Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV:

Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 65%

Thứ năm, 08/05/2025 06:35

Ngày 7-5, đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày cho thấy, đến nay, về cơ bản, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội đã bảo đảm đúng mục tiêu sửa đổi Luật, không có nội dung lớn còn ý kiến khác nhau giữa Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan. Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện bao gồm 8 chương, 58 điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu, có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung nội dung này. Trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Liên quan đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật quy định mức hưởng hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nhìn về quy định này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng mức hưởng này là thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu trong bối cảnh mất thu nhập hoàn toàn, đặc biệt trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, dịch bệnh, thiên tai, khi khả năng tìm việc mới giảm mạnh.

Cho biết, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lý tưởng là 65 - 75% thu nhập bình quân, nhiều nước như Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản đang ở mức 66 – 70%, đại biểu Bình kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trường hợp khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh quy mô lớn thì Chính phủ được phép nâng mức hưởng lên tối đa 75%.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, dự thảo Luật này cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng là người lao động trong độ tuổi và kể cả ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức. Bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng họ vẫn phải rời khỏi công vụ.

B.T – T.T