Dịch chuyển đầu tư hạ tầng Y tế vẫn chậm

Thứ năm, 03/11/2022 16:30
Chiến lược đầu tư nhiều cơ sở y tế chất lượng cao ngoài khu vực trung tâm, khu vực Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) để hình thành các vệ tinh, giảm tải cho BVĐN ở trung tâm vẫn chậm.
Bệnh viện Hòa Vang sẽ được đầu tư phát triển mạnh một số khoa chuyên sâu như bệnh truyền nhiễm.
BVĐN tập trung một số khoa chuyên sâu mũi nhọn như can thiệp tim mạch.

Bệnh viện Đà Nẵng hiện là nơi khám, điều trị hàng đầu khu vực, song cơ sở lại tập trung chủ yếu ở một khu vực trong trung tâm thành phố (TP). Điều này không chỉ gây những bất cập về không gian, giao thông…, mà trong những tình huống dịch bệnh như đại dịch COVID-19, phải phong tỏa, tạo áp lực cho công tác khám, điều trị rất lớn. Chủ trương vẫn phát triển dựa trên thương hiệu BVĐN, nhưng chuyển dịch cơ sở hạ tầng ra khu vực xa trung tâm đã được Đà Nẵng thực hiện hóa khi quyết định đầu tư BVĐN cơ sở 2 tại Hòa Quý. TP cũng tập trung đầu tư, nâng cấp các bệnh viện (BV) chuyên ngành như BV Phụ sản- Nhi, BV đa khoa Hòa Vang với một số lĩnh vực thế mạnh riêng nhằm giảm tải cho BV tuyến trên ở trung tâm. Mặc dù vậy, tiến độ các dự án hạ tầng y tế quá chậm dẫn tới quá trình dịch chuyển cũng chậm theo.

Ngày 18-10 vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng đã ra nghị quyết, quyết định chủ chương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo BV đa khoa Hòa Vang với tổng mức đầu tư hơn 370 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án này nhằm đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng các trang thiết bị tiên tiến đồng bộ, nâng cấp BV theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao. Ngoài ra, mục đích đầu tư nâng cấp BV đa khoa Hòa Vang để sẵn sàng cơ sở vật chất, chủ động trong công tác phòng dịch trên địa bàn, đảm bảo điều kiện để hỗ trợ cho BVĐN trong điều trị một số bệnh phù hợp, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. BS Nguyễn Đại Vĩnh- Giám đốc BV đa khoa Hòa Vang cho biết, BVĐN sẽ tập trung phát triển một số chuyên khoa sâu, mũi nhọn như can thiệp tim mạch, ghép tạng… để có thể tiếp cận với 2 đầu đất nước. Một số chuyên khoa khác sẽ được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị để giãn bớt về tuyến y tế cơ sở đảm đương, giảm tải cho BVĐN. Chẳng hạn, BV đa khoa Hòa Vang sẽ đầu tư mạnh hạ tầng, trang bị để điều trị một số chuyên khoa như bệnh truyền nhiễm, chạy thận…

Theo chiến lược dịch chuyển đó, một số chuyên ngành đã được giãn ra khỏi BVĐN hình thành các BV chuyên ngành như Ung bướu, Phụ sản- Nhi…Tại BVĐN đã được đầu tư hạ tầng, trang thiết bị chuyên sâu hướng tới một số lĩnh vực mũi nhọn như tim mạch, ghép tạng. Hiện Trung tâm tim mạch đã được đầu tư đi vào hoạt động, Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc (tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng) đã thực hiện được 60% dự án.

Mặc dù chiến lược dịch chuyển đầu tư hạ tầng y tế phù hợp và cấp bách, tuy nhiên quá trình thực hiện rất chậm. Đơn cử như dự án BVĐN cơ sở 2 tại Hòa Quý gồm Trung tâm huyết học, Trung tâm Lão khoa, BV Y học nhiệt đới (600 giường), BV đa khoa chất lượng cao đã được HĐND TP Đà Nẵng thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách từ nhiều năm trước. Đây là dự án trọng điểm dựa trên nền tảng thương hiệu BVĐN đồng thời thực hiện mục tiêu giãn hạ tầng ra khỏi trung tâm. Theo quyết định của HĐND TP, dự án phải hoàn thành thủ tục, khởi công trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có BV Y học nhiệt đới đã hoàn thiện qui hoạch chi tiết. Hiện Ban QLDA đầu tư xây dựng Hạ tầng và phát triển đô thị (Chủ đầu tư) đang phối hợp với tư vấn hoàn chỉnh phương án kiến trúc để thống nhất với đơn vị sử dụng và Sở Y tế. Dự kiến phải đến tháng 12-2022 mới trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Bệnh viện Hòa Vang sẽ được đầu tư phát triển mạnh một số khoa chuyên sâu như bệnh truyền nhiễm.

Tương tự, 2 dự án hạ tầng y tế trọng điểm khác để nâng cấp, cải tạo, bổ sung trang thiết bị BV Phụ sản- Nhi Đà Nẵng từ 600 giường lên 1000 giường cũng rất ì ạch. Dù mang tính cấp bách, song 2 dự án có tổng vốn đầu tư công trên 1580 tỷ đồng này kéo dài hơn 3 năm chưa thể khởi công. Đây là BV chuyên khoa, áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại với chất lượng ngày càng nâng cao, thu hút nhiều bệnh nhân khu vực miền Trung đến khám, điều trị. Tuy vậy, BV này liên tục quá tải, có thời điểm số giường bệnh thực kê lên đến con số 1.736 (tăng 147% so với giường kế hoạch được giao, tăng 289% so với quy mô giường bệnh khi thành lập). Hơn nữa, hiện tại cơ sở vật chất của BV đã xuống cấp, cần phải cải tạo, chỉnh sửa để đáp ứng chất lượng phục vụ bệnh nhân.

Theo kế hoạch, cuối tháng 3-2020, hai dự án nâng cấp, mở rộng BV Phụ sản- Nhi phải xong thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên đến nay, theo dự kiến phải tháng 12-2022 mới lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng xây dựng, khởi công. Lý do chậm trễ này, theo chủ đầu tư do quá trình lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế kéo dài, phải tổ chức lần 2 mới lựa chọn được nhà thầu. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, do có sự thay đổi, bổ sung một số hệ thống kỹ thuật theo đề xuất của BV nên đơn vị tư vấn chưa hoàn thành, bàn giao hồ sơ thiết kế BVTC - dự toán công trình.

Có thể thấy, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng y tế không chỉ giải quyết yêu cầu cấp bách với từng dự án, mà còn tác động rất lớn thúc đẩy chiến lược phát triển y tế Đà Nẵng đúng hướng, nhanh, hiệu quả hơn.

Hải Quỳnh