Đi chợ mùa dịch

Thứ tư, 21/07/2021 16:10

Chợ truyền thống Túy Loan (xã Hòa Phong) chấp hành nghiêm quy định "5K", ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

"Gia đình có 6 người, lại gần chợ nên thường ngày đi chợ tôi chỉ cần mua đủ lượng thức ăn sử dụng trong ngày. Còn bây giờ, để hạn chế việc phải đến nơi đông người, tôi có thể mua thêm một ít thức ăn so với ngày bình thường nhưng bữa ăn vẫn đầy đủ chất lượng. Mua gì, ăn gì đều được tính toán trước. Khi ra chợ, đến các sạp hàng quen thuộc mua thực phẩm với giá cả hợp lý, xong là về nhà ngay", chị Huỳnh Thị Xuân (trú Miếu Bông, xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bộc bạch khi nghe chúng tôi hỏi về việc đi chợ trong mùa dịch bệnh COVID- 19 như thế nào?

Còn với bà Nguyễn Thị Hòe (trú Khương Mỹ, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang), việc đến chợ được thay thế bằng cách mua hàng từ các "chợ quê di động". Tầm 7-8 giờ sáng mỗi ngày là có xe máy chở các loại hàng thịt cá, rau củ quả từ dưới xuôi lên đây. Tuy mặt hàng không phong phú như ở chợ truyền thống nhưng có thể giúp bà chuẩn bị bữa ăn tươm tất cho gia đình mà không cần trực tiếp đến chợ…

Có thể nói, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, thời điểm này, các chợ truyền thống ở vùng nông thôn Hòa Vang, như các chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), Miếu Bông (xã Hòa Phước), Lệ Trạch (xã Hòa Tiến)… đều giảm lượng người mua hàng rõ rệt. Những con đường dẫn vào chợ vốn tấp nập từ sáng sớm, nay thưa thớt dần. Hàng hóa không thiếu nhưng lại vắng người mua... "Dù chợ có đông hay không thì các tiểu thương vẫn "bám" chợ để trang trải cuộc sống gia đình và duy trì việc kinh doanh giữ bạn hàng. Chuyện dịch bệnh không ai muốn hết nhưng ai sao thì mình vậy, mọi người vẫn cần mua đồ ăn thì mình còn bán dù doanh thu có giảm so với bình thường, chỉ mong dịch bệnh sớm qua để buôn bán ổn định trở lại. Hơn nữa, khách đi chợ hầu hết họ đều tuân thủ theo khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế nên mình cũng yên tâm", bà Hai Cẩm bán quầy thịt tại chợ Túy Loan chia sẻ.

Đi chợ, chuyện tưởng chừng như là chuyện nhỏ thường ngày, nhưng gặp lúc thu nhập bị sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh nên buộc nhiều gia đình phải dè sẻn chi tiêu để khỏi lâm vào cảnh "thiếu trước, hụt sau". Đi chợ là việc làm thiết thực của mỗi người, mỗi nhà; vì vậy việc thay đổi thói quen đi chợ, mua hàng và điểm mua hàng không ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống, mà điều quan trọng là các bà nội trợ đã bỉết xử sự "đúng" thời điểm, giảm tiếp xúc với người khác để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. 

VY HẬU