Đề nghị trả lại tiền “chạy án” để hoàn cho người mua vé “chuyến bay giải cứu”
Trong đại án này, bị cáo Lê Hồng Sơn (cựu Tổng giám đốc Công ty Bluesky) cùng bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) là 2 người đưa hối lộ nhiều nhất. Cụ thể, nhóm này đã bỏ ra tới hơn 100 tỷ đồng, trong đó hơn 38,5 tỷ đồng dùng để hối lộ các cựu quan chức xin cấp phép “chuyến bay giải cứu” và hơn 61 tỷ đồng để "chạy án". Tại bản luận tội, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Sơn 11 - 12 năm tù, bị cáo Hằng 10 - 11 năm tù cùng về tội: “Đưa hối lộ”.
Về câu chuyện đưa hối lộ trong vụ án "chuyến bay giải cứu", bị cáo Sơn không phủ nhận sai phạm mà chỉ muốn nói về những vất vả, khó khăn. Bởi lẽ, khi thực hiện các chuyến bay, ngoài khó khăn về giấy tờ, cấp phép, một trở ngại khác là xây dựng giá thành, khi mà mọi thứ dịch vụ liên quan đều tăng cao, chi phí để tổ chức chuyến bay là rất lớn. Cựu Tổng giám đốc Bluesky cũng phủ nhận thông tin cho rằng các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay tranh thủ dịch bệnh để thỏa thuận về giá nhằm trục lợi. Cuối phần trình bày, ông Sơn nói "rất sốc" trước mức án mà đại diện viện kiểm sát đề nghị, mong HĐXX đánh giá toàn diện, khách quan, cho bị cáo được hưởng khoan hồng.
Bào chữa cho bị cáo Lê Hồng Sơn trong vụ án "chuyến bay giải cứu", luật sư nói sau khi nghe mức án đề nghị đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội: “Đưa hối lộ”, luật sư cho rằng quá cao. Ở nhóm tội: “Đưa hối lộ”, bị cáo Sơn là người bị đề nghị mức án cao nhất, trong khi Công ty Bluesky là đơn vị đón được nhiều công dân nhất, với những nỗ lực rất lớn. Luật sư đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ "lập công chuộc tội", tuyên mức án thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt truy tố đối với bị cáo Sơn.
Đặc biệt, luật sư đề nghị người có hành vi chiếm đoạt 800.000 USD (liên quan đến phi vụ "chạy án" lên tới 2,65 triệu USD, tương đương hơn 61 tỷ đồng) phải trả lại cho vợ bị cáo Sơn và Công ty Bluesky; trả lại một phần hoặc toàn bộ 1,85 triệu USD mà bị cáo Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn để "chạy án". Đối với số tiền trên, luật sư cho hay, bị cáo Lê Hồng Sơn từng nói không hy vọng được nhận lại, nhưng nếu được nhận lại, bị cáo sẽ dùng toàn bộ số tiền để trả lại cho những người đã mua vé trên các chuyến bay combo.
Cũng trong phiên xử ngày 20-7, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lữ Hành Việt) đã nhận hết lỗi và mong HĐXX cho vợ được hưởng khoan hồng đặc biệt, trở về nuôi con và phụng dưỡng bố mẹ.
Theo VKS xác định, trong năm 2021, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh đã chỉ đạo vợ là bị cáo Vũ Thùy Dương (Giám đốc Cty Lữ Hành Việt) đưa 22,8 tỷ đồng cho Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để đưa hối lộ, xin cấp phép chuyến bay combo cho công ty. Ngoài ra, ông Mạnh còn chỉ đạo vợ đưa hối lộ 1,4 tỷ đồng và tự đưa hối lộ 3,5 tỷ đồng để xin cấp phép cho một công ty khác của mình.
Về hoạt động tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Mạnh cho hay bà Dương là vợ và lệ thuộc hoàn toàn vào mình, từ công việc, tài chính cho đến tình cảm. Thời điểm dịch xảy ra, bà Dương đang nuôi con nhỏ, tất cả hành vi bà Dương thực hiện đều do Mạnh chỉ đạo. "Sự thật là bị cáo đã sai khiến Dương làm việc đó, chính bị cáo đã đẩy vợ mình vào con đường phạm tội, dù là vô tình, thiếu hiểu biết. Trước tòa, bị cáo tha thiết xin HĐXX nhân văn, nhân đạo để rộng lượng khoan hồng với gia đình bị cáo, cho vợ bị cáo ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ người con với cha mẹ, làm nghĩa vụ người mẹ với các con và làm tròn bổn phận người vợ khi chồng đi tù". Kết lại phần trình bày, bị cáo Mạnh tiếp tục xin HĐXX tạo điều kiện cho gia đình mình để bị cáo Dương được ở ngoài xã hội cùng nhân viên làm việc, lo cho cuộc sống và cống hiến cho xã hội.
Đối với hành vi của 2 bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh và Vũ Thùy Dương, VKS đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù đối với bị cáo Mạnh; từ 2 - 3 năm tù đối với bị cáo Dương. Tuy nhiên, 2 luật sư tham gia bào chữa cho 2 bị cáo Mạnh và Dương đã trình bày nhiều quan điểm, tình tiết giảm nhẹ, để xin cho 2 bị cáo này được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật, được hưởng mức án thấp nhất.
B.T (tổng hợp)