Di lý 2 nghi can để làm rõ việc xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông

Thứ năm, 08/05/2025 10:31

Chiều 7-5, ông Nguyễn Xuân Toán - Giám đốc Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Công an tỉnh đang điều tra, làm rõ vụ việc khu lăng mộ vua Lê Túc Tông ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc (thuộc quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh) bị xâm phạm.

Hai nghi phạm trong vụ đào trộm mộ SHEN JIANGYANG, DENG ZHIJI và các dụng cụ dùng để đào bới (Ảnh: Công an Thanh Hóa)
Hai nghi phạm trong vụ đào trộm mộ SHEN JIANGYANG, DENG ZHIJI và các dụng cụ dùng để đào bới (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

Trước đó (tối 3-5), cán bộ Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh phát hiện xung quanh khu lăng mộ vua Lê Túc Tông có nhiều dấu vết bất thường. Sau khi kiểm tra, Ban Quản lý phát hiện cây săm kim loại - một loại thiết bị săn tìm cổ vật - đang cắm sâu dưới lòng đất, cách tường bao lăng mộ vua Lê Túc Tông khoảng 8-10 m. Cây săm gồm 10 đoạn, được nối với nhau bằng gen tiện. Tại lăng mộ còn phát hiện 1 chiếc điện thoại di động cài đặt chữ Trung Quốc, một số giấy tờ tùy thân của một người mang quốc tịch Trung Quốc.

Nghi ngờ khu lăng mộ bị xâm hại, Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh đã báo cáo sự việc lên Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Công an tỉnh Thanh Hóa lập biên bản bàn giao tang vật, khám nghiệm hiện trường, điều tra sự việc.

Đến chiều 4-5, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 2 nghi can là Deng Zhui (41 tuổi, số hộ chiếu EN7117797) và Shen Jiang Yang (43 tuổi, số hộ chiếu EK0544073) khi đang bắt taxi ra Móng Cái tìm cách vượt biên. Cả 2 nghi can đều sống tại Quảng Tây, Trung Quốc. Vị trí hai nghi can bị bắt cách hiện trường lăng mộ vua Lê Túc Tông gần 400 km.

Hiện, Công an tỉnh Thanh Hóa đã di lý hai người này về thực nghiệm hiện trường, phục vụ điều tra. Bước đầu, cơ quan công an xác định, các nghi phạm trên đã có hành vi "xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" tại lăng mộ vua Lê Túc Tông.

Vua Lê Túc Tông (1488-1505) là vị hoàng đế thứ bảy của triều đại Lê sơ - nước Đại Việt. Ông chỉ giữ ngôi trong vòng 6 tháng và chỉ dùng một niên hiệu là Thái Trinh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Túc Tông gần gũi với người hiền, thích điều thiện, là vị vua giỏi, giữ cơ nghiệp thái bình. Trong thời gian tại vị, ông cũng đã dẹp yên cuộc nổi loạn của Đoàn Thế Nùng ở Cao Bằng. Đầu năm 1505, Lê Túc Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà ở điện Hoàng Cực, hưởng dương 17 tuổi. Sau khi nhà vua qua đời, tháng 3 Âm lịch cùng năm, linh cữu ông được đưa về Tây Kinh (hay Lam Kinh) an táng ở Kính Lăng.

Việt Hoàng

Cơ quan chức năng vào cuộc việc Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào bới

Lực lượng chức năng đang điều tra và xử lý vụ việc di tích lăng Trường Thái (ở phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế), nơi an nghỉ của chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào bới trái phép.

Trang trọng tổ chức Lễ giỗ 1.302 năm ngày mất Vua Mai Hắc Đế

Ngày 18-10 (nhằm 16-9 Giáp Thìn) tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Ban Thường trực Hội đồng Họ Mai Việt Nam do ông Mai Văn Ninh làm trưởng đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, Ban quản lý Đền thờ và Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế trang trọng tổ chức Lễ giỗ 1.302 năm ngày mất Vua Mai Hắc Đế.

Ra mắt bản dịch tiếng Việt “Tang lễ của người An Nam”

“Tang lễ của người An Nam” được coi là công trình công phu và toàn diện nhất. Cuốn sách là một công trình nghiên cứu cơ bản về tập tục tang lễ của người Việt vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do học giả hàng đầu về Đông Dương Gustave Dumoutier biên soạn.