Đi trên bầu trời Oryukdo

Thứ tư, 09/02/2022 07:00

Du khách ngắm cảnh trên cầu kính.

Cảm giác bước lên cầu kính chênh vênh ở ngọn núi cao 35 mét Oryukdo Skywalk, nhìn xuống là biển cả, giống như đang bước đi lên bầu trời hôm đó của tôi thật là đặc biệt. Đặc biệt đến độ tôi có cảm giác như thể mình đang trượt trên không khí, dẫu bên dưới mình là lớp kính dày chống đạn đặc biệt, còn bao quanh là cầu kính hình móng ngựa với tầm cao vừa đủ để bảo vệ an toàn cho tất cả những người đang bước lên cầu.
Hôm đó, đến Busan vào sáng sớm bằng chuyến bay đêm từ Việt Nam, sau khi ăn sáng và đi thăm ngôi chùa cổ 1.300 năm, một ngôi chùa đẹp. Chùa Beomeosa tọa lạc trên sườn núi Geumjeongsan, cách thành phố Busan khoảng 30 phút taxi. Sở dĩ có tên gọi núi Geumjeongsan (giếng vàng) bởi trên núi có một cái giếng nước không bao giờ cạn. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến một nơi vô cùng hấp dẫn, mà mọi người bảo rằng sẽ được “đi trên trời”. Điểm đến đó là Oryukdo, dịch ra tiếng Việt nghĩa là Ngũ Lục, có nghĩa là vùng biển có sáu hòn đảo nhỏ khi triều xuống, và khi triều lên thì một hòn đảo bị chìm trong nước, nên chỉ còn năm. Quần đảo Oryukdo bao gồm các đảo nhỏ là Gonggotdo, Usakdo, Guldo, Surido và Deungdaedo. Trong đó, đảo Deungdaedo là đảo chính và đã được nâng cấp thành Oryukdo Skywalk. Điểm đến của chúng tôi chính là con đường cầu kính ở độ cao 35 mét chênh vênh ở Oryukdo Skywalk.

Xe để chúng tôi ở dưới chân núi, phải đi bộ lên trên với con đường có hành lang bảo vệ, nhìn xa xa là biển và Busan ẩn hiện với những tòa nhà cao tầng. Chỉ là đoạn đường chừng vài chục mét, nhưng gió biển thổi lồng lộng, có khi phải ríu rít bước chân. Gió là cảm giác, như thể cái cảm giác sẽ bước chân lên cầu kính được đưa vào hoạt động đón khách ngày 18-10-2013. Chúng tôi đến muộn từ ngày đó gần chục năm, nhưng
thời gian chẳng quan trọng bằng việc chúng tôi sẽ được “Đi bộ trên bầu trời” Busan.

Xa xa là Busan.

Oryukdo Skywalk được xây dựng trên một vách đá ven biển cao 35 mét, nơi này được xem như ở giữa hai bên đều là biển. Và vì thế mà chúng tôi có thể nhìn thấy hai vùng biển khác nhau khi bước chân lên tới đỉnh. Tại đây có cả một khoảng sân rộng lót đá, có tấm bản đồ hướng dẫn địa danh bằng tiếng Anh cho du khách tìm hiểu. Và tất nhiên là gió là sản phẩm ở ngọn núi cao 35 ngày.

Cầu kính chênh vênh với những tấm kính trong suốt, như đã nói ở trên theo hình móng ngựa, đi vào một bên và ra một bên để tránh chen lấn. Chiều dài nhô ra biển là 15 mét, chống đỡ bởi những cột sắt được gắn kiên cố vào vách núi. Có 24 tấm kính lót với độ dày 12 mm, các miếng kính này đều được phủ một lớp chống đạn có độ dày 55, 49 mm. Thật ra thì số liệu này sau khi bước lên cầu chúng tôi được giới thiệu, còn cảm giác khi tới nơi là muốn mau chóng được “chơi vơi” giữa bầu trời. Ngay cửa cầu, có sẵn những đôi vớ sạch, có kệ để giày và tấm bảng yêu cầu phải thay vớ và không được mang theo chó. Bảng ghi: Please wear overshoes. It is prohibited to carry canes, umbrellas, and seffie sticks. No dog allowed. Có cả một chiếc ghế gỗ dài cho khách ngồi thay vớ, sau khi quay lại sẽ bỏ vớ đã qua sử dụng vào một cái giỏ.

Bảng ghi chú trước khi lên cầu kính.

Cảm giác khi bắt đầu bước lên cầu kính là… sợ té, vì kính rất trơn, rồi đi nhẹ nhàng, từ từ, phút chốc cảm giác đi trên trời lan khắp. Nhìn xuống cầu kính là biển, nhìn ra xa là 5 hòn đảo và biển đang vỗ sóng, một cảm giác vô cùng đẹp. Những bức ảnh chụp biển, chụp giữa chênh vênh, chụp ngồi rồi chụp đứng vô cùng quý giá, lúc đó quên mất gió vẫn đang thổi lộng.

Không thể ở mãi trên trời như vậy, vì còn bao nhiêu người chờ đợi, đành rời cầu kính. Con đường xuống núi là con đường khác, con đường bằng gỗ ven theo núi, con đường bao quanh là lau sậy bay theo gió, tạo những điểm dừng chân để cho khách thêm một lần nữa được ngắm nhìn những hòn đảo, và để nhìn lên, thấy cầu kính chênh vênh, nơi mình vừa ở đó. Nơi mình đã đi trên bầu trời Oryukdo.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG