Điểm sáng công nghiệp công nghệ thông tin
Trong bức tranh suy giảm kinh tế nghiêm trọng thì lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) vẫn tăng trưởng ấn tượng, đang góp phần đưa kinh tế Đà Nẵng phát triển bền vững hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam biểu dương các doanh nghiệp CNTT tiêu biểu. |
Doanh thu công nghiệp CNTT của Đà Nẵng năm 2020 đạt hơn 19,8 ngàn tỷ đồng (tăng 1,2%), trong đó xuất khẩu phần mềm đạt trên 92 triệu USD (tăng 4,2%). Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh kinh tế TP suy giảm hơn 9,77%. Hiện TP đã xây dựng được nền tảng vững chắc để phát triển lĩnh vực này. Số lượng DN CNTT của TP tăng 35%/năm, chiếm 20% DN toàn TP. Thống kê cho thấy Đà Nẵng có 2,1 DN công nghệ số/1 ngàn dân, cao hơn 4 lần trung bình cả nước. Tính đến cuối năm 2020, Đà Nẵng có 40,5 ngàn nhân lực CNTT, trong đó 20 ngàn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, mức lương bình quân đạt 17,8 triệu đồng/người/tháng.
Sở dĩ ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững nhờ chiến lược tạo dựng nền tảng hạ tầng tốt. Đà Nẵng lấy ứng dụng CNTT, xây dựng CQĐT, TPTM làm nền tảng, tạo động lực để phát triển công nghiệp CNTT. Mặt khác, Đà Nẵng cũng tập trung phát triển mạnh hạ tầng các khu CNTT, công viên phần mềm (CVPM) từ sớm, tạo được mạng lưới tương đối toàn diện. Cụ thể, Khu CVPM Đà Nẵng hiện đã thu hút được 69 DN đầu tư với 2,2 ngàn lao động, tỷ lệ thu hồi vốn ngân sách đạt 110%. Khu CVPM số 2 đang xây dựng trên diện tích hơn 28 ngàn m2, tổng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng. Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1 với diện tích 131 ha, tổng mức đầu tư khoảng 666 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động từ đầu năm 2019, hiện đang xây dựng Nhà máy Trung Nam Meritronics (tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng); dự án nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp thiết bị điện tử công nghệ cao SMT. Khu phức hợp sản xuất phần mềm FPT Complex do Tập đoàn FPT đầu tư đang hoạt động, thu hút 3,5 ngàn nhân lực, doanh thu năm 2020 khoảng 1,6 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án CNTT qui mô cũng đang xúc tiến triển khai để thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT TP, thực hiện mục tiêu đóng góp 10% GRDP TP trong vài năm tới. Nổi bật như dự án Không gian sáng tạo CMC tại Hòa Xuân có tổng vốn đầu tư 12 ngàn tỷ đồng, thu hút 2 ngàn lao động, hiện đã hoàn thiện qui hoạch chi tiết 1/500, đang thực hiện phương án đấu giá quyền sử dụng đất, xúc tiến khởi công vào cuối tháng 3-2021. Dự án Khu CNTT Đà Nẵng Bay do tập đoàn VNPT đầu tư có tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng tại Liên Chiểu hiện đang triển khai gói thầu tư vấn lập phương án tổng thể, Bộ Tài chính đang đề nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước, TP Đà Nẵng trao đổi thống nhất về phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà đất của Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ III thuộc VNPT. Dự án Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng trên diện tích đất 10,8 ngàn m2 tổng vốn 2 ngàn tỷ đồng tại Lô A1.1, Khu Công viên Bắc Tượng Đài hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt Đồ án điều chỉnh Qui hoạch chung TP để triển khai xây dựng.
Thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao đang là thách thức với ngành công nghiệp CNTT của TP. |
Ông Trần Mạnh Huy- Giám đốc Cty VBPO tại Đà Nẵng cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành ICT đạt 10-15%/năm. Qua khảo sát, 73,7% DN trong ngành đánh giá thị trường ICT sẽ duy trì đà tăng trưởng. Theo xu hướng đó, các DN sẽ quyết liệt hơn trong chuyển đổi số. Và để chuyển đổi số, ông Huy đưa ra 5 chiến lược ưu tiên hàng đầu của DN trong thời kỳ “bình thường mới”. Nổi bật như, DN sẽ nâng cao hệ thống quản trị rủi ro, tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như tập trung vào nghiên cứu, đổi mới mô hình, sản phẩm.
Cũng theo ông Huy, dịch Covid-19 khiến các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, quá trình chuyển đổi số cả nước sẽ diễn ra nhanh hơn, mạng 5G thử nghiệm thành công sẽ bùng nổ, và như vậy cơ hội mở ra để phát triển ngành công nghiệp CNTT sẽ rất lớn, đặc biệt với các đô thị hấp dẫn như Đà Nẵng. Tuy nhiên, để nắm bắt thành công cơ hội này, Đà Nẵng và các DN CNTT phải giải quyết được những thách thức mang tính rào cản. Chẳng hạn như việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiêu thụ rối loạn, điều kiện nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ còn hạn chế. Đặc biệt, theo ông Huy, chính sách, thể chế, qui định pháp luật hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp CNTT còn thiếu.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, việc thực thi chính sách về khu CNTT tập trung nhằm hỗ trợ chủ đầu tư, nhà đầu tư qui định tại Nghị định 154 bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn về đất đai, qui định chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT tập trung được giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước tùy theo hình thức lựa chọn giao đất hoặc thuê đất. Thực tế, chính sách ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu CNTT tập trung vẫn chưa được áp dụng thực hiện. Các văn bản hướng dẫn Luật đất đai năm 2013 (ban hành sau thời điểm của Nghị định 154) đã không đồng bộ, thiếu các quy định về khu CNTT tập trung.
Tương tự là bất cập về chính sách thuế thu nhập cá nhân trong lĩnh vực CNTT và trong khu CNTT tập trung. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, bên cạnh việc kiến nghị, sửa đổi về chính sách hỗ trợ DN CNTT, thời gian tới TP sẽ tập trung huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng số, hạ tầng các khu CNTT nhằm phục vụ phát triển công nghiệp CNTT, góp phần chuyển dịch kinh tế theo hướng bền vững. Trong đó, TP sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục để huy động nguồn lực của các DN CNTT, viễn thông đầu tư Dự án Không gian đổi mới sáng tạo tại Hòa Xuân; xây dựng phương án vận hành, khai thác khu CVPM số 2 nhằm đảm bảo không gian phát triển cho DN CNTT.
HẢI QUỲNH