Dấu ấn 10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ tư, 06/01/2021 22:00

Với những nỗ lực không ngừng, Quảng Trị đã đạt kết quả rất ấn tượng sau 10 năm thực hiện "Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020"  theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Hướng Hóa tham khảo sản phẩm mây đan.

Chia sẻ về 10 năm thực hiện Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam cho biết giai đoạn 2010-2015, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, tạo khả năng và cơ hội cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn nghề, học nghề nhằm tạo việc làm, đặc biệt là đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Bước sang giai đoạn 2016-2020, Quảng Trị nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo, hình thành đội ngũ lao động lành nghề, phổ cập nghề cho người lao động; gắn đào tạo nghề cho lao động với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình KT - XH khác, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 Mặc dù quá trình triển khai gặp không ít khó khăn như định mức chi phí đào tạo nghề còn thấp so với tình hình thực tế, chưa có cơ chế thu hút nguồn lực từ xã hội hóa công tác đào tạo nghề LĐNT hay người LĐNT ở một số nơi vẫn chưa nhận thức được đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích đối với học nghề để góp phần khắc phục khó khăn về kinh tế; đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chưa thực sự đảm bảo về chất lượng đối với những nghề kỹ thuật cao... nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã chuyển biến mạnh mẽ qua từng giai đoạn.

 Anh Hồ Văn Thoa (30 tuổi, H. Đakrông) cho biết, chính sách đối với người học cũng là yếu tố thu hút đáng kể, trong đó hình thức dạy nghề đã được đa dạng, đào tạo theo đề xuất, nhu cầu của người học, đào tạo lưu động tại các thôn bản, tạo điều kiện để người lao động có cơ hội học nghề tham gia phát triển kinh tế gia đình và địa phương. Trong khi đó, chế độ chính sách đối với giáo viên, giảng viên được quan tâm, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác giảng dạy về chuyên môn, nghiêp vụ và công tác tư vấn học nghề, việc làm và định hướng nghề nghiệp, từ đó chất lượng giảng dạy được nâng lên. Tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nếu như giai đoạn 2010-2015 đào tạo nghề cho LĐNT (đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng) đạt hơn 23 ngàn người thì đến giai đoạn 2016-2020 đạt gần 35 ngàn người, và 80% học viên có việc làm, tăng thu nhập. Kết quả này đã góp phần thực hiện hiệu quả về giải quyết việc làm, giảm thời gian nông nhàn từ đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động xã hội, duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Một trong những hoạt động nổi bật qua dấu ấn 10 năm triển khai Đề án chính là thí điểm và nhân rộng các mô hình dạy nghề cho LĐNT góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thúc đẩy đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế hộ, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình đạt hiệu quả cao như trồng ném trên cát được triển khai diện rộng tại H.Hải Lăng; mô hình trồng và chăm sóc các loại hoa ở H.Cam Lộ; mô hình trồng sắn tại các xã vùng Lìa (H.Hướng Hóa, Cam K4 - H.Hải Lăng, hồ tiêu Cùa, dưa Vĩnh Tú, nuôi gà thả vườn, nuôi tôm, nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn... Công tác đào tạo hiệu quả, từ  đó LĐNT được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm tăng lên gần 3.000 người; gần 5.000 hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo và hơn 7.000 LĐNT được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng.

* Quảng Trị hiện là địa phương có cơ cấu dân số trẻ và có lực lượng lao động dự trữ dồi dào. Phân theo độ tuổi từ 0 - 59 tuổi chiếm khoảng 90%, riêng dân số dưới 15 tuổi chiếm hơn 37%. Dân số thành thị chiếm 31%. Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Trị đề ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho khoảng 40 ngàn lao động nông thôn (LĐNT). Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75-80%, tỷ lệ lao động qua văn bằng, chứng chỉ đạt 33%; đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85-90%, tỷ lệ lao động qua văn bằng, chứng chỉ đạt 36%; nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đảm bảo ít nhất 80% lao động sau khi học xong có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Công tác giáo dục hướng nghiệp cũng được chú trọng, trong đó H.Hải Lăng là điểm sáng trong công tác định hướng phân luồng học sinh. Theo UBND H.Hải Lăng, sau khi sáp nhập 3 trung tâm thành Trung tâm GDNN - GDTX, kể từ 1-7-2016, gặp rất nhiều khó khăn, bất cập từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đến đội ngũ cán bộ. Cụ thể, về lĩnh vực giáo dục thường xuyên, năm cuối cùng trước sáp nhập, Trung tâm GDTX cũ chỉ có lại 4 học sinh thi tốt nghiệp THPT. Qua thực hiện các biện pháp, trong đó đẩy mạnh truyền thông phân luồng, sau khi sáp nhập, qua 3 năm học, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã có học sinh đủ 3 khối 10, 11 và 12 với hình thức vừa học văn hóa, vừa học trung cấp nghề miễn phí.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Đề án, các đơn vị nòng cốt như Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT cùng nhiều địa phương đều đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả đào tạo LĐNT. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho các trường, trung tâm mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện Quảng Trị có 22 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài các cơ sở đào tạo chính quy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, HTX, nhóm sản xuất... trong đó người lao động vừa học vừa làm, mở ra nhiều cơ hội học nghề cho LĐNT thời gian tới.

                                         Bảo Hà