Để con trẻ yêu văn hóa truyền thống gia đình

Thứ tư, 04/01/2023 18:03
Trong mỗi gia đình thì cha mẹ nào cũng luôn mong muốn con mình sớm trưởng thành, có phẩm chất, đạo đức tốt, biết yêu quý truyền thống gia đình, làng nước, góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, việc tạo cho con em mình các phẩm chất đó là không hề đơn giản, cần phải trải qua một quá trình dài giáo dục, rèn giũa...

Trước hết, để trẻ biết yêu thương và quý trọng văn hóa truyền thống, cha mẹ phải tạo điều kiện cho trẻ thường xuyên gặp mặt họ hàng. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, khi ít được tiếp xúc với bà con họ hàng, trẻ sẽ không có được quan niệm về truyền thống gia đình đúng nghĩa. Vì vậy, mỗi dịp cuối tuần, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm bà con trong gia đình, họ tộc. Trong các ngày tết cổ truyền, trong các dịp lễ, việc tiếp xúc với ông bà nội, ngoại, các cô dì chú bác là điều kiện giúp trẻ dần có sự cảm nhận về thứ bậc trong gia đình, phân biệt được đâu là bà con phía nội, bà con phía ngoại... Ngoài ra, khi tiếp xúc với bà con, họ hàng, cha mẹ cần tập cho con thói quen chào hỏi. Ban đầu trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng qua thời gian, chúng sẽ sớm hình dung được thứ bậc trong họ hàng mình, từ đó có những nhận thức ngày một đúng đắn và sâu sắc hơn.

Ngoài việc thường xuyên thăm hỏi bà con, họ hàng trong các ngày nghỉ và các dịp lễ Tết, cha mẹ cũng nên giúp cho con trẻ biết tôn trọng các sự kiện của gia đình. Nhiều bậc cha mẹ quan niệm, con cái bận rộn việc học hành nên miễn cho trẻ không dự những ngày cúng kỵ, giỗ chạp là một sai lầm. Các sự kiện của gia đình giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức yêu thương, tôn trọng bà con họ hàng. Đó là nền tảng cho con trẻ nhắc nhớ sau này, hình thành tư duy đoàn kết gắn bó trong họ tộc. Một ngày giỗ, nếu cha mẹ nói với con một cách trang trọng và đề nghị con cùng về với mình, chắc rằng các em sẽ đáp ứng bằng một cử chỉ trìu mến, kính trọng. Đến nơi có giỗ chạp, cúng kỵ, cha mẹ và người lớn trong họ tộc nên khơi gợi những kỷ niệm về người đã mất, nhắc cho con trẻ biết mối quan hệ ruột thịt như thế nào là điều các em vô cùng thích thú và chăm chú lắng nghe. Theo thời gian, tình cảm yêu thương gắn bó ấy sẽ giúp các em biết quý trọng truyền thống, cội nguồn, đồng thời sẽ có ý thức bảo vệ, giữ gìn và truyền đạt lại cho thế hệ mai sau.

Trẻ con vốn vô tư, không rành mạch như người lớn bao giờ. Nhưng thông qua những kỷ niệm, những hành động khơi nguồn đáng quý về truyền thống, cội nguồn chắc rằng sẽ ăn sâu vào trong ký ức các em mai này khôn lớn. Ý thức ấy sẽ lớn dần và giúp cho các em biết yêu thương nguồn cội, biết quý trọng truyền thống gia đình. Đó chính là nét đẹp văn hóa của con trẻ từ sự dạy dỗ, quan tâm và bảo ban của những bậc sinh thành về cội nguồn thiêng liêng, cao cả...

Phạm Tuân

(Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM)