Đánh thức tiềm năng Khu du lịch sinh thái Bằng Am

Thứ tư, 07/07/2021 15:14

Dự án Khu du lịch sinh thái Bằng Am (xã Đại Hồng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) do Cty Cổ phần Quảng Cường (Cty Quảng Cường) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2010 với quy mô lên đến hơn 300ha. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 10 năm, dự án trên chưa được triển khai bất cứ hạng mục nào khiến địa phương xót xa...

Từ đỉnh núi Bằng Am nhìn xuống một số xã của huyện Đại Lộc.

“Treo” hơn 10 năm

Ngày 19-7-2010, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 2254/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái Bằng Am do Cty Quảng Cường làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 315,62ha. Từ khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết trên, đến hết năm 2016, nhưng Cty Quảng Cường không tiến hành lập các hồ sơ, thủ tục tiếp theo để đầu tư dự án. Vì vậy, UBND huyện Đại Lộc đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam và các Sở, ngành liên quan mời Cty Quảng Cường tiến hành nhiều cuộc họp. Sau đó UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn số 434/UBND-KTTH ngày 25-1-2017 về việc hoàn chỉnh quy hoạch 1/500 của Dự án Khu du lịch sinh thái Bằng Am với quy mô điều chỉnh còn 145ha; trong đó Phân khu văn hóa tâm linh quy mô 24,4ha.

Thực hiện Công văn 434/UBND-KTTH của UBND tỉnh Quảng Nam, Cty Quảng Cường đã tiến hành lập thủ tục, hồ sơ liên quan. Đến ngày 20-3-2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã cấp Chứng nhận thay đổi lần I của Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó, dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I bao gồm Phân khu văn hóa tâm linh với quy mô 24,4ha, thời gian thực hiện đến tháng 12-2018 sẽ đưa vào hoạt động; giai đoạn II gồm các hạng mục còn lại với quy mô 120,6ha, thời gian thực hiện đến tháng 12-2020 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.

Thế nhưng đến nay, theo UBND huyện Đại Lộc, Cty Quảng Cường vẫn chưa triển khai thực hiện đầu tư bất cứ hạng mục theo tiến độ yêu cầu của Giấy chứng nhận đầu tư. Cty chỉ thực hiện đầu tư đường công vụ (đường bê-tông xi măng mặt cắt ngang 7m, chiều dài khoảng 4km), đây là công trình nằm ngoài dự án; việc đầu tư đường công vụ này đã gây sạt lở đất xuống hồ Cây Xoay, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương.

“Đã qua thời gian rất dài mà Cty Quảng Cường vẫn cố tình chây ì, chậm trễ trong việc triển khai thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Bằng Am. Bên cạnh đó, trong thời gian qua có nhiều nhà đầu tư có tiềm năng mong muốn đầu tư vào dự án trên. Cty Quảng Cường mặc dù không tiến hành đầu tư, nhưng cũng không tích cực hợp tác với huyện Đại Lộc để xử lý, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu hút xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện Đại Lộc”, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đánh giá.
Để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan đến dự án, tạo cơ sở cho huyện Đại Lộc trong công tác thu hút xúc tiến đầu tư vào điểm du lịch này, đầu tháng 6 vừa qua, UBND huyện Đại Lộc đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam, các Sở, ngành liên quan xem xét sớm tiến hành thanh tra việc đầu tư dự án và tình hình sử dụng đất của Cty Quảng Cường; qua đó xử lý dứt điểm việc đầu tư Dự án Khu du lịch sinh thái Bằng Am theo đúng quy định của pháp luật.

Khu vực được quy hoạch xây dựng Phân khu văn hóa tâm linh trên đỉnh Bằng Am, nhưng đến nay chỉ có một căn chòi nhỏ.

Đánh thức tiềm năng

Sau khi nhận được kiến nghị của UBND huyện Đại Lộc, ngày 26-6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì khảo sát thực tế đỉnh núi Bằng Am. Sau khi đi khảo sát thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì làm việc với địa phương cùng các Sở, ngành liên quan. Ông Lê Trí Thanh thống nhất với đề xuất của UBND huyện Đại Lộc; trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền, không để kéo dài. 

Bên cạnh đó, ông Lê Trí Thanh cũng yêu cầu UBND huyện Đại Lộc cùng với đơn vị tư vấn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng nghiên cứu địa hình, địa chất, điều kiện tự nhiên khu vực đỉnh núi Bằng Am và khu vực lân cận để cập nhật vào hồ sơ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Lộc; đề xuất phương án quy hoạch theo hướng đầu tư phát triển du lịch thuần túy hay đầu tư phát triển thành khu đô thị dịch vụ du lịch; nghiên cứu, quy hoạch bố trí 1 sân golf 18 lỗ tại khu vực đất khô cằn, cây xanh khó phát triển hiện nay. Phạm vi nghiên cứu, quy hoạch phát triển khu vực núi Bằng Am bao gồm khu vực Bằng Sình và hồ Khe Tân. Nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hệ thống bơm nước từ hồ Khe Tân lên đỉnh núi Bằng Am để cấp nước phục vụ sinh hoạt và phát triển du lịch. Đồng thời, làm việc với Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng để đề xuất phương án quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông lên đỉnh núi Bằng Am đảm bảo an toàn, đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành. Đồng thời nghiên cứu, quy hoạch tuyến cáp treo từ hồ Khe Tân lên đỉnh núi Bằng Am để phát triển du lịch...

TRẦN TÂN

Bằng Am vốn là một dãy núi đá vôi có độ cao khoảng 830m so với mực nước biển. Tổng diện tích ngọn núi này khoảng 300ha, với phần lưng tựa vào 3 ngọn đồi nhỏ và mặt hướng về thung lũng Đại Lộc xanh mướt. Trên đỉnh núi khá bằng phẳng, trông như một vùng đồng bằng rộng lớn. Trên núi có một cái am nhỏ - nơi cư trú của một cư sĩ yêu nước thời Cần Vương nên người dân gọi là núi Bằng Am. So với khu vực chân núi, khu vực đỉnh Bằng Am có nhiệt độ thấp hơn từ 5 - 7 độ nên được ví như Bà Nà của Quảng Nam. Ngày nắng, từ đây có thể nhìn thấy rõ 5 ngọn Ngũ Hành Sơn ở TP Đà Nẵng.