Đất nước bị "nguyền rủa" vì... giàu tài nguyên

Thứ năm, 17/10/2013 11:16

(Cadn.com.vn) - Congo từng được cho là có thể trở thành một trong những nước giàu trên thế giới. Nhưng chủ nghĩa thực dân, chế độ nô lệ và tham nhũng biến nó thành một trong những quốc gia nghèo nhất.

Cuộc xung đột đẫm máu nhất thế giới kể từ sau Thế chiến II hiện vẫn còn tác động đến Congo. Cuộc chiến tranh khiến hơn 5 triệu người chết, hàng triệu người bị đẩy đến bờ vực nạn đói và bệnh tật và hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp. Cuộc Chiến tranh vĩ đại của Châu Phi, đã hút binh sĩ và dân thường từ 9 quốc gia và vô số các nhóm phiến quân vũ trang, chiến đấu gần như hoàn toàn bên trong biên giới của một quốc gia không may - Congo.

Giàu tài nguyên mà vẫn đói

Congo là một quốc gia lớn, có kích thước bằng cả khu vực Tây Âu. Nguồn nước vô hạn với con sông Congo lớn thứ hai thế giới, một khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, và đặc biệt là nguồn tài nguyên đồng, vàng, kim cương, coban, uranium, coltan và dầu mỏ. Tất cả biến Congo trở thành một trong những nước giàu nhất thế giới. Tuy nhiên, đây là đất nước vô vọng nhất khi luôn bị đánh giá thấp nhất về chỉ số phát triển con người và luôn sống trong đói nghèo dai dẳng.

Vào năm 1600, vương quốc hùng mạnh một thời tan rã thành một quốc gia luôn chìm trong các cuộc nội chiến. Nô lệ, nạn nhân của cuộc chiến này, được đưa tới các nước Châu Mỹ. Khoảng 4 triệu người buộc phải rời khỏi đất nước. Các tàu buôn của Anh tranh thủ đến đây chiếm lấy nguồn tài nguyên của Congo. Sự tham gia của các nước Châu Âu tạo nên giai điệu cho lịch sử của Congo sau này. Phát triển bị kiềm chế, chính phủ yếu kém, luật pháp không tồn tại. Congo bị nguyền rủa bởi chính nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của nó.

Congo thành thuộc địa của Bỉ vào cuối thế kỷ XIX và trở thành nguồn cung cấp cao su lớn nhất thế giới khi lốp xe đạp và lốp xe ô-tô trở thành mặt hàng quan trọng ở phương Tây vào thời điểm đó. Một nền văn hóa bị cai trị dã man đã hoàn toàn không quan tâm đến việc phát triển quốc gia hay dân số. Khai thác khoáng sản bùng nổ, lao động nô lệ phải chịu đựng điều kiện làm việc kinh khủng để sản xuất các vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp ở Châu Âu và Châu Mỹ.

Nguồn khoáng sản này cũng phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí phục vụ cho Thế chiến I. Trong Thế chiến II, uranium cho quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima và Nagasaki đến từ một mỏ ở Đông Nam Congo.

Một mỏ khai thác coltan và mangan ở biên giới Congo. Ảnh: BBC

Chiến tranh dai dẳng

Cuộc chiến giành độc lập vào năm 1960 là một thảm họa có thể đoán trước. Sự yên bình bị phá vỡ, quân đội nổi loạn chống lại người Bỉ và trong vòng vài tuần sau đó, các tầng lớp tinh hoa người Bỉ phải rời bỏ Congo. Đất nước rơi vào tình trạng "vô chủ". Hỗn loạn đe dọa nhấn chìm khu vực. Các siêu cường quốc Chiến tranh Lạnh nhanh chân đến đây để chiếm thế thượng phong.

Lãnh đạo cuộc nổi dậy Patrice Lumumba bị các nhóm phiến quân do phương Tây ủng hộ xử tử. Người của quân đội, Joseph- Desire Mobutu lên nắm quyền và rồi trở thành bạo chúa. Mobutu, gia đình và bạn bè chi hàng tỷ USD để xây một cung điện trong khu rừng nhiệt đới xa xôi nhất ở Gbadolite, và một đường băng siêu dài phục vụ cho các chuyến mua sắm ở Paris. Phương Tây chấp nhận ông miễn là các nguồn tài nguyên vẫn được khai thác và cũng cho chế độ Mobutu vay hàng tỷ USD, và Congo ngày nay vẫn chưa trả xong các khoản nợ này.

Năm 1997, một liên minh các quốc gia láng giềng Châu Phi, do Rwanda dẫn đầu đã xâm chiếm và lật đổ Mobutu. Một nhân vật lưu vong người Congo Laurent Kabila được đưa lên làm lãnh đạo bù nhìn. Rwanda chinh phục người hàng xóm một cách dễ dàng. Nhưng, các đồng minh Châu Phi cũng tranh giành Congo, đẩy nước này vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp.

Hòa bình được lặp lại tại Congo một thập kỷ trước. Nhưng giờ đây, ở khu vực phía đông xa xôi của Congo, một cuộc chiến tranh đang diễn ra. Các nhóm phiến quân đang đụng độ với quân đội và LHQ, trong khi lực lượng dân quân cũng "góp" thêm một phần vào sự bất ổn chung. Đất nước sụp đổ, đường giao thông không còn liên kết các thành phố chính, chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào viện trợ và các tổ chức từ thiện.

An Bình

(Theo BBC)