Đại án “Chuyến bay giải cứu”:

Mức án đề nghị đối với 54 bị cáo: Cao nhất tử hình, thấp nhất 12 tháng tù treo

Thứ ba, 18/07/2023 07:58
Sáng 17-7, sau 2 ngày tạm nghỉ, phiên tòa xét xử vụ án: “Chuyến bay giải cứu” chuyển sang phần tranh tụng, VKS luận tội và đề nghị mức án đối với 54 bị cáo.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Tuy nhiên, ngay đầu phiên xét xử buổi sáng, theo đề nghị của Viện kiểm sát, HĐXX thông báo tạm dừng phiên tòa và đề nghị các luật sư cung cấp các tài liệu, chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án của các bị cáo, để viện kiểm sát có cơ sở xem xét các tình tiết giảm nhẹ, đề xuất mức án phù hợp. Vì vậy, phiên tòa tạm dừng gần 2 tiếng.
Sau đó, phiên tòa tiếp tục với phần VKS luận tội và đề nghị mức án đối với 54 bị cáo. Bản luận tội của VKS nhấn mạnh, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Hành vi phạm tội xảy ra ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau, tội danh mà các bị cáo bị xử lý chủ yếu thuộc nhóm tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hành vi mang tính đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, các bị cáo nhận hối lộ là những người có chức vụ quyền hạn cao trong các cơ quan nhà nước; sau khi thực hiện hành vi phạm tội có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo để che giấu hành vi phạm tội, thậm chí còn có việc tác động, nhờ giúp đỡ để một số cá nhân là các bị cáo nhóm doanh nghiệp không bị xử lý hình sự.

Đối với 21 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", bản luận tội nêu rõ, một số bị cáo đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân. Những bị cáo này đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí bôi trơn, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay.

Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng, hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn sau khi thực hiện thành công các chuyến bay giải cứu. VKS xác định đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội. Đại diện VKS khẳng định, hành vi nhận tiền của các bị cáo trong vụ án này là hành vi nhận hối lộ.

Thủ đoạn phạm tội nhận hối lộ của các bị cáo được thể hiện dưới 2 hình thức chính, gồm: Đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp chi tiền theo “Luật bất thành văn” thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay. Do đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 21 bị cáo bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” với mức án cao nhất là tử hình (bị cáo Phạm Trung Kiên), thấp nhất bị đề nghị từ 2-3 năm tù.

Đối với nhóm 23 bị cáo bị truy tố về tội “Đưa hối lộ", đại diện VKS đã đề nghị mức án cao nhất 11-12 năm tù, thấp nhất 12-18 tháng tù cho hưởng án treo. 4 bị cáo bị VKS truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đều nguyên là cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bị từ 2 – 6 năm tù. 4 bị cáo bị VKS truy tố về tội: “Môi giới hối lộ” bị đề nghị từ 2-7 năm tù. Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) bị đề nghị 19-20 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Cty CP xây dựng Thái Hòa) bị đề nghị từ 14-15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, từ 1-2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt chung là từ 15-17 năm tù.

TTXVN