“Di sản” Hồ Cẩm Đào

Chủ nhật, 11/11/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Khi thế trận bầu cử Mỹ đã ngã ngũ, mọi sự đổ dồn về Đại hội XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), nơi chứng kiến màn chuyển giao quyền lực giữa thế hệ Hồ Cẩm Đào cho Tập Cận Bình.

Một thập kỷ hoàng kim của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ kết thúc trong tuần này khi Đại hội đảng XVIII sẽ chọn nhà lãnh đạo mới thay thế.

Theo dự kiến, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được chỉ định thay thế ông Hồ Cẩm Đào đảm nhận chức Chủ tịch kiêm Tổng bí thư CPC. Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đảm nhận chiếc ghế thủ tướng của ông Ôn Gia Bảo. Những quyết định này sẽ được công bố tại Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương CPC khóa XVIII diễn ra vào ngày 15-11, một ngày sau khi bế mạc đại hội. Các ủy viên trong ban lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, hay các thành viên mới trong Thường vụ Bộ chính trị, cũng sẽ được công bố tại hội nghị này. Trong khi đó, theo các nguồn tin ngày 11-11, ngoài Chủ tịch Hồ, 69 tuổi và Thủ tướng Ôn, 70 tuổi, 5 trong số 9 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị cũng sẽ nghỉ hưu.

Vậy là hiện nay, chỉ có cái tên Tập Cận Bình đang gây sự chú ý đặc biệt. Tuy nhiên, điều mọi người quan tâm hiện nay hơn chính là những “di sản” mà ông Hồ Cẩm Đào để lại cho người kế nhiệm.

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) sẽ trở thành “người kế nhiệm” của ông Hồ Cẩm Đào.
Ảnh: Reuters 

Thập kỷ hoàng kim...

Giới truyền thông Trung Quốc không ngừng ca ngợi thời đại của ông Hồ là “Thập kỷ hoàng kim”. Điều này hoàn toàn không chỉ là quảng cáo thổi phồng.

Ông Hồ có công trong việc đưa nền kinh tế Trung Quốc đi lên vị trí số 2 thế giới, vượt qua đối thủ truyền kiếp Nhật Bản và chỉ chịu đứng sau Mỹ. Bắc Kinh cũng tự hào khi trở thành một quốc gia hiện đại, công nghệ khi có số lượng dân cư Internet và người sử dụng điện thoại di động lớn nhất thế giới. Đây cũng chính là thỏi nam châm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khiến thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 5 lần, lên 5.400 USD. Trung Quốc hiện cũng tự hào có ngành đường sắt cao tốc và đường cao tốc mạnh nhất thế giới và từng bước chuyển đổi từ vai trò “người đi vay” thành chủ nợ lớn trên thế giới.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng từng bước nâng cao vị thế và tiếng nói của mình trên trường quốc tế. Dưới thời ông Hồ, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức đưa người của mình lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) và cũng lần đầu tiên vượt Nga về số lần lên vũ trụ. Chính quyền ông Hồ Cẩm Đào còn đăng cai Olympic 2008, tung ra các dự án biểu thị cho sự trỗi dậy của mình... Nói như thế để thấy rằng, ông Tập Cận Bình sẽ không có thể yêu cầu một di sản nào tốt hơn như thế.

... cũng bị chỉ trích

Tuy nhiên, chính sách của ông Hồ không thoát khỏi những chỉ trích. Vấn đề trung tâm mà các nhà phê bình chỉ ra chính là chiến lược tăng trưởng chỉ tập trung vào những người giàu, tạo hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Khi tập trung vào sửa sai, chiến lược của ông Hồ càng khiến vấn đề tồi tệ hơn: tăng trưởng chậm lại, nợ công tăng và tham nhũng lan tràn.

Sự ứ đọng trong cải cách chính trị và kinh tế suốt 10 năm cai trị của bộ đôi Hồ - Ôn tưởng chừng sẽ là lợi ích cho ông Tập. Nhưng thật không may cho người kế nhiệm khi người dân Trung Quốc đang muốn một sự thay đổi. Theo khảo sát của Global Times, 80% người dân muốn cải cách chính trị và hơn 70% nói rằng, Bắc Kinh cần phải giải quyết vấn đề chăm sóc y tế, lương hưu và an sinh xã hội trong 5 năm tới.

Một trong những bài toán nan giải khác mà ông Hồ cần ông Tập đi tìm lời giải đó là việc Trung Quốc nổi lên là một “kẻ bắt nạt” trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại vì những nỗ lực quyết đoán dành chủ quyền rất vô lý ở biển Đông và cả biển Hoa Đông. Giải quyết vấn đề này không phải là nhiệm vụ dễ dàng và ông Tập Cận Bình cần phải xem xét kỹ lưỡng khi Mỹ cũng tập trung ở khu vực này.

Trong một lần trả lời phỏng vấn năm 2000, ông Tập Cận Bình từng nói: “Khi bạn nắm giữ một công việc mới, bạn sẽ muốn thiết lập chương trình nghị sự của riêng mình trong năm đầu tiên. Nhưng mọi việc phải trên cơ sở của người tiền nhiệm. Nó giống như một cuộc chạy đua tiếp sức. Bạn phải nhận được cây gậy của người chạy trước rồi mới chạy đến mục tiêu”. Trên thực tế, ngay cả sau nghỉ hưu, ông Hồ Cẩm Đào vẫn có sức ảnh hưởng khá lớn. Theo các nguồn tin, ông Hồ có thể vẫn sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương trong 2 năm, giống như người tiền nhiệm Giang Trạch Dân trước đây.

Không rõ liệu ông Tập có còn nhớ bài phỏng vấn này và vận dụng trong nhiệm kỳ cầm quyền của mình vào năm tới hay không. Nhưng thực sự, trách nhiệm đang đổ dồn lên vai ông Tập khi di sản mà ông Hồ Cẩm Đào để lại không chỉ là cơ hội mà còn nhiều thách thức.

Khả Anh