Đề nghị chất vấn phải truyền hình trực tiếp để cử tri theo dõi
(Cadn.com.vn) - Chiều 21-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật hoạt động giám sát của QH và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại Hội trường. |
Các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND đã được chỉnh lý đầy đủ, nghiêm túc. Về vấn đề chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn, một số đại biểu tán thành với quy định về chất vấn và trình tự, thủ tục trong việc thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp QH, phiên họp Ủy ban Thường vụ QH, kỳ họp HĐND, phiên họp Thường trực HĐND như trong dự thảo Luật trình QH. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định rõ khi trả lời chất vấn bằng văn bản, người trả lời chất vấn phải trả lời trực tiếp.
“Để đảm bảo quy định với Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện QH, HĐND ở nước ta hoạt động theo kỳ họp, căn cứ chương trình kỳ họp, phiên họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND, Thường trực HĐND quyết định thời gian, nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Trong trường hợp chưa đồng tình với việc trả lời chất vấn, đại biểu có thể chất vấn lại vấn đề mình quan tâm tại phiên chất vấn. Theo tôi quy định như thế là phù hợp, vẫn bảo đảm được tính khách quan của hoạt động chất vấn, đồng thời phản ánh được ý chí, kiến nghị của cử tri và những vấn đề mà xã hội quan tâm. Tuy nhiên, trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, nếu không có sự thống nhất chung và vấn đề đặt ra là bức xúc, quan trọng thì yêu cầu thành lập đoàn giám sát để làm rõ vấn đề chất vấn. Vì vậy, tôi đề nghị QH nên xem xét quy định vấn đề này trong dự thảo Luật” - đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) góp ý.
Tham gia góp ý, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa cho rằng, giám sát và quyết định là hai chức năng cơ bản, gắn bó mật thiết với nhau, không thể tách rời trong hoạt động của QH và HĐND. Nhiều vấn đề lớn của đất nước, địa phương sau khi được QH, HĐND quyết định thì phải tiến hành giám sát việc tổ chức thực hiện. Qua đó, có thể xem xét điều chỉnh, bổ sung mới cho phù hợp với thực tế. Vì vậy, hai chức năng này luôn song hành với cơ quan dân cử.
Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa, Điều 49 Luật tổ chức QH, Điều 41 Luật tổ chức HĐND và UBND hiện hành quy định, những đối tượng chịu sự chất vấn là các chức danh cụ thể, liên quan đến con người cụ thể. Nhưng ĐB cho rằng, thực tế các kỳ họp QH và HĐND vừa qua, nhiều đại biểu chất vấn Thủ tướng, Chủ tịch UBND, nhưng người trả lời chất vấn thường là Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND. Vì pháp luật hiện hành không bắt buộc chức danh bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, cũng không cấm việc ủy quyền trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp QH và HĐND. Trong khi đó, dự thảo Luật hoạt động giám sát mới cũng không điều chỉnh vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ tại Điều 15 và Điều 60 theo hướng, các chức danh bị chất vấn không được ủy quyền cho cấp dưới trả lời chất vấn. Đại biểu QH, HĐND chất vấn chức danh nào thì chức danh đó phải trực tiếp trả lời. Vì đại biểu là người đại diện cho cử tri, mà cử tri thì luôn mong muốn vấn đề chất vấn được chính chức danh đó trả lời nhằm khắc phục hạn chế, tìm ra những giải pháp tối ưu để quản lý, điều hành đất nước, ngành mình, địa phương mình phát triển tốt hơn.
Đại biểu nhất trí cao hai hình thức giám sát mới của HĐND tại Điều 66 là chất vấn và giải trình tại Thường trực HĐND, vì nó không chỉ góp phần làm thay đổi hoạt động của Thường trực HĐND mà còn nâng cao hiệu quả giám sát của HĐND. Tuy nhiên, quy định về trình tự chất vấn tại Thường trực HĐND ở Điều 69 là chưa đủ mạnh về pháp lý để nâng cao hiệu quả chất vấn. Do đó, luật cần quy định rõ hình thức văn bản của Thường trực HĐND đối với những vấn đề đã chất vấn, đồng thời cũng cần quy định việc chất vấn tại Thường trực HĐND được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri theo dõi như quy định tại Điều 26 về chất vấn của Ủy ban Thường vụ QH.
Đối với hoạt động giải trình tại Thường trực HĐND, bên cạnh việc tán thành các quy định tại Điều 72, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị luật cần quy định theo hướng, trường hợp cơ quan chịu sự chất vấn, giải trình không thực hiện kết luận của Thường trực HĐND thì Thường trực HĐND báo cáo HĐND xem xét ra nghị quyết. Việc bổ sung quy định này sẽ tăng hiệu quả giám sát đối với hoạt động giải trình tại Thường trực HĐND. Có như vậy, HĐND các cấp mới thực quyền, giám sát của HĐND mới có hiệu lực, thiết thực.
l Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi). Một số đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện và đổi tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán thành Luật Kế toán (sửa đổi), để bảo đảm tính bao quát, ổn định của Luật, tránh tình trạng sửa đổi thiếu toàn diện, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Phạm Hữu Hoa – TTXVN