Dạy học trên đỉnh núi Giăng Màn

Thứ tư, 14/12/2016 09:05

(Cadn.com.vn) - Đỉnh núi Giăng Màn quanh năm mây phủ. Ở đó, có những người giáo viên lặng thầm vượt núi cắm bản “gieo” chữ cho con em đồng bào. Cuộc sống đối diện muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy nhưng các thầy cô giáo vẫn một lòng bám trường, bám lớp. Với họ, niềm hạnh phúc lớn nhất là nhìn thấy con em đồng bào dân tộc được đến lớp mỗi ngày theo học con chữ. Họ là những người giáo viên Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa (xã miền núi Trọng Hóa, H. Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình).

Nhọc nhằn đường lên lớp

Sau nhiều cuộc hẹn, cuối cùng tôi đã có cuộc hành trình với những giáo viên cắm bản lên đại ngàn Trường Sơn. Một ngày đầu đông, khoảng 4 giờ 30 sáng, tôi gặp thầy Đoàn Anh Tuấn (giáo viên Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa) tại điểm hẹn. Trời vùng cao mưa như trút nước, những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu tràn về. Sợ chúng tôi không thể đi cùng vì mưa lũ, thầy Tuấn khuyên nên chờ đến dịp nắng ráo hãy đi. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định cùng các thầy “xẻ núi, băng rừng” đến với các điểm trường heo hút nơi vùng biên giới Việt – Lào. “Do đường đi lại khó khăn hiểm trở, sáng nay lại mưa to nên các giáo viên hẹn nhau cùng đi một lúc, đề phòng có chuyện bất trắc xảy ra”, thầy Tuấn nói.

Ký ức về những điểm trường tranh tre, nứa lá luôn in đậm trong mỗi cán bộ, giáo viên Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa. 

Sau hơn 3 giờ đồng hồ xuất phát từ thị trấn Quy Đạt (H. Tuyên Hóa, Quảng Bình), chúng tôi mới chạm đất xã Trọng Hóa. Từ đây, muốn vào đến Trường TH và THCS Ra Mai phải rẽ vào một con đường bê-tông nhỏ, dốc cao thẳng đứng. Phía bên trái là đỉnh núi Giăng Màn cao chót vót, bên phải là khe Dọi nước chảy đục ngầu. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những thác nước từ trên cao đổ xuống ào ào như muốn cuốn trôi đi tất cả. Vượt qua 3 con suối nhỏ nhưng nước chảy rất xiết, xe của hai cô giáo bị chết máy giữa dòng phải lội xuống dắt bộ. Một cô giáo bị té ngã giữa dòng suýt bị nước cuốn trôi, may mà có một thầy giáo lao ra giữ lại.

Qua khe Ka Định đến khe Cáp Pi, rồi khe Hà Nôông, đây là một trong những “cửa ải” khó khăn, là nỗi sợ hãi của giáo viên, nhất là những giáo viên nữ. Bởi muốn vượt qua con suối này trong mùa mưa lũ là phải khiêng xe. Hàng chục chiếc xe máy đang xếp hàng chờ được khiêng. Trước hết, những giáo viên nữ được các thầy dắt qua trước. Một số thầy thì hì hục chặt cây làm đòn khiêng. Trận mưa rừng đêm trước vẫn xối xả như trút nước. Nước khe vẫn đổ ào ào và càng chảy xiết hơn. Lột hết quần áo dài, cứ bốn thầy một xe vật lộn với dòng nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Chiếc xe đầu tiên, rồi xe thứ 2, thứ 3... được các thầy nhọc nhằn đưa qua. Đang khiêng chiếc xe cuối cùng thì có hai thầy bị trượt chân té ngã suýt bị nước cuốn. Tôi và những người đứng trên bờ sợ đến thót tim. Mấy thầy giáo trẻ dũng cảm lao ra giữa dòng, người trên bờ giữ chắc con sào bằng gỗ, một tay bám chặt lấy gốc cây mới kéo người dưới nước lên được. Sau gần 30 phút vật lộn với thủy thần, cuối cùng hàng chục chiếc xe cũng được đưa qua.

Các thầy giáo khiêng xe vượt suối vào bản dạy học.

Dạy học nơi sơn cùng, thủy tận

Để dạy học tại các bản làng thuộc Trường tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa, ngoài công việc chuyên môn, các thầy cô giáo nơi đây còn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc với bà con và học sinh. Trong ký ức của thầy giáo Đinh Thanh Liêm (quê thị trấn Quy Đạt, H. Minh Hóa) vẫn còn nhớ rõ kỷ niệm đi “bắt” học sinh đến lớp. Đó là những ngày đầu năm học 2009 - 2010, điểm trường bản Sy vừa được mở. Trước đó, tất cả con em nơi đây đều không biết chữ. Thời gian đầu mới mở lớp, các em có vẻ hào hứng, nhưng chỉ một thời gian ngắn là bỏ học gần hết. Lớp học được 15 em có 10 em bỏ học theo cha mẹ đi kiếm cái ăn. Có nhiều em vào tận bản Sòn cách lớp học hơn hai giờ đồng hồ đi bộ. Bằng mọi giá không để học sinh bỏ học, thầy cùng một đồng nghiệp quyết định băng rừng, vượt suối vào bản Sòn “bắt” học sinh về. Sau hai ngày lặn lội “bốn cùng” với học sinh và dân bản, thầy đã đưa toàn bộ học trò về lại trường. Thầy Liêm kể: “Khi tôi vào vận động thì bị bố mẹ các em phản đối nhiều lắm. Họ nói là “cái ăn chưa no làm sao lo việc học”. Vậy là tôi phải vận dụng hết vốn liếng tiếng dân tộc của mình để giải thích họ mới nhận ra ý nghĩa của việc cho con cái đến trường. Chừ các anh thấy đấy, học sinh ở đây đã quen việc đến lớp học chữ rồi, đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh, chị em giáo viên cắm bản chúng tôi”.

Ngoài công tác dạy học, giáo viên còn vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, hướng dẫn họ thực hiện ăn uống vệ sinh, quan tâm đến việc học hành của con cái. Đáp lại nghĩa tình của người giáo viên, bà con dân bản luôn tận tình giúp đỡ, cưu mang các thầy cô trong những ngày mưa lũ cô lập, lương thực cạn kiệt. Trưởng bản K Oóc, Hồ Liên phấn khởi: “Dân bản miềng quý thầy cô giáo lắm! Họ không chỉ dạy cho con em cái chữ Bác Hồ mà còn giúp bà con làm nhà cửa, cho thuốc chữa bệnh, bày cho đồng bào cách sống định canh, định cư, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu”.

Hơn 30 năm cắm bản gieo chữ nơi đại ngàn Trường Sơn, thầy Đinh Văn Hướng được nhiều đồng nghiệp gọi vui là Hồ Hướng, vì thầy đã gắn bó với đồng bào dân tộc quá lâu. Trong suốt thời gian ấy, dấu chân thầy đã in đậm trên tất cả các bản làng. Việc nói tiếng dân tộc của thầy đã trở nên quen thuộc như tiếng mẹ đẻ. Mọi phong tục tập quán nơi đây thầy đều biết hết. Khi rảnh rỗi, thầy gọi học sinh đi đánh cá về nấu cơm ăn chung. Vì thế mà học sinh và dân bản nơi đây rất yêu quý thầy. “Sống lâu với đồng bào và học sinh dân tộc vùng biên giới quen rồi. Nếu cấp trên không phân công về xuôi thì tôi nguyện ở lại cắm bản đến khi về hưu luôn”, thầy Hướng tâm sự.

Đại Khải