Ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia năm 2015:

Đề Toán, Ngoại ngữ không khó để đạt điểm trung bình

Thứ năm, 02/07/2015 08:49

* Cấu trúc đề thi: 70% cơ bản, 30% nâng cao
* Phụ huynh ủng hộ chủ trương thi "2 trong 1"
* Những mẩu chuyện xúc động
* Vẫn có nhiều TS vi phạm quy chế thi

(Cadn.com.vn) - Ngày 1-7, hơn 1 triệu thí sinh (TS) trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia 2015 với hai môn Toán và Ngoại ngữ. Trong ngày thi này, theo ghi nhận của P.V, các thí sinh đều cho rằng cấu trúc đề thi Toán và Ngoại ngữ có tính phân hóa rõ nét, việc kiếm điểm trung bình dành cho đa số TS không quá khó, nhưng để đạt điểm tuyệt đối là không hề dễ.

TS tại Cụm thi 27 trao đổi cách làm bài môn Toán sau khi kết thúc giờ thi. Ảnh: P. Thủy 

Cấu trúc đề thi: 70% cơ bản, 30% nâng cao

Sau khi kết thúc môn thi Toán, nhiều TS nhận xét, cấu trúc đề thi có khoảng 70% là cơ bản, 30% nâng cao. Đề thi năm nay có tính phân hóa rõ nét. Theo đó, việc kiếm điểm trung bình dành cho đa số TS là không quá khó, nhưng để đạt điểm tuyệt đối ở hai môn Toán và Ngoại ngữ là không hề dễ.

Thí sinh Trần Hiệp- HS Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), nhận xét: "Đề Toán ra 10 câu, trong đó có 7 câu chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm trọn vẹn. Từ câu 8 đến câu 10, muốn làm tốt, đòi hỏi các bạn phải có học lực giỏi mới làm hết 3 câu này. Đặc biệt câu 10 giải bất phương trình phải mất khoảng... 60 phút mới làm ra".

Cũng theo Hiệp, đề Toán năm nay có một điểm khá thú vị đó là vấn đề thời sự liên quan đến dịch Mers-CoV được đưa vào đề bài câu 6 (b): "Trong đợt ứng phó dịch Mers-CoV, Sở Y tế TP đã chọn ngẫu nhiên 3 đội phòng chống dịch cơ động trong số 5 đội của Trung tâm Y tế dự phòng TP và 20 đội của các Trung tâm Y tế cơ sở để kiểm tra công tác chuẩn bị. Tính xác suất để có ít nhất 2 đội của các Trung tâm Y tế cơ sở được chọn".

TS Phước Thành (quê Tiên Phước, Quảng Nam), nhận xét đề thi năm nay bám sát chương trình học, tuy nhiên rất khó để so sánh độ khó dễ: "Nếu so với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014, rõ ràng đề Toán năm nay khó hơn. Nhưng nếu so với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, đề Toán năm nay lại dễ hơn. Sẽ có rất ít bạn đạt điểm tuyệt đối môn Toán, nhưng điểm trên trung bình thì không quá khó đối với các bạn có học lực trung bình", Thành nói.

Nhận xét về cấu trúc đề Toán năm nay, thầy Hồ Thái Trung- Chuyên viên môn Toán Phòng THPT Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng: Cấu trúc đề tương đối ổn. Theo đó, chỉ có 2 câu cuối có độ khó và hơi lạ lẫm so với đa số TS. Đây cũng là điều dễ hiểu nhằm phân loại TS để xét tuyển ĐH, CĐ.

Tương tự, đối với môn Ngoại ngữ buổi chiều, thí sinh ra về với tâm trạng mỗi người một vẻ. TS Nguyễn Hữu Nam Phong (thi tại HĐT Trần Phú), chia sẻ: "Em học không tốt môn ngoại ngữ nên với em đây là đề khó. Tuy nhiên, nếu so sánh với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm ngoái, em cho rằng đề năm nay vẫn dễ chịu hơn, đặc biệt là phần tự luận nói về "lợi ích của việc đọc sách" rất dễ viết". 

TS Phạm Thị Lê (trú Núi Thành, Quảng Nam) cho rằng, cấu trúc đề ngoại ngữ năm nay có khoảng 70% dễ, 30% khó, trong đó phần đọc hiểu là khó nhất. Còn TS Châu Nguyễn Hồng Nga (dự thi tại HĐT CĐ Đức Trí) chia sẻ, đề ngoại ngữ năm nay có phần "phát hiện lỗi sai" hơi lạ và khó, nếu không nắm chắc ngữ pháp cũng như kỹ năng đọc-hiểu sẽ khó lấy điểm được ở phần thi này. Trên đây cũng là nhận xét chung của khá nhiều bạn TS sau khi kết xong môn thi thứ 2 của ngày đầu tiên.

Theo ghi nhận của P.V tại cụm thi THPT quốc gia số 26 do Đại học Huế chủ trì cho TS 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế, nhiều TS cho biết, nếu môn Toán có sự phân hóa cao, đề thi vừa với học lực trung bình khá thì đề thi môn Anh văn vừa dài vừa khó.

Lực lượng tiếp sức mùa thi tại HĐT ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. Ảnh: P. Thủy

Phụ huynh ủng hộ chủ trương thi "2 trong 1":

Đó là điều chúng tôi ghi nhận được tại các HĐT thuộc Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì. Trong tâm trạng hồi hộp chờ đứa con trai dự thi tại HĐT Trần Phú, chị Phạm Thị Phòng (trú thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ: "Theo như tui được biết thì mọi năm các cháu phải trải qua 2 kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Muốn thi ĐH, CĐ, các cháu phải đỗ THPT. Năm nay, Nhà nước đổi mới, tổ chức cùng một lần để xét cả hai, tui thấy tiện quá chừng, vừa đỡ mất thời gian, công sức, vừa đỡ chi phí tiền của nhân dân và xã hội".

Đồng quan điểm này, chị Tô Thị Kiều (trú xã Đại Hưng, H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho rằng, với việc gộp 2 kỳ thi làm một như năm nay, áp lực thi cử cho TS và PH giảm đi khá  nhiều. "Con tui có nguyện vọng thi vào An ninh. Nếu như mọi năm, hai mẹ con phải vào tận TPHCM để thi, dễ cũng phải mất 5 - 6 triệu đồng. Giờ chỉ cần đi xe máy tốn mấy chục ngàn tiền xăng, chạy chưa đầy tiếng đồng hồ là ra đến Đà Nẵng rồi. Ra đây, lại có nhà người thân để ở nữa nên tiện lợi đủ bề", chị Kiều nói.

Ông Nguyễn Văn Được (quê Duy Xuyên, Quảng Nam) bộc bạch: "Do kỳ thi năm nay khác hơn mọi năm, nên sau khi kết thúc năm học tui gửi cháu ra Đà Nẵng ở với các anh trai tại nhà trọ để cháu học ôn. Sáng ni, 4 giờ sáng, tui từ quê chạy xe ra đây để đưa cháu đi thi. Chi phí vì thế cũng giảm đáng kể. Theo tui, cách tổ chức thi như thế này vừa gọn, vừa tiện lợi cả đôi bề cho thí sinh và người nhà thí sinh".

Nhiều PH khác cho rằng, điều quan trọng còn lại là làm sao đảm bảo tính công bằng, chất lượng thực chất của kỳ thi.

 Lực lượng CSGT CAQ Liên Chiểu phân luồng giao thông tại nút giao thông HĐT ĐH Bách Khoa Đà Nẵng. Ảnh: P. Thủy

Những mẩu chuyện xúc động

Ngồi trên vỉa hè dưới bóng mát của cây xanh trên đường Lê Thánh Tôn chờ con thi môn Toán, chị Phạm Thị Phòng (dân tộc Mường, trú xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, Đà Nẵng) xúc động tâm sự: "Từ khi vào học cấp III tại trường dân tộc nội trú Phạm Phú Thứ, cháu đã được Nhà nước quan tâm rồi. Sáng ni cháu đi thi, Nhà nước bố trí xe đưa đi thi, chu đáo lắm! Lần đầu tiên có con đi thi nên tui muốn theo con xuống tận nơi thi để động viên cháu. Vì thế, sáng ni, tôi chạy xe qua KTX dặn dò cháu cố gắng thi tốt, sau đó thì chạy theo ô-tô đưa cháu xuống đây thi. Cháu thi vào ngành Công An, cô à!".

Tại HĐT ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhiều phụ huynh trong khi đứng chờ đợi con được lực lượng tiếp sức mùa thi mời uống nước chanh miễn phí. Xúc động nhất là hình ảnh các bật phụ huynh đon đả kéo tay các thí sinh chưa có người nhà đến đón vào bóng râm, lấy quạt quạt cho các em, đồng thời "nhắc khéo" phóng viên: "Hỏi ít ít thôi kẻo các cháu mệt". Có vị phụ huynh khi biết em Trần Hiệp không có điện thoại để gọi cho mẹ đến đón, hồ hởi đưa điện thoại cho mượn.

CBCS CAQ Liên Chiểu dù đang làm nhiệm vụ phân luồng giao thông rất mệt, mồ hôi chảy ròng ròng, nhưng khi thấy các nữ phóng viên tác nghiệp giữa cái nóng như đổ lửa đã tiến lại gần khuyên nên đội mũ rộng vành để che nắng. Một CBCS nói vui: "Bọn tui đứng dang nắng có đen cũng không sao, nhưng nữ mà dang nắng thế này thì... ôi thôi rồi!".

Nhằm tạo điều kiện cho người nhà đón TS sau khi thi được thuận lợi, đồng thời góp phần phân luồng giao thông trên tuyến QL1A chạy ngang qua địa bàn Liên Chiểu- nơi có nhiều điểm thi gần nhau, nên sau khi kết thúc giờ thi môn Toán, điểm thi Trường ĐH Bách Khoa đã mở cửa cho  phép người nhà vào đón thí sinh.

Ngay lập tức, lực lượng thanh niên tình nguyện đã xếp hàng nối tay nhau tạo thành dải phân cách phân luồng: một bên dành cho người đi bộ, một bên dành cho người có phương tiện xe máy. Chứng kiến hình ảnh này, ông Nguyễn Văn Được xúc động nói: "Lần đầu tiên tui thấy cách tổ chức như thế này đó. Rất nền nếp, rất quy củ. Hồi sáng ni, nhờ có các cháu tình nguyện và mấy chú CA đứng bảo vệ vòng ngoài ni, cha con tui mới nhanh chóng tìm được phòng thi, chứ trường ĐH rộng như thế này, tìm cho ra phòng thi đâu phải dễ".

Vẫn có nhiều TS vi phạm quy chế thi

Mặc dù đã được phổ biến quy chế thi rất kỹ, nhưng trong ngày thi đầu tiên, tại Cụm thi 27 do ĐH Đà Nẵng chủ trì, có đến 6 TS bị đình chỉ thi. Cụ thể, trong môn thi buổi sáng, có 3 TS ở HĐT ĐHSP, ĐH Kiến Trúc và HĐT Trần Phú bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Tương tự, buổi chiều, có 2 TS ở HĐT Đại học Kiến trúc và 1 thí sinh ở HĐT CĐ lương thực thực phẩm bị đình chỉ thi. Điều đáng nói là khi bị lập biên bản, 2 TS ở HĐT ĐH Kiến Trúc đã có phản ứng không hay, buộc giám thị phải mời lực lượng CA vào để giải quyết.

Trao đổi với Báo Công an TP Đà Nẵng, GS-TS Trần Văn Nam- Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ Cụm thi 27- cho biết, để khắc phục tình trạng đáng tiếc này, sáng 2-7, các giám thị coi thi ngoài việc nhắc nhở thí sinh không được mang ĐTDĐ vào phòng thi, phải ghi nội quy này lên bảng để thêm một lần nữa nhắc nhở thí sinh.

Trong môn thi  buổi sáng đầu tiên, tại Cụm thi 27 Đà Nẵng có 29.186 thí sinh/29.693 thí sinh (TS) đăng ký dự thi môn Toán đã có mặt tại 29 HĐT để dự thi, vắng 507 TS, đạt tỉ lệ 98,29%; buổi chiều có 24.905TS/25.142 TS đăng ký dự thi có mặt tại phòng thi, vắng 237 TS, đạt tỉ lệ 99,06%.

2 TS ở Cụm thi 26 (do ĐH Huế chủ trì) trao đổi bài sau khi hoàn thành ngày thi đầu tiên. 
Ảnh: Hải Lan

* Tại cụm thi THPT quốc gia số 26 do Đại học Huế chủ trì cho TS 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế ở môn thi Toán, có 268 TS không đến dự thi và có 99 TS không đến dự thi ở môn Anh Văn. Trong ngày thi đầu tiên, có 3 TS bị khiển trách vì trao đổi bài và nhìn bài bạn. Tại hội đồng thi số 22 ở Trường Đại học Kinh tế Huế, trong môn thi Tiếng Anh có 1 TS bị đình chỉ do mang ĐTDĐ vào phòng thi.

Sáng nay (2-7), TS bước vào ngày thi thứ 2 với môn Văn (sáng), Vật Lý (chiều).

P.Thủy - Hải Lan