Đề nghị chưa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
(Cadn.com.vn) - Chiều 21-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của BLHS năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của BLHS, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 cần tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. |
Sửa 141 điều của Bộ luật hình sự
Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần: Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần: Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều. Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ vào BLHS; bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành, vào BLHS. Thực tiễn cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sẽ có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả... có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo trong BLHS năm 2015 để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, không thể lạm dụng. Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của BLHS năm 2015.
Tại phiên thảo luận chiều 21-10 ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100 ngay tại kỳ họp thứ 2 này. Với quan điểm không được chủ quan, nóng vội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu quan điểm không thông qua dự thảo Luật này trong kỳ 2 nhưng không được “đủng đỉnh”, bởi BLHS 2015 đã được Chính phủ, Quốc hội XIII triển khai bài bản theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. BLHS 2015 thể hiện đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng không nên kéo dài bởi còn 3 đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực vì việc tạm dừng thi hành BLHS 2015.
Cần bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp
Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho toàn bộ đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 55, bao gồm cả phần vượt hạn mức (“Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết này. Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp”). Nhiều ý kiến cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp cho các hộ gia đình, cá nhân, kể cả phần vượt hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn của hộ gia đình, cá nhân chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm là không lớn và có tác động không đáng kể tới thu ngân sách Nhà nước.
Quỳnh Hoa