Đánh thức một vùng quê

Thứ năm, 31/03/2022 18:39
Nằm bên bờ sông Thu Bồn, hai làng Cẩm Lậu, Phú Bông (nay là Cẩm Phú, xã Điện Phong, TX Điện Bàn, Quảng Nam) lặng lẽ như những cô thôn nữ chân chất quê mùa, với vẻ đẹp tiềm tàng chờ “hoàng tử” đến… đánh thức. Và, tháng 3-2022, thời điểm ấy đã đến…
Lễ khai trương làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú.
Lễ khai trương làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú.

Trải qua nhiều biến động của thời gian và chiến tranh nhưng Cẩm Phú vẫn in đậm những dấu ấn của một làng quê Việt Nam. Từ đình làng Cẩm Lậu xưa với nét rêu phong của màu thời gian đến bến đò cùng những cánh đồng, triền dâu, bãi bắp ven sông cùng các làng nghề mang nét riêng của xứ Quảng đã làm nên một diện mạo mới cho làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú.

Du khách có thể đến đây bằng tuyến đường bộ từ QL1A rẽ về hướng Tây theo đường ĐT 610B khoảng 4 km hoặc đường thủy kết nối từ Hội An đến các điểm đến du lịch thượng nguồn. Đoạn qua làng Cẩm Phú có bến đò Bến Phẩm nằm về phía nam sông Thu Bồn. Trong kháng chiến, lặng lẽ hàng ngàn chuyến đò ngang đưa Bộ đội sang sông và bây giờ cũng lặng lẽ đưa người dân qua sông Thu Bồn để trồng và thu hoạch rau củ từ cánh đồng Gò Đình. Vì thế, bến đò Bến Phẩm đã trở thành một kỷ niệm khó quên của nhiều thế hệ người dân địa phương.

Ngoài việc được dòng sông Mẹ Thu Bồn bao bọc, quanh năm cung cấp nguồn nước ngọt lành, những rặng tre, đồng lúa Cẩm Phú còn được “nuôi dưỡng” từ nguồn nước tự nhiên chẳng bao giờ cạn của các Bàu Lở, Bàu Hà Tre và Bàu Trùm Ngô với diện tích trên vài chục héc-ta. Mỗi bàu mang một nét đẹp cùng những đặc sản riêng giúp người dân địa phương phát triển về kinh tế nhưng có một điểm chung là tạo bầu không khí mát lành, khó nơi nào có được. Bên cạnh những bàu nước, Cẩm Phú còn sở hữu những bãi bồi với nguồn phù sa được bồi đắp hằng năm từ sông Thu Bồn. Nổi tiếng nhất là bãi bồi Gò Đình có diện tích gần 100ha, là nơi người dân sản xuất các loại cây công nghiệp ngắn ngày và cây rau thực phẩm; là bãi bồi Gò Nam gắn liền với sản phẩm trồng dâu nuôi tằm của làng Phú Bông ngày xưa.

Phát huy những tiềm năng vốn có từ thiên nhiên ban tặng, Cẩm Phú ngày nay còn đẹp hơn với tổ hợp tác gồm gần 30 hộ chuyên trồng hoa, cây cảnh phục vụ người chơi hoa trong và ngoài tỉnh Quảng Nam cùng với những vườn cây ăn quả được trồng đủ các loại trái cây đặc sản ba miền đem lại thu nhập cao theo định hướng quy hoạch phục vụ du lịch cộng đồng. Đến Cẩm Phú, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với phong cảnh yên bình, không gian nhà vườn độc đáo ẩn hiện dưới những lũy tre làng xanh mát… mang đậm dấu ấn của làng quê Việt.

Tại đây, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng những sản phẩm mới được các nghệ nhân Âu Lạc, Phú Bông… chế tác từ gỗ, tre truyền thống mang đầy tính nghệ thuật. Mỗi một sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, là chiếc cầu nối giữa bản sắc xưa và nay của dân tộc Việt, là câu chuyện về quê hương, văn hóa và lịch sử giống nòi, là tình yêu thương gắn bó xóm làng… và được thưởng thức những món ăn truyền thống dân dã của người dân xứ Quảng. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Đình Làng Cẩm Lậu- nơi sinh hoạt của Nông hội đỏ, tiền thân của Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên trên mảnh đất Điện Phong, sẽ gợi cho chúng ta nhớ lại những ngày gian khó của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và khu di tích Đền thờ tưởng niệm 76 Hải Đà khắc ghi dấu ấn lịch sử một thời khói lửa của Tiểu đoàn 76 Hải Đà anh hùng…

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn, việc đưa khu du lịch cộng đồng Cẩm Phú vào khai thác đã đánh dấu sự thay đổi về tư duy làm kinh tế của người dân Điện Bàn. Từ việc phát triển kinh tế theo hướng nông - công nghiệp nay kết hợp với kinh tế du lịch để người dân thay đổi về tư duy và phát triển kinh tế phù hợp với xu thế mới. Hy vọng, mô hình làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú sẽ phát huy được hiệu quả kinh tế, để cùng với Hội An, Mỹ Sơn xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

M.T