Dấu vết lên tiếng (Bài 1: Phía sau những án mạng)

Thứ hai, 28/08/2017 15:00

“Đi trước về sau”, đó là từ người trong nghề dùng để gọi lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS). Bởi lẽ, mỗi vụ án xảy ra, các cán bộ KTHS thường phải có mặt sớm nhất để tiếp cận hiện trường, thu lượm dấu vết, đảm bảo rằng những dấu vết đó phải là nguồn cứ liệu khách quan nhất. Và khi vụ án khép lại, những chứng cứ khoa học mà lực lượng KTHS thu lượm, phân tích được sau một quá trình là nguồn kết quả quan trọng đảm bảo căn cứ pháp lý trong tố tụng, để kết luận đúng người, đúng tội.



Lực lượng KTHS lấy mẫu sinh học từ đối tượng Feng Long Chun.

Đà Nẵng từng xảy ra nhiều vụ trọng án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hành trình phá án, đưa hung thủ ra trước ánh sáng là quá trình gian nan của nhiều lực lượng, trong đó, những người thầm lặng luôn ẩn mình phía sau để tìm ra chứng cứ pháp lý xác đáng giúp lần ra manh mối và buộc tội thủ phạm chính là các cán bộ KTHS. Thiếu tá Lê Văn Hải - Đội trưởng Phòng KTHS CATP Đà Nẵng kể, cuối năm 2015, trước nhà số K184/22-Nguyễn Duy Hiệu (Q. Sơn Trà) xảy ra vụ dùng súng bắn chết người gây chấn động dư luận. Thời điểm đó rạng sáng, nạn nhân Li Muzi (1984, quốc tịch Trung Quốc) vừa dắt xe máy ra khỏi cổng nhà thì bị đối tượng dùng súng bắn chết. Vụ án được dư luận và cả lãnh đạo TP rất quan tâm vì tính chất nghiêm trọng, nạn nhân lại là người nước ngoài. Để thu thập dấu vết có giá trị truy tìm thủ phạm cao, buộc lực lượng KTHS phải có mặt rất sớm, thực hiện các thao tác nghiệp vụ cẩn trọng, tỉ mẩn. Những dấu vết thu được từ khám nghiệm hiện trường, tử thi, theo Thiếu tá Hải có giá trị truy nguyên rất cao. Chẳng hạn như dấu vết đường vân, súng đạn, đặc biệt là dấu vết sinh học (ADN) thu được từ ống hút chai nước mà hung thủ đã ngồi bên quán nước trước nhà nạn nhân để chờ ra tay. Trong lúc các manh mối, thông tin về hung thủ chưa rõ ràng thì chính những dấu vết thu lượm được là cơ sở khoa học quan trọng để xác minh hung thủ chính là Feng Long Chun (1988, quốc tịch Trung Quốc). Cũng từ đây, đã xác lập được nguồn chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác điều tra tiếp theo.

Trong thực tế, những dấu vết thu lượm được từ hiện trường, tử thi không chỉ giúp tìm ra manh mối hung thủ gây án mà còn có giá trị chứng minh sự thật vụ án, giải tỏa bức xúc cho gia đình nạn nhân và để minh oan cho người sống. Đơn cử như các vụ tự tử, tự gây tai nạn, chết do bệnh lý, chết cháy, đuối nước... Thiếu tá Hải, cũng là bác sĩ pháp y của Phòng KTHS bảo, mỗi năm đơn vị phải tiến hành mổ khoảng 100 tử thi, bất kể là dịp lễ, Tết hay đêm khuya, các vụ việc từ to đến nhỏ, cứ có yêu cầu là xách vali đi. Anh kể, vụ án xảy ra tại Khu Ký túc xá Nam cầu Tuyên Sơn vào giáp Tết năm 2014 là một trong số đó. Vụ án này thu hút sự quan tâm của dư luận lớn bởi vì hai người chết đều là sinh viên, tuổi đời còn rất trẻ. Qua khám nghiệm hiện trường, tử thi đã đưa ra các chứng cứ cho thấy đây là vụ án mạng do mâu thuẫn tình ái nên Huỳnh Quang Thức (1993, trú Phú Ninh, Quảng Nam) đã dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng, ngực của H.T.N.A (1993, cùng quê), sau đó nhảy từ tầng 9 KTX xuống tử vong. Thậm chí có những vụ khó hơn khi tử thi đã phân hủy nhưng vẫn phải tìm ra nguyên nhân chết. Chẳng hạn giữa năm 2015, tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân (Đà Nẵng) người dân phát hiện một tử thi đã phân hủy, đầu lìa khỏi cổ, nhiều người nghi ngờ đây là vụ án man rợ, hung thủ ra tay tàn độc. Tuy vậy, bằng nghiệp vụ, các cán bộ KTHS xác minh từ bộ xương còn lại đã kết luận nạn nhân là nam giới, chết cách đó 3 tháng, không có yếu tố tác động của ngoại lực. Quả nhiên, khi mở rộng khám nghiệm hiện trường phát hiện gần đó có sợi dây vướng trên cành cây còn dính 4 đốt sống cổ, xét nghiệm trùng với bộ xương đã tìm thấy, chứng tỏ nạn nhân đã treo cổ tự vẫn.

Trong công tác khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều quan trọng nhất với mỗi cán bộ KTHS là sự tỉnh táo, cẩn trọng, không để bị sức ép dư luận hoặc các dấu hiệu bề ngoài đánh lừa. Đứng trước một tử thi, nhiều người thường nghĩ về án mạng, đặc biệt là thân nhân của người chết. Họ tạo nên những sức ép nhất định, nhiệm vụ của cán bộ KTHS là tìm ra sự thật từ trong xác chết để giải tỏa sức ép đó. Nhiều năm trong nghề, đã khám nghiệm hàng trăm tử thi, tuy vậy Thiếu tá Hải vẫn nhớ như in trường hợp cái chết của bà Đặng Thị Thị (44 tuổi, trú P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) xảy ra đầu năm 2015 tại một Cty trên đường 2 Tháng 9 mà bà làm người giúp việc. Bà Thị được thuê giúp việc 4 năm nhưng ít được về nhà, khi chứng kiến tử thi với nhiều vết máu, vết bầm tím, người nhà thiên về vụ án mạng, tạo sức ép rất lớn. Tuy vậy, sau khi khám nghiệm cẩn trọng, khoa học, các cán bộ KTHS kết luận bà Thị chết vì xuất huyết não. Bà Thị mang bệnh nhiều năm, trên người có các vết lở loét nhưng không được chữa trị kịp thời nên bệnh ngày càng nặng, dẫn đến xuất huyết não, tử vong.

Phân tích các dấu vết thu lượm được từ hiện trường.

Bên cạnh đó, có những vụ giải mã tử thi không chỉ tìm ra nguyên nhân tử vong, kết luận có hay không yếu tố hình sự mà còn để... minh oan cho người sống. Trường hợp cái chết bất thường của chị Dương Thị Hồng Trang (1982, trú P. An Hải Đông, Q. Sơn Trà) tại khu chung cư C2, P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà là một trong số đó. Chị Trang sống không có hôn thú tại địa chỉ trên với anh N.C (1984) và chính anh C. là người đã đến CAP báo tin chị Trang tử vong. Dư luận và đặc biệt gia đình nạn nhân đặt nghi vấn nặng nề lên anh C. khiến anh sống rất khổ sở mà không thể nào giải thích được. Tuy vậy, sau khi khám nghiệm tử thi, cán bộ KTHS đã chứng minh được chị Trang uống thuốc tự vẫn, từ đó giúp minh oan cho anh C.

Với mỗi vụ án hay mỗi tử thi đều ít nhiều để lại dấu vết, và nhiệm vụ của các cán bộ KTHS là thu lượm, nhặt nhạnh những dấu vết đôi khi tưởng chừng nhỏ nhất đó để tìm ra sự thực phía sau. Đó vừa là cơ sở khoa học, pháp lý đồng thời là chìa khóa để mở ra các vụ án lớn. Một công việc lặng thầm nhưng vô cùng quan trọng.

(còn nữa)

THÀNH NAM