Đến Quy Hòa nhớ Hàn Mạc Tử!
Đứng trong căn phòng lưu niệm thi nhân tài hoa đoản mệnh Hàn Mạc Tử tại thung lũng Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định), tôi chợt nhớ đến những ca từ trong ca khúc "Hàn Mạc Tử" của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh: "Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ/Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò". Ngẫm, tuy sống cuộc đời thật ngắn ngủi, nhưng Hàn Mạc Tử đã để lại cho thi đàn Việt Nam một hiện tượng thơ độc đáo khó ai bì...
![]() |
Phần mộ đầu tiên nơi thi nhân được chôn cất sau khi mất trước khi được cải táng lên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng). |
năm rồi mới có dịp trở lại thăm thung lũng Quy Hòa, vẫn còn nguyên vẹn trong tôi vẻ đẹp yên bình, hoang sơ đến thanh khiết với những cung đường nhỏ nhắn, xinh xinh bao quanh khu nhà thương (tôi thích dùng từ này hơn từ Bệnh viện Phong- Da liễu Trung ương). Gió từ biển len qua những triền phi lao, hàng dừa..., vờn qua những giàn bông giấy đang mùa ra hoa, xào xạc thổi những khúc nhạc du dương, trầm buồn. Con đường dẫn đến phòng lưu niệm- nơi cách đây 78 năm, chàng thi sĩ tài hoa yểu mệnh Hàn Mạc Tử đã ở những tháng cuối đời- ngập sắc hồng màu hoa giấy. Những kỷ vật, bút tích của nhà thơ vẫn còn được lưu giữ. Đứng bên chiếc chỏng tre nhỏ cũ kỹ, tim tôi chợt se thắt khi nghe bé Trương Hoàng Yến Linh- HS Trường THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh ra Quy Nhơn du lịch ghé thăm- thắc mắc: "Chiếc giường bé vậy, sao nhà thơ nằm được ta? Hay chỉ là... mô phỏng?". Một người lên tiếng giải thích: "Đây là chiếc giường tre khi xưa thi sĩ nằm đấy. Sinh thời, nghe nói thi nhân tạng người ốm yếu!". "Nhìn di ảnh, cháu cứ nghĩ nhà thơ thư sinh, dong dỏng cao!"- nói đến đây, cô bé chợt thở dài! Khách vào đây tham quan đi khẽ, kiệm lời. Dường như không ai dám khuấy động không gian yên tĩnh của thi nhân. Đọc những dòng bút tích nghuệch ngoạc của nhà thơ viết gửi cho mẹ ở Quy Nhơn: "A ma mande Quy Nhơn. Viết mấy hàng chữ này để tạ từ Mẹ. Con bất hiếu/Trí", tôi nghĩ đến những cơn đau dữ dội hành hạ thi nhân trong những ngày tháng cuối đời mà không khỏi xót xa cho một phận người ngắn ngủi!
Men theo con đường nhỏ, tôi ra thăm nơi an táng đầu tiên của thi nhân trong khu nghĩa địa Nhà Thương Quy Hòa dưới chân Núi Trứng. Những cây hoa đại (hoa sứ) đang mùa ra hoa trắng xóa. Sau hơn 18 năm chôn cất tại đây, ngày 13-1-1959, gia đình và bè bạn đã làm lễ cải táng Hàn Mặc Tử lên đồi Thi Nhân (Ghềnh Ráng). Nghe nói khi còn sống, thi nhân ước nguyện muốn được chôn cất ở đèo Son có địa thế dựa lưng vào núi, mặt quay ra biển ở cửa ngõ Quy Nhơn. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, đèo Son là khu vực cấm nên người thân và bè bạn đã chọn Ghềnh Ráng- có địa thế hội đủ các yếu tố như nhà thơ mong muốn làm nơi cải táng ông. Trên nền mộ cũ, năm 1991, vợ chồng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và những người yêu thơ Hàn Mạc Tử ở TP Hồ Chí Minh đã xây dựng mộ, bia tưởng niệm với hình cuốn sách lật dở như trang đời sự nghiệp còn dang dở của thi nhân. Bên trên là bia tưởng niệm với đài cao chừng 5 mét, trên đỉnh có hình ảnh bút nghiên vừa là hình cây thánh giá...
![]() |
Căn phòng lưu niệm, nơi lưu lại những kỷ vật, bút tích, chỗ nằm của nhà thơ trong những tháng cuối đời khi ông nhập viện tại nhà thương Quy Hòa. |
Thời thi nhân sống, bệnh phong được xem là một căn bệnh đáng sợ nhất trong "tứ chứng nan y" (phong, lao, cổ, lại). Những ai mắc phải căn bệnh này đều bị buộc phải sống cách ly, bị người đời xa lánh, ghẻ lạnh, miệt thị. Thi nhân cũng không nằm ngoại lệ đó. Năm 1938, khi bệnh bắt đầu trở nặng, Hàn Mạc Tử vẫn cắn răng chịu đựng, tìm kiếm sự sẻ chia với chính cơn đau của mình qua thơ ca. "Máu cuồng và hồn điên"- tập 3 trong toàn tập Thơ Điên được thi nhân sáng tác năm 1938 là sự thể hiện rõ nét nhất nỗi đớn đau dữ dội do căn bệnh dày vò. Bình về "Máu cuồng và hồn điên", Thi nhân Việt Nam viết: "...Đến đây ta đã hoàn toàn ra khỏi cái thế giới thực và cả thế giới mộng của ta...Trăng, toàn trăng, một ánh trăng gắt gao...Trăng ở đây cũng ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng náo nức dục tình. Hàn Mạc Tử đi trong trăng, há miệng cho máu tung ra làm biển cả, cho hồn văng ra, và rú lên những tiếng ghê người...Trời đất này thực của riêng Hàn Mạc Tử, ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được...Một tác phẩm như thế, ta không có thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian, nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì kinh dị hơn. Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên cuồng vì quá đau khổ trong tình yêu...". Vì những thành kiến sai lầm về căn bệnh này, để đối phó với chính quyền địa phương thời đó, gia đình buộc phải đưa ông đi trốn tránh nhiều nơi. Mãi đến ngày 20-9-1940, ông mới được đưa vào Nhà thương Quy Hòa để chữa trị. Lúc này, nội tạng của thi nhân đã bị phá hỏng do uống quá nhiều thuốc tạp nham của lang băm. Sau đó Hàn Mạc Tử qua đời vì chứng bệnh kiết lỵ chứ không phải vì bệnh phong...
Nhà thơ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, 16 tuổi bắt đầu làm thơ với bút hiệu Phong Trần, Lệ Thanh và Hàn Mạc Tử. Ra đi ở tuổi 28, nhà thơ đã để lại cho đời 9 tập thơ, văn xuôi, kịch thơ (chưa kể những bài phóng sự, tạp văn, văn tế). Trong đó, duy nhất tập thơ "Gái quê" (1936) được xuất bản khi ông còn sống. Sinh thời, thơ ông được đăng tải trên: Phụ nữ tân văn, Saigon, Trong khuê phòng, Đông Dương tuần báo, Người mới.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Hàn Mặc Tử có khoảng 7 bài hay, trong đó có 4 bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi". Đứng giữa không gian yên bình, đẹp như tranh của Quy Hòa, nhìn du khách thập phương và những thiếu nữ Quy Nhơn tíu tít chọn cảnh để chụp hình lưu niệm, rồi nhìn người dân làng phong Quy Hòa mỉm cười thân thiện, vui vẻ trò chuyện cùng du khách, chẳng ai có thể nghĩ nơi đây từng được mệnh danh là "thung lũng chết". Chợt nghĩ, nếu ngày ấy y học - khoa học phát triển, chắc hẳn thi nhân sẽ còn để lại nhiều vần thơ "Trăng vàng trăng ngọc" cho đời, mà thầm tiếc thương thay!
P.THỦY