Đầu xuân tham quan di tích cách mạng chùa Hang

Thứ năm, 13/02/2020 14:00

Cảnh núi rừng quanh chùa Hang.

Những ngày đầu xuân mới, người dân có truyền thống đi chúc Tết bà con, họ hàng, tham quan đền chùa, di tích lịch sử… nhất là tham quan di tích ngày xuân, ôn lại những bài học nhân văn của dân tộc. Đầu xuân Canh Tý-2020, Hội Cựu giáo chức H. Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) chọn di tích chùa Hang làm điểm tham quan. Đây là đợt tham quan trở thành thông lệ của cựu giáo chức Núi Thành để tâm trí tràn ngập cảm xúc về văn hóa cội nguồn, về truyền thống quý báu của cách mạng trong thời kỳ hoạt động bí mật.

Chùa Hang thu hút được nhiều người đến viếng cảnh vì đây là di tích cách mạng cấp tỉnh, có lịch sử thời kỳ bí mật, giai đoạn 1940-1945, là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống cách mạng tại địa phương. Muốn đến Chùa Hang, khách tham quan phải khởi đầu từ QL1A (trước cổng căn cứ Chu Lai) đi theo hướng Tây chừng 3 km là đến chân núi. Từ chân núi lên đến chùa đường dốc đá, quanh co hơn 1 km. Chùa nằm sát với dãy Trường Sơn, phía sau chùa là một tảng đá tựa như hình con lợn, đứng xa hàng chục cây số ta vẫn thấy được ngọn núi này; dân địa phương gọi là núi Con Heo, hay còn gọi là núi Hòn Bà. Sát chân núi Hòn Bà là chùa Hang. Gọi là “chùa” nhưng chỉ là một tảng đá to, ở xa trông tựa một cái thúng úp, tảng đá có một khoảng trống, gọi là cửa. Phía trước hang, bên phải có tấm biển ghi: “Chùa Hang, thôn An Thiện, xã Tam Nghĩa”,  bên trái là bia di tích cách mạng cấp tỉnh.

Bên trong tảng đá có khoảng không gian với sức chúa gần 50 người đi lại thong thả như đi trong một hội trường nhỏ. Trong hang có một cái giếng nước sát với vách đá, đường kính miệng giếng độ 4 dm, sâu chừng hơn 6 dm, nước mát trong lành quanh năm. Nước trong giếng chứa cả thùng phi, giếng vẫn không cạn.

Lối vào chùa Hang.

Ông Huỳnh Ngân, gần 90 tuổi, là người đân địa phương ở đây cho biết: Thời xưa, khu vực chùa, cây cối um tùm, nhiều cây sống hàng ngàn năm tuổi, như cốc, xoài, sơn, lim, gõ…, đa số là cây tự nhiên và đủ loại thú rừng, chim muông. Phía đông và đông- bắc, sát chân núi là ruộng lúa, cách ruộng lúa chừng 500 mét là vùng cát trắng chạy đến tận biển Rạng, tuy bờ biển cách xa hàng chục cây số, nhưng đứng trên hang đá mắt trần vẫn nhìn thấy thuyền buồm, tàu cá nhấp nhô trên sóng. Phía tây và tây- nam là núi rừng bao la, dưới chân núi là khu vực dân cư. Thời vua Quang Trung, khu vực dân cư nơi đây còn là đất hoang vắng, chỉ rừng núi, người ở rất thưa thớt, sống từng nhóm nhỏ gọi là xóm, như xóm Kẻ Thá, nay là thôn An Thiện, xóm Đồng Cũ nay là thôn Hòa Mỹ, xóm Ngòi Ve nay là thôn Long Phú, xóm Bù Nhum nay là thôn Đông Yên…

Đến thời vua Minh Mạng (1820) chính quyền sáp nhập các xóm lại thành làng, gọi là làng “Bình Yên Trung Nội” (nay là xã Tam Nghĩa). Dân cư mỗi xóm lúc bấy giờ không quá 80 hộ, nhà ở tạm bợ nghèo nàn và lạc hậu.

Thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, lợi dụng địa hình hiểm trở trong hang đá và núi rừng hoang vắng, các cán bộ cách mạng chọn chùa Hang làm nơi hội họp suốt thời kỳ tiền khởi nghĩa 1930-1945 giữa 2 đơn vị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Quảng Ngãi.

Cụ Nguyễn Cừu,  lão thành cách mạng xã Tam Nghĩa cho biết: Tháng 4-1940 tại chùa Hang có tổ chức Đại hội thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ. Chi bộ đầu tiên ở thôn Tịch Tây thuộc xã Tam Nghĩa lúc bấy giờ do ông Nguyễn Tiến Chế làm Bí thư.  Chi bộ này đăng cai Đại hội. Lúc bấy giờ, Bác Võ Chí Công, Chu Huy Mân cũng thường đến ở lại chùa Hang này. Về sau, sự việc bị bại lộ, chính quyền không cho người dân đến chùa Hang, vì vậy chùa Hang trở nên hoang vắng. Đến năm 1965 quân Mỹ đổ bộ vào lập căn cứ Chu Lai, bom đạn rải khắp núi, tượng Phật bị bom, mìn nổ tan nát từng mảnh vụn. Rừng cây cổ thụ không còn nữa, nhân dân khu vực gần chùa tự trồng với những cây keo, cây bạch đàn mới nhập; chim muông thú rừng nơi này cũng đã đi xa không còn những tiếng kêu ríu rít như xưa, không còn những bản nhạc du dương, lánh lót nói lên môi trường sinh thái tự nhiên nữa!.

Hiện nay, chùa Hang là nơi có phong cảnh núi rừng có nhiều hang đá, dốc đèo trông rất ngoạn mục. Nếu được sự quan tâm của Nhà nước, khu vực này sẽ có lợi thế thành khu tham quan, du lịch vì có cảnh quan đẹp, nơi đây còn là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, có ý nghĩa rất đáng tự hào của quê hương “Đi đầu diệt Mỹ”.

NGUYỄN HUY HOÀNG