Đẩy mạnh phát triển logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây

Thứ sáu, 05/08/2022 17:53
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội chợ Quốc tế Thương mại - Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2022, sáng 4-8, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn phát triển dịch vụ logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (HLKTĐT) thu hút sự tham dự của đại diện các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp logistics, v.v… nằm trên tuyến hành lang này và một số nước khác.
Cảng Đà Nẵng có vai trò quan trọng cho phát triển logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Cảng Đà Nẵng có vai trò quan trọng cho phát triển logistics trên Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Tiềm năng to lớn

Theo ông Nguyễn Công Bằng - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), HLKTĐT là một chương trình kinh tế được khởi xưởng tại Hội nghị bộ trưởng các nước Tiểu vùng sông Mê-kông năm 1998. Sự ra đời của HLKTĐT đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên; là cơ hội để các quốc gia thành viên tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện thúc đẩy thương mại xuyên biên giới nói chung, logistics nói riêng; thu hút đầu tư từ các quốc gia thành viên, khu vực và thế giới; mở cửa cho hàng hóa của các quốc gia thành viên thâm nhập vào các thị trường lớn như: Nam Á, Đông Á, Châu Âu và Mỹ.

Đồng quan điểm với Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, cho rằng: HLKTĐT mang ý nghĩa to lớn khi nó giúp các nước, địa phương trong Hành lang dùng lợi thế của địa phương khác bù đắp cho sự yếu, thiếu hụt lẫn nhau. Không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, các nước, HLKTĐT còn tạo một môi trường đồng thuận có tính cạnh tranh cao, ngày càng vươn lên tới vị thế của các quốc gia khác tại Đông Nam Á trong lĩnh vực kinh tế biển, cận biển nói chung, hoạt động logistics nói riêng…

Chưa phát triển tương xứng

Tiềm năng logistics trên HLKTĐT to lớn nhưng thời gian qua, hoạt động này vẫn chưa phát triển tương xứng. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) đơn cử ngành logistics Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục. Thứ nhất, cơ sở hạ tầng logistics của TP chưa đồng bộ và xứng tầm với vai trò trung tâm dịch vụ logistics của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung để giúp kết nối hiệu quả với cả nước và HLKTĐT, đồng thời, chưa tạo được hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đa phương thức trong nội bộ thành phố và liên vùng, xuyên biên giới ngày càng lớn… Thứ hai, quy mô, vốn, kinh nghiệm và trình độ quản lý của đội ngũ doanh nghiệp logistics còn hạn chế. Dù có tới gần 1.500 doanh nghiệp logistics nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, thực hiện các hoạt động logistics đơn lẻ, giá trị gia tăng ít, đáng lưu ý hơn là chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics xuyên quốc gia. Thứ ba nguồn hàng tại chỗ còn nhiều hạn chế, việc thu hút nguồn hàng từ khu vực Tây Nguyên để đến các thị trường tiêu thụ như Lào, Thái Lan, Myanmar cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận, sau 25 năm hình thành HLKTĐT, các địa phương trên Hành lang vẫn chưa thực sự được các quốc gia tập trung, quan tâm đầu tư đúng mức để trở thành một hành lang kinh tế xuyên biên giới thực sự. Hạ tầng giao thông kết nối cũng như hạ tầng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ còn chậm phát triển, quy mô thị trường sản xuất, tiêu dùng hàng hóa còn nhỏ dẫn đến dịch vụ logistics trên Hành lang chưa thật sự phát triển.

Đâu là giải pháp ?

Để nâng cao hiệu quả kết nối, thúc đẩy phát triển logistics trên HLKTĐT nói chung, các nước, các địa phương, các doanh nghiệp trong Hành lang nói riêng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải Nguyễn Công Bằng hiến kế các tỉnh, thành của Việt Nam nằm trên Hành lang cần phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cũng như xúc tiến kêu gọi đầu tư và sớm đưa vào khai thác hạ tầng giao thông kết nối trọng điểm như: đường bộ cao tốc Bắc Nam, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (Quảng Trị), các tuyến quốc lộ kết nối cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), Bến cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng)… Đặc biệt là xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực logistics tham gia vào chuỗi dịch vụ logistics trên HLKTĐT. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Phước Sơn mong muốn Đà Nẵng cùng các tỉnh bạn có thể liên kết xây dựng hệ thống logistics hoàn thiện, hiện đại nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trên HLKTĐT kết nối với dòng chảy thương mại quốc tế.

Theo ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay, tại các địa phương của Việt Nam nằm trên HLKTĐT chưa có trung tâm logistics nên rất cần thiết lập một trung tâm logistics chuẩn hóa dịch vụ; đẩy nhanh thực hiện các hiệp định vận chuyển xuyên biên giới, bỏ việc kiểm soát đường bộ làm kéo dài thời gian lưu thông hàng hóa. "Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương làm việc với phía Lào, Thái Lan, Myanmar nhằm tháo gỡ các vướng mắc để các xe vận tải lưu thông trên HLKTĐT được thuận lợi", ông Lê Đức Tiến nói.

Đại diện các doanh nghiệp logistics, ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng đề xuất đối với Trung ương, cần phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông đảm bảo cho hoạt động logistics có thể khai thác nguồn hàng có hiệu quả theo hướng tiếp cận vĩ mô, đa phương tiện, lồng ghép, đồng bộ; các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ không cho lập thêm các trạm BOT và xem xét cho giảm số lượng các trạm BOT hiện có trên HLKTĐT đoạn qua lãnh thổ Việt Nam; cải tiến, giảm thiểu các thủ tục thông quan hàng hóa và đảy mạnh ứng dụng công nghệ vào kê khai thủ tục hải quan tại các cửa khẩu, nhất là ký kết các hiệp định về thông quan hải quan giữa các quốc gia trên HLKTĐT. Với TP Đà Nẵng, vị này đề xuất hình thành các trung tâm logistics quy mô lớn, có vị trí chiến lược để cạnh tranh với các trung tâm logistics ở hai đầu đất nước và các nước trong khu vực; sớm đầu tư và đưa vào khai thác Bến cảng Liên Chiểu để dần thay thế cảng Tiên Sa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng, đặc biệt là mong muốn được chỉ định là đơn vị đầu tư và khai thác 2 bến khởi động của cảng Liên Chiểu...

PHÚ NAM