Đằng sau tin tướng Phạm Trường Long bị điều tra
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25-1 phủ nhận việc cựu quan chức quân đội cấp cao Phạm Trường Long đang bị điều tra vì bị tình nghi tham nhũng, đồng thời dẫn chứng việc vị tướng này được dẫn lời nói trong một bài báo gần đây trên tờ báo chính thức của quân đội nước này.
|
Tướng Phạm Trường Long tại một kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm 2016. Ảnh: AFP |
Chính trường Trung Quốc trong thời gian qua lại một phen xôn xao khi giới truyền thông Hồng Kông đưa tin, tướng Phạm Trường Long, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Trung Quốc, đang bị điều tra bị tình nghi tham nhũng. Thậm chí, một số phương tiện truyền thông Hoa ngữ cũng tiết lộ ông Phạm “đã bị bắt”.
Tướng Phạm Trường Long từng là gương mặt nổi bật trong quân đội Trung Quốc. Ông từng là Tư lệnh Quân khu Tế Nam. Năm 2012, sau đại hội XVIII đảng Cộng sản Trung Quốc, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch CMC rồi được tấn thăng vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này đánh dấu sự thăng tiến của viên tướng này, dù ông đã ở ngưỡng tuổi 65. Trên thực tế, dù tướng Phạm có nhiều kinh nghiệm hơn các tư lệnh 6 quân khu khác, nhưng vẫn chưa phải là một ủy viên CMC. Do đó, việc được thăng chức Phó Chủ tịch CMC là cú nhảy hai bước trên đường quan lộ của viên tướng này.
Trung Quốc nói “không điều tra”
Theo thông tin như vậy, tướng Phạm sẽ trở thành Phó Chủ tịch CMC thứ ba bị điều tra trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình sau hai người tiền nhiệm Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25-1 phủ nhận việc này, đồng thời dẫn chứng việc tướng Phạm được dẫn lời nói trong một bài báo gần đây trên tờ báo chính thức của quân đội nước này. Khi được hỏi liệu tướng Phạm có thực sự đang bị điều tra hay không, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đề cập tin được đăng trên nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào ngày 18-1 về công tác huấn luyện binh sĩ, trong đó dẫn lời ông Phạm về tầm quan trọng của các cuộc tập trận. “Với tin đồn này, tôi đề nghị các bạn đọc bài báo được đăng vào ngày 18-1 trên nhật báo Quân giải phóng Trung Quốc”, ông Ngô Khiêm nêu rõ trong cuộc họp báo.
Trong khi bác tin điều tra tướng Phạm Trường Long, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối trả lời những câu hỏi về các quan chức bị tình nghi tham nhũng trước khi các cuộc điều tra được thông báo hoặc trả lời không biết gì. Trong số này có tướng Phòng Phong Huy - cựu ủy viên CMC. Tuy nhiên, theo nguồn tin hồi đầu tháng 1 của Tân Hoa Xã, tướng Phòng Phong Huy sẽ bị khởi tố vì tình nghi nhận hối lộ.
Vì sao tướng Phòng Phong Huy mất ghế?
Ông Phòng Phong Huy từng là tư lệnh trẻ nhất của một quân khu thuộc PLA. Nhưng ông đã bị thay thế đột ngột vào cuối tháng 8-2017, chỉ vài ngày sau khi gặp một vị tướng hàng đầu của Mỹ để thảo luận về Triều Tiên. Ông Phòng là một trong hai vị tướng cao cấp không có mặt trong danh sách các đại biểu tham dự Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10-2017. Vụ việc này lúc đó làm dấy lên nhiều đồn đoán. Và cuối cùng, theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, ông Phòng Phong Huy được chuyển cho cơ quan kiểm sát quân sự điều tra vì tình nghi đưa và nhận hối lộ.
Hãng tin này không cho biết thêm chi tiết, nhưng đã có nhiều đồn đoán quanh cú ngã ngựa lần này của tướng Phòng Phong Huy. Ông Phòng Phong Huy, từng là Tổng Tham mưu trưởng PLA được cho là có quan hệ rất thân thiết với các tướng lĩnh đã bị buộc tội trước đó như Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu. Theo nguồn tin của The Diplomat, trong bữa tiệc tối với gia đình ông Quách Bá Hùng tại khách sạn Minzu ở Bắc Kinh, tướng Phòng Phong Huy từng tuyên bố: “Tôi sẽ giết chết bất kỳ ai dám loại bỏ đội ngũ lãnh đạo quân đội cũ”. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tướng Từ Tài Hậu, cựu Phó Chủ tịch CMC chính thức bị điều tra tội nhận hối lộ vào năm 2014 (sau đó tướng Từ Tài Hậu qua đời vào tháng 3-2015 do bệnh ung thư bàng quang đến giai đoạn cuối).
Khoảng 1 tháng sau khi tướng Phòng Phong Huy và tướng Trương Dương biến mất, tạp chí Hồng Kông Qian Shao cho rằng, cả hai nhân vật này đã âm thầm chống lại cuộc chiến “đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhất là trong việc xóa bỏ ảnh hưởng xấu của hai vị lão tướng Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu.
KHẢ ANH