Diễn đàn: “Kết nối tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh”

Thứ sáu, 09/05/2025 19:20

Chiều 9-5, tại TP Đà Nẵng, Thời báo Ngân Hàng phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước khu vực 9 tổ chức Diễn đàn “Kết nối tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh”.

Tham dự diễn đàn này có Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) Đào Minh Tú và hơn 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo các vụ, trung tâm thuộc NHNNVN và các phòng, ban thuộc Chi nhánh NHNN khu vực 9; các sở, ban, ngành hữu quan của TP Đà Nẵng; các chuyên gia, nhà chuyên trên lĩnh vực tài chính ngân hàng; các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại cổ phần; các khu công nghiệp (KCN); hội, hiệp hội doanh nghiệp…

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam tham gia tham luận tại Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn "Kết nối tín dụng Xanh - Khu công nghiệp Xanh".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân Hàng Lê Thị Thúy Sen cho biết, việc tổ chức sự kiện này nhằm mục đích tập hợp những ý kiến tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận một cách cởi mở và sâu sắc về những cơ hội, thách thức, cũng như đề xuất, hiến kế về các giải pháp tài chính và chính sách hiệu quả để đẩy mạnh sự hợp tác hiệu quả giữa các tổ chức tín dụng và các KCN trong hành trình “xanh hóa” các KCN một cách tiết kiệm và bền vững…

Tổng biên tập Thời báo Ngân Hàng Lê Thị Thúy Sen phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Trao đổi tại Diễn đàn, Phó Thống đốc Thường trực NHNNVN Đào Minh Tú cho biết, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển các KCN nói riêng.

Đối với NHNNVN đã ban hành hàng loạt chính sách và văn bản hướng dẫn nhằm khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của tín dụng xanh. Không dừng lại ở đó, NHNNVN còn tích cực hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để xây dựng danh mục 12 lĩnh vực xanh ưu tiên, tạo ra một khung tham chiếu rõ ràng cho các hoạt động tín dụng xanh

Phó Thống đốc Thường trực NHNNVN Đào Minh Tú trao đổi tại Diễn đàn.

Dưới sự chỉ đạo của NHNNVN, từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Đáng chú ý, một số ngân hàng còn chủ động nghiên cứu, cập nhật các chuẩn mực tiên tiến của quốc tế về tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường – xã hội và rủi ro khí hậu, từng bước tiệm cận với các thông lệ tốt nhất trên thế giới… Với việc triển khai tín dụng xanh của ngành Ngân hàng, từ năm 2014, một số tỉnh, thành như: TPHCM, Đồng Nai, Đà Nẵng Cần Thơ, v.v… đã có chủ trương chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN xanh. Đến nay đã có nhiều KCN tham gia và triển khai thành công. Trong số 290 KCN đang hoạt động tại Việt Nam, có khoảng từ 1 - 2% trong số đó đang thực hiện các bước trở thành KCN sinh thái, KCN và con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian đến.

Một góc Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Riêng tại TP Đà Nẵng, hiện có 6 KCN với tổng diện tích khoảng 1.100ha. Đà Nẵng đang trên đường xây dựng tăng trưởng xanh tại các KCN, thí điểm chuyển đổi thành KCN sinh thái. Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 - 3 KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia, hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các KCN đã chuyển đổi sang các mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới công nghệ sản xuất để giảm các nguồn gây ô nhiễm, thực hiện cộng sinh công nghiệp... Tuy nhiên, tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Việc thúc đẩy tín dụng xanh hỗ trợ sự hình thành và nhân rộng các KCN xanh vẫn còn đối diện với không ít thách thức do các điều kiện để được công nhận là KCN hiện nay chưa được hướng dẫn cụ thể. Danh mục, ngành, lĩnh vực xanh chưa được thống nhất áp dụng chung trên cả nước nên các ngân hàng gặp khó khăn trong việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng. Hơn nữa, việc cạn quỹ đất và thiếu vùng đệm để phát triển cũng là một trong khó khăn để nhân rộng các KCN xanh…

Do đó, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần thêm rất nhiều giải pháp từ nhiều bên liên quan từ Trung ương tới địa phương để hỗ trợ mục tiêu phát triển xanh, trong đó, có các KCN. Chính vì vậy, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú kỳ vọng, qua diễn đàn này, các địa phương, đặc biệt là các KCN sẽ nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc chuyển đổi xanh, đó không phải là câu chuyện của tương lai mà chính từ hiện tại, để hoà chung vào với mục tiêu chuyển đổi xanh của cả nền kinh tế.

Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Trung Nam tham gia tham luận tại Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, đã có nhiều tham luận đặc sắc, bổ ích và thực tiễn đến từ các đại biểu tham dự như: Chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp; Chuyển đổi xanh các KCN: thu hút dòng FDI chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu; Tín dụng xanh trên địa bàn Miền Trung và một số kiến nghị; Tài chính xanh - Cam kết và hành động của BIDV; Những thách thức và giải pháp chuyển đổi xanh các KCN tại Đà Nẵng; Xây dựng doanh nghiệp xanh: những khó khăn và kiến nghị; Tín dụng xanh – Nguồn lực phát triển thị trường bất động sản khu công nghiệp và năng lượng tái tạo…

PHÚ NAM

Bộ Y tế nói về miễn viện phí cho toàn dân

Chiều 6-5, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2025, trả lời báo giới liên quan đến ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tiến tới miễn viện phí cho toàn dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đây là chủ trương lớn, rất nhân văn, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta trong việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân.

Ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký quyết định ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đà Nẵng chạy đua tiến độ xây dựng Trung tâm tài chính

Đà Nẵng đang tập trung nhiều giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng hạ tầng cơ sở, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao... với quyết tâm sớm hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, tạo động lực phát triển đột phá cho kinh tế thành phố.