Để cồng chiêng vang mãi giữa núi rừng Tây Nguyên
Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là niềm tự hào của đất nước và của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, tỉnh Gia Lai còn giữ được nhiều cồng chiêng và những nét đặc trưng của không gian văn hóa cồng chiêng đồng bào dân tộc Gia Rai, Ba Na. Cồng chiêng hiện có mặt ở tất cả các thôn làng thuộc các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với 5.655 bộ, trong đó có đến 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Chỉ tính riêng xã biên giới Ia O, H.Ia Grai đã có gần 600 bộ cồng chiêng, trong đó có nhiều bộ chiêng cổ, rất có giá trị đang được gìn giữ tại 9 thôn làng của đồng bào Gia Rai. Để bảo tồn và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trong những năm qua, CBCS Đồn Biên phòng Ia O đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn nạn “chảy máu” cồng chiêng đồng thời vận động bà con nhân dân thành lập các lớp học sử dụng cồng chiêng, các đội múa cồng chiêng dành cho thanh thiếu niên trong xã…
Các già làng xã Ia O đang hướng dẫn thanh thiếu niên cách sử dụng cồng, chiêng. |
Trên đường đưa chúng tôi xuống thăm lớp học sử dụng cồng chiêng của các cháu thanh thiếu niên ở làng Dăng, xã Ia O, đại úy Nguyễn Tất Việt, Đồn phó Đồn Biên phòng Ia O cho biết, Ban Chỉ huy Đồn BP Ia O đã giao nhiệm vụ cho Đội Vận động quần chúng của đơn vị xuống “gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng người” ở các thôn làng trong xã để khảo sát số lượng các cháu thanh thiếu niên có năng khiếu và yêu thích cồng chiêng, đồng thời vận động các già làng, các nghệ nhân cồng chiêng tham gia giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho các học viên trong lớp học. Sau hơn 1 tháng vận động, lớp học đánh cồng chiêng được thành lập tại làng Dăng do các cán bộ Biên phòng phụ trách. Lúc đầu lớp chỉ có chưa đến 10 cháu nhưng sau vài tháng đã có gần 20 cháu tham gia. “Thầy giáo” của lớp học đặc biệt này là các già làng như ông Ksor Phiếu, Rơ Mah Yơh, Ksor Khiếu và các nghệ nhân cồng chiêng trong xã. Vào mỗi sáng thứ năm và thứ bảy hàng tuần, sân nhà văn hóa của làng Dăng lại rộn ràng hơn bởi âm thanh cồng, chiêng do lũ con trai trong làng tập đánh.
Tại sân của nhà văn hóa làng Dăng giữa trưa gần đứng bóng, dưới tán cây phượng vĩ cổ thụ, khoảng gần 20 học viên đang chăm chú theo dõi từng động tác cầm dùi đến gõ nhịp, kỹ năng diễn tấu những bài chiêng cơ bản nhất do các nghệ nhân tận tình truyền đạt. Tiếng cười nói hòa lẫn tiếng chiêng, tiếng trống của thầy và trò từ góc sân nhỏ vang vọng cả ngôi làng. Già làng Rơ Mah Yơh (80 tuổi), cho biết, đồng bào Gia Rai ở xã Ia O rất quý cồng chiêng. Từ xa xưa, hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, nhà nào không có thì mắc cỡ với bà con thôn làng. Ở nhà của già Yơh hiện nay vẫn còn lưu giữ hai bộ cồng chiêng. Trong đó, có một bộ chiêng Hoanh (gồm 11 chiếc) và một bộ chiêng Pat (chỉ độc một cái). Đây là loại chiêng đặc biệt quý hiếm, già Yơh phải lặn lội đến tận vùng người Mường sinh sống ở Thanh Hóa mua về từ gần 10 năm trước với giá 160 triệu đồng. Trải qua bao năm thăng trầm, nhưng việc giữ gìn cồng chiêng luôn được các thế hệ người Gia Rai nơi đây chú trọng, nhất là những chiếc chiêng quý, chiêng cổ. Chỉ vào hai chiếc chiêng đang được các cháu thanh thiếu niên tập sử dụng, già Yơh giới thiệu thêm, chiêng Pat và chiêng Pom này là những chiếc chiêng quý, theo những người am hiểu, chiêng Pat được làm bằng đồng có pha đồng đen hoặc pha vàng, chính vì thế chiêng có màu đen pha chút nâu vàng, chiêng sáng bóng khác thường. Thời trước, một chiếc chiêng Pat phải đổi bằng 30 con trâu cùng nhiều ché rượu cần...
CBCS Đồn Biên phòng Ia O vui múa cồng chiêng với bà con làng Dăng. |
Ngồi bên cạnh, già làng Ksor Phiếu, tự hào cho biết, các thôn làng người Gia Rai của xã Ia O này, dù không có nhiều rẫy cà-phê, hồ tiêu, cao su hay trâu bò như các thôn làng khác nhưng vẫn có thể coi là giàu có nhất, bởi bà con nơi đây đang gìn giữ nhiều bộ chiêng cổ, chiêng quý cùng nhiều các giá trị văn hóa truyền thống khác. Để minh chứng cho điều này, già làng Ksor Phiếu đưa cúng tôi về thăm gia đình anh Rơ Mah Hyiu, là thế hệ trẻ nhất trong làng được trao trọng trách giữ gìn nhiều bộ cồng chiêng. Nhà anh Hyiu tuy không khang trang nhưng vẫn được coi là “nhà giàu” nhất làng, bởi có tới 7 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng Pat đặc biệt quý hiếm. Anh Hyiu cũng ý thức rất rõ, mình đang gìn giữ là những báu vật gia truyền của dòng họ. “Ngày trước cũng như bây giờ, hoàn cảnh gia đình mình khó khăn lắm, phải lo chạy ăn từng bữa tuy vậy ông bà, cha mẹ vẫn quyết giữ lại các bộ cồng chiêng để truyền lại cho thế hệ mình. Nó là tài sản vô giá của dòng họ, vì thế vợ chồng mình phải hết sức giữ gìn. Nhiều người hỏi mua, trả hàng trăm triệu nhưng mình quyết không bán, phải giữ gìn cho con cháu, giữ bản sắc người Gia Rai”, anh Rơ Mah Hyiu bộc bạch.
Trước khi chia tay với bà con miền biên ải, già làng Ksor Khiếu nắm chặt tay tôi khẳng định, tuy đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn rất nghèo nhưng việc giữ gìn cồng chiêng luôn được các thế hệ người Gia Rai chú trọng, nhất là việc gìn giữ những chiếc chiêng quý, chiêng cổ. “Trong xã hiện không còn hiện tượng “chảy máu” cồng chiêng, mà ngược lại, bà con còn đi tìm mua cồng chiêng ở nhiều nơi, lên tận các vùng người Mường ở phía Bắc, hay sang tận Campuchia, Lào để mua cồng chiêng quý mang về. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực truyền dạy cho lớp con cháu cách sử dụng, diễn tấu cồng chiềng để tiếng cồng, tiếng chiêng vẫn không ngừng âm vang trong khắp các cuộc vui, buồn, lễ hội của người Gia Rai. Để những thôn làng biên giới này mãi là những thôn làng giàu có nhất kể cả về vật chất lẫn tinh thần”, già làng Ksor Khiếu hãnh diện nói.
Hoàng Anh Trần