Đệ nhất bonsai ngược

Thứ tư, 17/02/2021 16:50

Có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật cây cảnh nhưng không muốn lẫn vào đám đông, “dị nhân” Lê Thạnh (1963, trú Tam Kỳ, Quảng Nam) đã “hóa kiếp” cho rất nhiều chậu bonsai với hình dáng mọc ngược vô cùng độc, lạ. Và cũng từ sự “di” này, ông được gọi là “đệ nhất bonsai ngược” ghi danh và sách kỷ lục Việt Nam.

Ông Lê Thạnh đón Bằng xác nhận “Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam”

Yêu cây như yêu con

Ở khoảng sân rộng dành riêng cho thú vui cây cảnh, ông Thạnh ngày đêm cặm cụi với công trình “phù phép” cho cây. Ông ví von, ngoài gia đình ra thì vườn cây cảnh gồm rất nhiều chậu bonsai mọc ngược này là nguồn sống của đời ông. “Không hiểu sao tôi yêu cây như yêu con. Yêu đến chết không từ bỏ được. “Máu” này có từ nhỏ nhưng lúc bấy giờ hoàn cảnh gia đình khó khăn, thú chơi cây cảnh cũng chưa nở rộ nên đành gác lại đam mê. Đến khoảng năm 1997, khi điều kiện kinh tế gia đình ổn định tôi bắt đầu chơi cây cảnh trở lại”, ông Thạnh chia sẻ.

Cũng theo ông Thạnh, không chơi thì thôi nhưng đã chơi rồi thì nó “dính” không tài nào “gỡ” được. Chơi cây cảnh rất “cuốn”. Ở đó ta thả sức sáng tạo, rồi từng ngày chăm bón, nhìn những “đứa con” lớn lên cảm giác thật thích. “Người ta nói, đại gia mới chơi cây. Ý nghĩ đó cũng đúng nhưng không tuyệt đối. Đúng là chơi cây cảnh tốn kém thật nhưng nếu người nào đó có đam mê thật sự thì họ sẽ tìm mọi cách để làm điều mình muốn...”, ông Thạnh bộc bạch.

Tả về tình yêu cây cảnh của mình, “dị nhân” Lê Thạnh đã cảm tác thành thơ: “Tôi vẫn biết yêu cây là đau khổ/ Khi con thơ réo gọi bố xin tiền...”; “Rất nhiều khi tôi như người khuất tất/ Lẻn ra vườn, bất kể giữa đêm khuya/ Để ngắm nhìn, rồi rung cảm, sẻ chia”.

Những tác phẩm bonsai ngược của “dị nhân” Lê Thạnh.

“Hóa kiếp” bonsai 

Nghệ thuật bonsai kinh điển quan niệm bonsai là nghệ thuật tái hiện hình tượng cây cối từ thiên nhiên vào trong tác phẩm. Nếu như trong thiên nhiên có những cây cổ thụ đơn lẻ cao dong dỏng, những cây bị xô nghiêng hoặc những cây mọc ở triền núi, do tác động của tự nhiên cây phải cong vòng xuống dưới... thì nghệ thuật bonsai đã mô phỏng thành những dáng thế đặc trưng được định hình, lần lượt là văn nhân, bạt phong, thác đổ... Hoặc từ những cây cổ thụ mọc thành cụm 3 cây, 5 cây hay nhiều cây tương ứng với các thế đa thân: Tam đa, ngũ phúc, cụm rừng... trong nghệ thuật bonsai.

Theo ông Thạnh, lịch sử nghệ thuật bonsai ghi nhận, từ cổ điển đến hiện đại, cũng chỉ mới tạo tác, mô phỏng được những dáng thế cơ bản như đã nêu trên. Tuy nhiên, trong tự nhiên, những tình huống nói trên chưa phải là tất cả. Thực tế cho thấy, còn rất nhiều tình huống đặc biệt của tự nhiên để sinh ra những hình thù cây cối đặc biệt. Một trong những tình huống đặc biệt nhưng không lạ, đó là: Cây mọc ngược, từ trên mọc xuống, trong các hang động chẳng hạn.

“Đó là trường phái tạo hình tác phẩm bonsai theo hướng ngược. Tức là thay vì cây được trồng “xuôi”, từ trên xuống người chơi cây trồng theo hướng ngược lại, từ dưới lên. Kết quả của việc làm “ngược đời” này là những tác phẩm bonsai ngược với những ấn tượng, cảm xúc hoàn toàn mới. Từ ý tưởng ban đầu về hướng đi cho bonsai trồng ngược nói trên, tôi đã tiến hành làm cây trong thực tế tại vườn. Ban đầu là thử nghiệm với những cây nhỏ, trong chậu nhỏ. Sau đó, qua thực tiễn chăm sóc, nuôi trồng rồi rút kinh nghiệm dần đã phát triển mạnh với những cây có kích thước lớn hơn. Dáng thế và cả các loại chậu trong bonsai ngược cũng được phá cách theo nhiều kiểu đa dạng, phong phú, tạo nên những tác phẩm lạ mắt, ấn tượng. Nếu trong bonsai “xuôi” có các thế trực, xiêu, hoành, huyền (thẳng đứng, nghiêng, ngang và đổ) thì trong bonsai ngược cũng có các dạng tương ứng: trực (thẳng nhưng chốc ngược xuống dưới), xiêu (chốc nghiêng), hoành (chốc ngang) và huyền (vừa chốc vừa đổ). Còn “chậu” cho bonsai ngược thì được sử dụng vô cùng phong phú, thể hiện sức tưởng tượng, đi kèm với chút sáng tạo. Có thể đó là một cái lu, cái độc bình cắm hoa, thậm chí là một cái... ché rượu, miễn sao tác phẩm hoàn chỉnh không bị “lố” hay phản cảm và nhất thiết phải đạt được các yếu tố cơ bản về thẩm mỹ”, ông Thạnh tiết lộ.

Đến nay, “gia tài” bonsai ngược của ông Thạnh gồm khoảng gần 100 tác phẩm, được thử nghiệm với nhiều chủng loại cây và nhiều kiểu “chậu” trồng, nhiều chất liệu khác nhau; trong số đó có nhiều tác phẩm đẹp, được giới chơi cây địa phương và cả trên... mạng xã hội ghi nhận. “Tôi sẽ không dừng lại tại đó. Ý đồ phá cách trong nghệ thuật bonsai đã thôi thúc tôi còn phát triển sang những hướng mới. Trong đó, một trong những ý tưởng tương tự cũng khá thú vị đó là “bonsai ngang”, để đi kèm với “bonsai ngược” tạo nên một bộ bonsai ngang - ngược lý thú”, ông Thạnh nói.

PHI NÔNG