Để nhân dân thích ứng với xe buýt trợ giá

Thứ hai, 26/12/2016 09:19

(Cadn.com.vn) - Quyết định đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố Đà Nẵng mới đây là đúng đắn, vừa tạo mạng lưới giao thông công cộng có chất lượng dịch vụ tốt hơn, vừa hạn chế ùn tắc, giảm thiểu TNGT. Tuy nhiên sau nửa tháng triển khai, dù miễn phí hoàn toàn giá vé nhưng hiệu quả từ các tuyến xe mang lại vẫn chưa khả quan. Ngoài thói quen người dân chưa thích ứng với loại hình vận chuyển này, cũng còn khá nhiều bất cập cần tháo gỡ...

Chưa thực sự khả quan

Đây là những tuyến xe buýt vừa được thành phố tổ chức lễ khai trương, đưa vào hoạt động từ ngày 10-12. Trong đó, tuyến số 5 tuyến số 7 và tuyến số 11 vận hành phục vụ khách ngay trong ngày khai trương. Tuyến số 8 và tuyến 12 sẽ hoạt động từ ngày 1-1-2017 tới. Ngày khai trương, thành phố cũng đã quyết định miễn phí giá vé cho tất cả hành khách, nhằm mục đích để nhân dân và du khách trải nghiệm dịch vụ, từ đó có nhiều lựa chọn đi xe buýt sau này. Những tháng tiếp theo, mức giá cũng được trợ giá với mức thấp nhất là 5.000 đồng/lượt/tuyến; vé tháng áp dụng cho đối tượng ưu tiên (45.000 đồng/tháng) và 90.000 đồng/tháng với đối tượng không ưu tiên.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định: Việc đưa hệ thống xe buýt vào hoạt động là giải pháp nhằm giải quyết bài toán giao thông trên địa bàn, nhất là tình trạng quá tải đối với các tuyến đường khu vực trung tâm, vì phương tiện xe cơ giới đang ngày càng tăng cao. Nên loại hình xe buýt cần phải nhân rộng, bởi đó là một trong những phương tiện vận tải khách phục vụ thiết thực cho người dân đi lại đủ mọi tầng lớp. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 - đơn vị được trúng thầu cần phải phát triển thêm số lượng xe, đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải chuyên nghiệp để người dân đi xe hài lòng và nhất quyết không được để xảy ra những vụ va quệt, TNGT đáng tiếc.

Bà Nguyễn Thị Sang đi trên tuyến xe số 5 bộc bạch: Rất thoải mái khi đi trên phương tiện này, từ chất lượng xe đến cung cách phục vụ của nhân viên. Nhà bà Sang ở Xuân Thiều, nhưng đứa con gái duy nhất lại lấy chồng về Q. Hải Châu, hiện ở đường 3-2. Mỗi lần đi thăm con, bà phải nhờ xe ôm hoặc gọi cháu chở đi. Nhưng từ nay, bà có thể đi thăm con bất cứ lúc nào. “Thật đỡ cho những người già như chúng tôi khi có tuyến xe buýt này chú ạ. Tiện đủ đường, từ sự tiện ích đến giá vé sau này áp dụng cũng rẻ” – bà Sang nói. Rất nhiều hành khách khác là giới sinh viên cũng đỡ đi nhiều chi phí khi sử dụng phương tiện này. Em Lê Anh Thư nhà ở đường Ông Ích Khiêm, hiện đang học tại trường ĐH Kiến Trúc là một điển hình. Thư bảo, từ nay, không còn tốn tiền xăng, tiền gửi xe máy đi học nữa rồi. Chỉ vài chục ngàn mỗi tháng, Thư có thể đến trường, về nhà thoải mái trên tuyến xe buýt mới, hiện đại.

Dù những tuyến xe buýt trợ giá rất chất lượng, tiện ích, xong theo ghi nhận của chúng tôi, nhân dân vẫn chưa “mặn mà” đi lại bằng loại phương tiện hữu ích này. Hoặc có thể nhiều người chưa biết, hoặc nhà chờ xe quá xa với nhà mình nên người đi xe chưa thích ứng với hình thức di chuyển này. Sau 5 lần lên xe các tuyến, chúng tôi đếm chuyến nhiều nhất cũng chỉ hơn 10 khách, trong đó cũng có xe chạy không qua nhiều tuyến đường. 

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Sở GTVT – đơn vị quản lý 5 tuyến xe buýt này) thì đây là những tuyến xe trợ giá, đã được khảo sát kỹ. Các tuyến hầu hết đi sâu vào khu dân cư, qua các trường học, siêu thị, công sở và địa điểm du lịch của thành phố, đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như khách du lịch. Tuy nhiên cũng do còn mới, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên số lượng người đi xe buýt các tuyến chưa cao. Theo thống kê, sau nửa tháng đi vào hoạt động, cả 3 tuyến xe đang hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hàng ngày chỉ mới đón khoảng 15.000 lượt khách. Trong đó, 5 ngày đầu khai trương, con số chỉ dao động trong khoảng 500-900 khách. Những ngày sau đó có tăng lên nhưng vào ngày cao điểm, cuối tuần, lượng khách cũng chỉ đạt mức cao nhất là 2.299 khách, cụ thể là ngày 17-12.

Hành khách đi xe buýt trợ giá.

Còn những bất cập phải gỡ

Để tăng cường công tác tuyên truyền về các tuyến xe cho người dân biết rộng rãi và làm quen với mô hình vận chuyển này, trong cuộc họp ngày 23-12, ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT đã đề nghị các đơn vị có liên quan ngoài khâu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cần đi sâu vào mảng tuyên truyền cho giới học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, ngành GTVT TP cũng đã và đang phối hợp với các mạng, tổng đài di động để chuyển tải nội dung tin nhắn qua điện thoại đến các thuê bao di động khi đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng để mọi người biết thành phố có những tuyến xe buýt trợ giá, qua đó giúp du khách biết và tham gia dịch vụ xe buýt công cộng tại địa phương một cách dễ dàng.

Ngoài việc người dân chưa thích ứng được với mô hình xe buýt công cộng, cũng còn một số bất cập cần tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, nhiều vị trí thu hút hành khách nhất là các trường cao đẳng, ĐH, khu mua sắm, chưa thi công được điểm nhà chờ. Hiện Đà Nẵng có 400 điểm đón xe buýt, tuy nhiên nếu hợp lý chỉ khoảng cách 300m có một điểm dừng, nhưng hiện nhiều tuyến điểm dừng cách nhau khá xa, có khi lên đến 400-500m. Trong khi đó, nhiều điểm bị cây xanh lớn che khuất tầm nhìn và hệ thống xe ô-tô cá nhân đậu đỗ chắn nơi xe buýt dừng. Hiện đơn vị đang phối hợp với Thanh tra giao thông và Công ty cây xanh giải quyết những vướng mắc trên.

Ông Lê Văn Trung cho rằng, thành phố đang nỗ lực phát triển mạng lưới phương tiện vận tải công cộng để tạo lập văn hóa giao thông đô thị, giảm sử dụng xe cá nhân, dễ gây ùn tắc, và việc đưa vào khai thác nhiều tuyến xe buýt có trợ giá cũng nhằm mục đích này. Với 61 xe buýt tiêu chuẩn B40 được đầu tư mới, trang bị hệ thống điều hòa, hệ thống kiểm soát vé, niêm yết rõ ràng các thông tin về tuyến, đường dây nóng, cùng với chính sách trợ giá của TP Đà Nẵng, các tuyến xe buýt có trợ giá cùng với 6 tuyến xe buýt đang hoạt động sẽ thu hút người dân, khách du lịch trong và ngoài nước sử dụng phương tiện công cộng này cho nhu cầu đi lại hàng ngày văn minh - lịch sự - an toàn. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có hai tuyến xe buýt nhanh (BRT), ba tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Đến năm 2030, sẽ có 28 tuyến xe buýt, gồm: 4 tuyến BRT, 3 tuyến tiêu chuẩn BRT và 21 tuyến buýt thường. Các tuyến xe buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và một huyện.

Công Hạnh