:49

Qatar có tuyên bố về quyết định này chỉ vài ngày trước khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các thành viên không thuộc OPEC có cuộc họp tại thủ đô Vienna của Áo (ngày 6-12) nhằm ký kết một thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh giá dầu lại tiếp tục giảm mạnh.

Một nhà máy sản xuất khí đốt ở Ras Laffan của Qatar.    Ảnh: AP

Sau gần 50 năm là thành viên của OPEC, Qatar đã tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này. Đây được xem là một quyết định bất ngờ, đưa ra trong bối cảnh Doha đang loay hoay giữa mục tiêu tăng lượng sản xuất dầu và việc đối phó với những biện pháp tẩy chay về mặt ngoại giao và thương mại của các nước láng giềng Arab do Saudi Arabia dẫn đầu.

Rời đi từ tháng 1-2019

Trong tuyên bố đưa ra vào ngày 3-12, tân Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi cho biết, quốc gia Vùng Vịnh này sẽ rút khỏi OPEC vào tháng 1-2019. Phát biểu họp báo tại Doha, Bộ trưởng Kaabi khẳng định: “Qatar quyết định rút khỏi OPEC từ tháng 1-2019”. Ông còn cho biết, OPEC được thông báo về quyết định này trong ngày 3-12, trước khi thông tin này được công bố.

Thông báo bất ngờ từ bộ trưởng Saad Al-Kaabi một lần nữa đặt ra câu hỏi về vai trò của quốc gia nhỏ bé này trong việc thông qua cắt giảm sản xuất dầu trong năm 2016 sau khi giá giảm xuống dưới 30 USD/ thùng. Nó cũng đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia Trung Đông rời khỏi OPEC kể từ khi được thành lập vào năm 1960. Trong một tuyên bố, ông Al-Kaabi cho biết, Qatar, nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng xuất khẩu từ 77 triệu tấn khí đốt mỗi năm lên 110 triệu tấn. Ông cũng cho biết Qatar muốn tăng sản lượng dầu từ 4,8 triệu thùng mỗi ngày lên 6,5 triệu thùng.

OPEC chưa có tuyên bố gì về động thái này của Qatar, quyết định này được đưa ra chỉ vài ngày trước khi tổ chức này và các thành viên không thuộc OPEC có cuộc họp tại thủ đô Vienna của Áo (ngày 6-12) nhằm ký kết một thỏa thuận về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu trong bối cảnh giá dầu lại tiếp tục giảm mạnh.

Vì động cơ chính trị?

Qatar, một quốc gia có 2,6 triệu dân, đã phát hiện ra North Field - mỏ khí đốt lớn nhất thế giới - vào năm 1971, cùng năm nước này được độc lập. Vì vậy, tuy chỉ là một nước nhỏ bé ở Vùng Vịnh, Qatar là quốc gia giàu dầu mỏ là sản xuất khí LNG lớn nhất thế giới.

Sự giàu có của Qatar cũng củng cố vị thế chính trị lớn hơn của nước này trên trường quốc tế. Các lập trường chính trị của Doha có ảnh hưởng đến những người hàng xóm, đặc biệt là Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất OPEC. Tuy nhiên, Doha đang đối mặt nhiều khó khăn khi Saudi Arabia cùng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6-2017, sau khi chính thức cáo buộc Doha “tài trợ khủng bố” và Iran. Doha bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng, động thái tẩy chay đó đã gây tổn thất tới chủ quyền quốc gia của Qatar.

Những căng thẳng này làm dấy lên đồn đoán rằng, Qatar rời OPEC vì những bất đồng với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, phía Doha cho biết, quyết định của họ không xuất phát từ động cơ chính trị hay bất kỳ bất đồng nào với các nước thành viên OPEC khác. “Quyết định rút khỏi OPEC không phải một quyết định chính trị, cũng không liên quan tới bất đồng với các nước thành viên OPEC khác. Đây là quyết định mang tính kỹ thuật, xuất phát từ mong muốn tăng cường vị thế của đất nước là một nhà cung cấp năng lượng toàn cầu đáng tin cậy và cũng xuất phát từ mức độ sản lượng dầu của Qatar”, Bộ trưởng Kaabi nói. Vị bộ trưởng này nhấn mạnh, Qatar vẫn có ý định duy trì là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới. Ông Kaabi cũng cảm ơn OPEC vì những nỗ lực của tổ chức này.

KHẢ ANH