Hướng về Hội nghị Trung ương 7

Đề án cải cách chính sách tiền lương, mối quan tâm đặc biệt của người lao động

Thứ sáu, 11/05/2018 06:30

Chiều 9-5, Ban Chấp hành T.Ư Đảng làm việc, thảo luận về Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Phóng viên Báo Công an TPĐN có cuộc trao đổi với ông Lương Thanh Huân, nguyên Phó Giám đốc CN điện máy miền Trung, nguyên Chủ tịch UBMTTQ VN P. Hải Châu 2, Bí thư Chi bộ Trung Tạm 1, P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu, TPĐN về vấn đề này:

Ông Lương Thanh Huân

P.V: Thưa ông, qua theo dõi truyền thông, ông có nhận xét gì về Đề án Cải cách chính sách tiền lương (CCCSTL) được đưa ra trình tại Hội nghị T.Ư 7 lần này?

Ông Lương Thanh Huân:  Đề án CCCSTL với những quan điểm, cách tiếp cận mới, khá toàn diện đưa ra Hội nghị T.Ư 7 thảo luận, thống nhất đang là mối quan tâm đặc biệt đối với dư luận và người lao động (NLĐ).  Đề án sẽ cải cách toàn diện về thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp; trong đó, chú trọng về tiền lương và tính giá trị tuyệt đối của tiền lương, không tính theo ngạch, bậc, lương như hiện nay, sẽ tạo hy vọng và phấn khởi cho NLĐ. Sự cải cách này sẽ đảm bảo tiền lương là nguồn thu nhập chính, giúp ổn định đời sống cho NLĐ và gia đình. Trước năm 1993, là cán bộ nhà nước, lương chúng tôi tính theo giá trị tuyệt đối, tuy nhiên từ giai đoạn 1985 – 1993, do khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng, giá cả tăng cao nên lương cũng phải tăng theo. Hồi đó chúng ta chỉ xoay quanh đối phó với việc “lương lên thì giá tăng, giá tiếp tục tăng thì lương lại lên”.  Còn trong thời điểm hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã ổn định, theo tôi, đây là cơ sở thuận lợi để quay lại việc tính lương NLĐ theo giá trị tuyệt đối.

P.V: Thưa ông, Đề án CCCSTL đã nêu, lương được tính theo giá trị tuyệt đối, vậy giá trị tuyệt đối sẽ tính theo cách nào?

Ông Lương Thanh Huân: Thực tế hiện nay cho thấy, thu nhập của NLĐ bình quân mức lương có tăng nhẹ theo từng năm, nhưng vẫn chưa thật sự tương xứng với mức tăng trưởng kinh tế chung. Theo nguyên lý, lương chính bao giờ cũng chiếm khoảng 65-70% trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp phải ít hơn và không quá 30%. Nhưng ở nước ta thì ngược lại, lương là thu nhập chính nhưng lại xấp xỉ với mức phụ cấp.  Do sự chênh lệch giữa lương và phụ cấp theo mức lương hiện tại dẫn đến việc thu nhập của cán bộ- công nhân viên (CB-CNV) chủ yếu nhờ vào phụ cấp và các khoản ngoài lương là rất khó kiểm soát...

Điểm mới của Đề án CCCSTL lần này là quy định cụ thể cách tính lương, ví dụ lương một CB-CNV, NLĐ hay phóng viên sẽ được tính từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, thay vì tính hệ số, phụ cấp. Đây thực chất là quay lại cách tính lương cũ, theo giá trị tuyệt đối trước đây.

Tiếp đó là cách tính lương chức vụ, cách tính này từ trước năm 1993 ta đã thực hiện. Cụ thể như một ông Thứ trưởng đang hưởng lương chức vụ Thứ trưởng, nhưng khi xuống làm chuyên viên vẫn hưởng mức lương này (?). Vì thế các nhà chuyên môn nghĩ ra cách chia lương ông Thứ trưởng thành hai phần, một phần lương chuyên môn và một phần trợ cấp trách nhiệm, chức vụ. Khi ông không làm chức Thứ trưởng thì sẽ mất lương chức vụ. Nhưng  lại dẫn đến việc ở một chức vụ nhưng nhiều mức lương khác nhau. Ông chuyên viên mới lên chức vụ thì có thể xếp ngạch chính, còn những người lâu năm vẫn ở ngạch cao cấp, dẫn đến vi phạm nguyên tắc cùng một chức vụ nhưng có nhiều mức lương khác nhau (?)... Chính vì thế, bây giờ quay lại cách tính lương theo Đề án, tính theo giá trị tuyệt đối là rất hợp lý.

Đối với Đề án CCCSTL đang được dư luận và NLĐ hết sức quan tâm, ủng hộ, tôi tin rằng, khi tiền lương của NLĐ được đảm bảo thì xã hội và mọi việc sẽ ổn định, bình đẳng; bên cạnh đó năng suất lao động, hiệu quả, chất lượng công việc sẽ càng được nâng cao.

HIỀN MINH (thực hiện)