Đâu là giải pháp thúc đẩy phát triển xuất khẩu và logistics của Đà Nẵng?

Thứ sáu, 25/04/2025 09:25

Việc Trung ương cho phép TP Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với cảng biển Liên Chiểu từ năm 2025 sẽ tạo cú hích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực logistics, xuất khẩu (XK) của TP. Dưới đây là những đánh giá và gợi mở, hiến kế về các giải pháp để Đà Nẵng phát triển logistics và XK trong thời gian đến của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Dịch vụ logistics, xuất khẩu hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)

Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của TP Đà Nẵng đạt gần 3,31 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2023; cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với mức thặng dư khoảng hơn 536 triệu USD. Trong đó, kim ngạch XK đạt 1,92 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2023. Mặc dù quy mô XK của TP hiện mới chiếm khoảng 0,42% tổng kim ngạch XK của cả nước, nhưng với đà tăng trưởng này, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất – XK có định hướng công nghệ cao, bền vững và hiện đại.

Tuy nhiên, hiện XK của Đà Nẵng vẫn đối mặt với không ít thách thức như: quy mô doanh nghiệp XK nhỏ, khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường quốc tế còn hạn chế; sản phẩm XK chủ yếu dưới dạng gia công, thiếu thương hiệu riêng; mặc dù Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA này của doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả Đà Nẵng vẫn chưa đạt mức tối ưu, dư địa tận dụng còn rất lớn. Về lĩnh vực logistics, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển vượt trội nhờ sở hữu cảng Tiên Sa, sân bay quốc tế với năng lực khai thác lớn, cùng vị trí địa lý chiến lược nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối các nước khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng.

Dịch vụ logistics, xuất khẩu hàng hóa thông qua cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng).

Đà Nẵng đã được Quốc hội cho phép thành lập FTZ, cùng với việc triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu để nâng cao công suất, năng lực tiếp nhận tàu biển và xếp dỡ hàng hóa. Sắp tới đây, theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có nội dung hợp nhất tỉnh Quảng Nam vào Đà Nẵng, TP sẽ tiếp tục mở rộng năng lực logistics khi tiếp nhận thêm các đầu mối hạ tầng chiến lược như: cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai. Đây là bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái logistics tích hợp, đa phương thức, quy mô lớn - tạo điều kiện để Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics tầm quốc gia và khu vực…

Song, nhìn từ thực tiễn, hệ sinh thái logistics của Đà Nẵng vẫn còn không ít hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể: TP hiện vẫn thiếu vắng một trung tâm logistics tích hợp quy mô lớn, dẫn đến chi phí vận chuyển và lưu kho còn cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh; mức độ kết nối giữa các loại hình vận tải - đặc biệt là giữa cảng biển, sân bay và hệ thống đường bộ - còn thiếu đồng bộ, gây cản trở dòng chảy hàng hóa; các dịch vụ logistics giá trị gia tăng như phân phối, quản trị tồn kho, giao nhận điện tử... chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng hiện đại.

Để XK của Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến, TP cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực XK với định hướng phát triển các nhóm, ngành XK có giá trị gia tăng cao gắn với tiềm năng sẵn có và xu hướng thị trường. Cụ thể, trong ngắn hạn, đẩy mạnh các ngành đã có nền tảng như: sản phẩm phần mềm và dịch vụ CNTT, linh kiện điện tử lắp ráp, đồng thời kết nối với khu vực Quảng Nam để tận dụng chuỗi cung ứng ngành cơ khí chế tạo, điện - điện tử, gỗ chế biến. Bên cạnh đó, TP cần hình thành các cụm sản xuất - XK theo chuỗi ngành hàng, đi kèm với các hạ tầng phục vụ XK như: kho ngoại quan, trung tâm kiểm định - chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng phục vụ thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

TP cần tích cực phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề XK theo ngành hàng để phổ biến quy định và cách áp dụng ưu đãi thuế quan trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu ngay tại địa phương (theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) nhằm cập nhật thông tin thị trường XK tiềm năng, trang bị kiến thức cho cán bộ sở, ngành và doanh nghiệp địa phương về phòng vệ thương mại, truy xuất nguồn gốc và tuân thủ quy định môi trường, lao động - những yếu tố ngày càng được quan tâm trong thương mại toàn cầu, cũng như nâng cao năng lực quản lý xúc tiến thương mại ...

Đối với lĩnh vực logistics, TP cần sớm hình thành triển khai, thu hút đầu tư vào FTZ ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; có chính sách khuyến khích đầu tư, hình thành các trung tâm logistics, trung tâm phân phối hiện đại, mức độ tự động hóa cao, xây dựng các trung tâm logistics chuyên biệt phục vụ logistics thương mại điện tử, hàng hóa giá trị cao; xây dựng các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính để thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics; tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nâng đỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Trước mắt, sớm hình thành Hiệp hội Logistics Đà Nẵng để tập hợp các doanh nghiệp trong ngành, vừa tạo nên sức mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp, vừa hỗ trợ TP triển khai các chương trình, mục tiêu nhằm phát triển logistics. Về phía doanh nghiệp Đà Nẵng cần chủ động nâng cao nội lực, sẵn sàng chuyển đổi mô hình sản xuất - kinh doanh theo hướng xanh, số hóa, bền vững; chú trọng xây dựng đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, tinh thông, phản ứng nhanh với thị trường, v.v..., đặc biệt là mạnh dạn tiến ra thị trường nước ngoài, sẵn sàng ứng phó với các biến động của thị trường.

PHÚ NAM

(thực hiện)

IFC tư vấn như thế nào về cách thức hoạt động của Trung tâm Tài chính Đà Nẵng?

Sáng 17-4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Kỳ Minh đã tiếp và làm việc với Bộ phận tư vấn các định chế tài chính khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Thách thức thu thập dữ liệu và định hình chính sách phát triển Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng

Chiều 1-4, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, diễn ra phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề “Thách thức trong thu thập dữ liệu và định hình chính sách phát triển Khu Thương mại Tự do Đà Nẵng (FTZ)”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về Phương pháp Khảo sát Giao thông (ISCTSC) 2025, quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý ...

Đà Nẵng có thêm 1 trung tâm logistics hiện đại đi vào hoạt động

Chiều 31-3, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) Trần Văn Tỵ cho hay: DHPIZA vừa phối hợp với Công ty CP Giao nhận vận tải Con Ong (Bee Logistics Corporation) tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Phân phối Con Ong (Bee Distribution Center).