Đặt cọc mới được nhận từ thiện
(Cadn.com.vn) - Mấy tháng trước Tết Nguyên đán, bà Phạm Thị Sáu (72 tuổi, quê Quảng
Là người nhà quê, tính thật thà nên bà Sáu cũng cởi mở mỗi khi trò chuyện với cô ta mà chẳng biết tên tuổi, quê quán ở đâu. Chỉ thấy người phụ nữ này hay chạy ra vô chỗ phòng khám và cũng hay trò chuyện với người này, người kia trong lúc chờ đợi. Thấy cách ăn nói, dáng vẻ của người phụ nữ khá lanh lợi và tỏ ra am hiểu các thủ tục tại bệnh viện nên bà Sáu tranh thủ hỏi thăm một số chuyện còn chưa tỏ.
Hôm đó, theo lịch hẹn của bác sĩ, bà Sáu đến bệnh viện khám lại lần cuối để sắp lịch phẫu thuật, theo hẹn phải đến 10 giờ mới tới lượt khám của bà nhưng cả hai vợ chồng con gái đều bận việc. Do đã quen việc đi lại trong bệnh viện nên lần này bà Sáu bảo con rể chở đến để tự bà đi khám rồi sẽ đón xe ôm về nhà. Tin tưởng mẹ vợ đã quen chỗ khám nên anh Tuấn để mẹ ở lại bệnh viện, còn mình về đi công chuyện. Tại đây, bà Sáu gặp lại người phụ nữ nọ và cô ta lại bắt chuyện với bà.
- Bữa ni bác xếp lịch mổ hả?
- Ừ. Mổ cho rồi còn về quê lo Tết.
- Mẹ con cũng chuẩn bị mổ, may quá mẹ con trên 70 tuổi nên được hội từ thiện cho 30 triệu đồng để mổ.
- Rứa hả, 30 triệu đồng luôn. Mà trên 70 tuổi được cho tiền hả, bữa ni còn không? Còn xin được nữa không, tôi 72 tuổi lận.
- Hình như vẫn còn, để con hỏi xem.
Nói đoạn, cô ta rút điện thoại ra gọi cho ai rồi vâng vâng, dạ dạ liên hồi. Xong xuôi, cô ta quay lại nói với bà Sáu: “Chừ bác đi với con qua bên hội từ thiện hỏi cụ thể, nếu được, xin tiền họ để đỡ tiền thuốc men”. Nghe cũng được nên bà Sáu đồng ý theo cô ta với suy nghĩ được thì tốt, không cũng chẳng mất gì. Trong lúc chở bà Sáu đi, cô gái không quên dặn dò cần phải đóng cho hội một khoản tiền cọc khoảng 5 triệu đồng. Nghe vậy bà Sáu bảo không đủ tiền thì cô ta gợi ý bán đôi bông tai vàng (bà Sáu có đeo đôi bông tai hơn 1 chỉ vàng) để nộp cho người ta, nếu không lỡ mất cơ hội thì uổng.
Không để bà Sáu suy tính, cô ta tiếp luôn: “Nếu bác bán đôi tằm (bông tai) chắc được gần 3 triệu đồng. Bác còn bao nhiêu tiền trong túi?”. Nghe vậy, bà Sáu thật thà bảo chỉ có hơn 1 triệu đồng thì cô ta bảo sẽ cho bà mượn thêm để đủ 5 triệu đồng nộp tiền cọc cho hội từ thiện. Thấy cô ta quá nhiệt tình với mình, bà Sáu cảm kích lắm và đồng ý đi bán đôi tằm tại một tiệm vàng mà bà chẳng biết nó ở địa chỉ nào. Sau khi bán vàng cộng cả số tiền mang theo vẫn còn thiếu khoảng 700 ngàn đồng, bà Sáu nhờ người phụ nữ “tốt bụng” này cho mượn rồi sẽ trả lại sau.
Cầm được tiền của bà Sáu, cô ta chở bà đi lòng vòng rồi dừng lại trước cổng một nơi lạ hoắc và bảo với bà Sáu bảo đó là chỗ hội từ thiện. Tại đây, cô ta bảo bà Sáu đứng đợi để cô ta vào gửi xe rồi ra dẫn bà lên làm thủ tục xin tiền chữa bệnh. Tin lời, bà Sáu đứng đợi mãi đến gần 11 giờ nhưng chẳng thấy bóng dáng người phụ nữ quay lại, lúc này bà mới lờ mờ nghi bị lừa liền hỏi mọi người thì mới hay đây không phải là hội từ thiện mà là một bệnh viện khác.
Biết chuyện bà già nhà quê bị lừa mất tiền, mọi người xúm lại hỏi han và tìm số điện thoại của anh Tuấn điện báo tin. Nghe tin mẹ vợ bị lừa, vợ chồng anh Tuấn vội vàng đến nơi nhưng người phụ nữ lừa đảo đã đi mất dạng từ lúc nào. Khổ nỗi, mấy ngày liền sau khi bị lừa mất tiền, bà Sáu buồn rầu khiến sức khỏe sút giảm trông thấy.
Trước tình cảnh này, vợ chồng anh Tuấn bàn với nhau trấn an mẹ bằng cách lấy tiền nhà trả cho mẹ với lý do CA đã bắt được kẻ lừa đảo và thu được tiền. Nhận lại số tiền 4 triệu đồng (dù còn thiếu mấy trăm ngàn đồng), bà Sáu vui lắm nên tinh thần cũng phấn chấn để tiếp tục việc chữa trị bệnh. Khi thấy mẹ vợ đã hoàn toàn bình phục và đã tạm quên chuyện cũ thì vợ chồng anh Tuấn mới thú thật là vẫn chưa tìm ra kẻ lừa đảo, còn số tiền “trả lại” đó là của vợ chồng anh.
Rõ việc, bà Sáu xót của lắm vì cả tin để bị lừa mất của lại còn khiến con cháu phải tốn thêm tiền, song bà Sáu cũng thương vợ chồng con gái vì lo cho mình đã phải “dựng chuyện” để bà an tâm phẫu thuật. Mỗi khi kể lại chuyện bị lừa, bà Sáu luôn nói về mình là “già mà còn dại”, nhưng hy vọng qua câu chuyện của bà để làm bài học cảnh giác cho mọi người.
Q.P