Đăng thông tin giả mạo "nữ công nhân Samsung Thái Nguyên nhiễm HIV", một phụ nữ bị phạt 7,5 triệu đồng
Công an tỉnh Thái Nguyên vừa xử phạt một phụ nữ tên N.T.N vì hành vi đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm nữ công nhân Công ty Samsung Thái Nguyên và 16 nam giới bị nhiễm HIV.
Theo đó, ngày 26/7, trên mạng xã hội lan truyền bài viết, hình ảnh có thông tin sai sự thật liên quan đến nữ công nhân Công ty Samsung Thái Nguyên nhiễm HIV và lây lan cho nhiều người. Trước sự việc trên, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh phát hiện trường hợp N.T.N, sinh năm 1986 trú tại thành phố Thái Nguyên đăng tải bài viết trên facebook với lời lẽ khiếm nhã, kèm theo hình ảnh một người phụ nữ và danh sách 16 nam giới bị nhiễm HIV từ người phụ nữ trên. Các nội dung trên chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật. Khi được mời đến làm việc với cơ quan Công an, N.T.N đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình khi đăng tải thông tin giả mạo, sai sự thật, xúc phạm đến uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tự giác đăng bài đính chính trên facebook của mình.
Căn cứ vào tài liệu đã thu thập được, Phòng An ninh Chính trị nội bộ đã lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng đối với N.T.N về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” theo Nghị định 15, năm 2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện, Công nghệ thông tin và Giao dịch điện tử. Đối với nguồn phát tán thông tin sai sự thật trên, Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục điều tra, mở rộng.
Qua vụ việc trên, Cơ quan Công an đề nghị người dân cần tỉnh táo khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, không chia sẻ thông tin, bài viết thiếu kiểm chứng, sai sự thật.
Theo CAND