Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Đến dự Tọa đàm có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển, là “chìa khóa” quan trọng để cụ thể hóa mục tiêu Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.
Theo đó, trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 17-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về triển khai chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó có các nhiệm vụ về thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, góp phần xây dựng thành phố thông minh… Nhờ đó, kinh tế số đóng góp đáng kể trong cơ cấu GRDP thành phố với tỷ lệ 17,5%. Xã hội số từng bước hình thành và phát triển, dần tạo được thói quen, kỹ năng số trong người dân. Đà Nẵng được nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, đặc biệt 3 năm liên tiếp (2020-2022) xếp hạng Nhất Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và dẫn đầu cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
“Với các chủ trương, chính sách ban hành, công cuộc chuyển đổi số thành phố nói chung và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh diễn ra mạnh mẽ. Toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố và huyện Hòa Vang chủ động, tích cực tham gia triển khai và đến nay đạt được một số kết quả tích cực.Huyện Hòa Vang đã hoàn thành 15/20 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu vượt mức kế hoạch chuyển đổi số… Những kết quả trên góp phần quan trọng, giúp huyện Hòa Vang đạt được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn trưởng thành và phát triển; chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị mà quan trọng nhất là chuyển đổi nhận thức, hành động, hình thành công dân số, chính quyền số, hướng đến xã hội số.
Để chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh thành công, yêu cầu quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt và cần sự tham gia đồng hành tổng thể không chỉ từ chính quyền thành phố mà còn từ cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể người dân.
Thượng tướng Bế Xuân Trường cho rằng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn hàng hóa tập trung, quy mô theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất, góp phần đẩy nhanh tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế số...
“Trung ương Hội CCB Việt Nam tổ chức hội nghị tọa đàm lần này nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, để tuyên truyền, vận động và chỉ đạo Hội CCB các cấp tham gia hoạt động chuyển đổi số nói chung, trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương nói riêng.
Đồng thời, thể hiện sự đồng hành của Hội CCB Việt Nam cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhằm góp phần để chương trình chuyển đổi số quốc gia và ngành nông nghiệp nông thôn đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra”, Thượng tướng Bế Xuân Trường khẳng định.
L.H – B.Đ.N
Huyện Hòa Vang đạt nhiều kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số Tại địa bàn nông thôn H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng, mạng internet (wifi) đã được triển khai miễn phí tại 100% khu vực trung tâm các xã, các điểm sinh hoạt văn hóa công cộng, hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ cao đã được kết nối đến tất cả các hộ dân, phủ sóng điện thoại di động thế hệ mới 3G, 4G tới tất cả khu vực nông thôn. Hiện H. Hòa Vang có 122 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình và 51 DVCTT một phần, tỷ lệ hồ sơ DVCTT huyện trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 96% (năm 2022 đạt 65%), tỷ lệ hồ sơ DVCTT các xã 6 tháng đầu năm 2023 đạt 98%, Trong 6 tháng đầu năm, có 96,5% hồ sơ được giải quyết đúng, sớm hạn. Kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 72%.Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh, 11/11 xã triển khai phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe, 93,50% người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử. Tính đến nay, H. Hòa Vang có khoảng 18.000 công dân được cấp định danh điện tử VNeID mức 2 (khoảng 21% số dân trong độ tuổi trưởng thành). Huyện đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho 100% hộ, cá nhân kinh doanh, DN, tổ chức kinh tế. Mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt đã được triển khai trên địa bàn H. Hòa Vang, hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng cho 100 hộ tiểu thương tại chợ Túy Loan để thực hiện các giao dịch mua bán trực tuyến. Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã được sử dụng cho Trung tâm Y tế huyện và 100% trường học trên địa bàn huyện. L.A.T |