Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững

Thứ hai, 19/09/2022 10:09
Sáng 18-9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề:"Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" đã được khai mạc trọng thể.
Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội tới dự Diễn đàn.

Chủ tọa Phiên khai mạc diễn đàn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành của Trung ương và các địa phương dự.

Khoảng 400 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học, các vị Đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức ghi hình hoặc phát biểu trực tuyến.

Diễn đàn kết nối trực tuyến đến 6 điểm cầu là các học viện, trường đại học trong nước, là cơ hội để các sinh viên, học viên trau dồi thêm khả năng học tập, nghiên cứu và hiểu biết về những vấn đề quan trọng của đất nước.

Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô như là yếu tố "bất biến để ứng với vạn biến"

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và đạt được những kết quả rất tích cực, quan trọng. Sau khi giảm sâu nhất trong quý III/2021 (âm 6,02%), kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP, tăng trưởng từng bước phục hồi từ quý IV/2021 và phục hồi mạnh mẽ từ đầu năm 2022 đến nay.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức; việc giữ vững, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô mà nói rộng hơn là nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, rủi ro, thách thức do suy giảm kinh tế, bất ổn tài chính trên thế giới, dịch COVID-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại và diễn biến phức tạp; nguy cơ dịch đậu mùa khỉ xâm nhập; bất ổn gia tăng đối với thương mại và thị trường tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến khả năng phục hồi, đặc biệt đối với những ngành thiếu nguyên liệu, phụ kiện do gián đoạn chuỗi cung ứng; Ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát, khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam; nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực còn ở mức cao; Rủi ro nợ quốc gia bao gồm nghĩa vụ trả nợ công và nợ của doanh nghiệp tăng khi lãi suất và tỷ giá tăng…

Theo Chủ tịch Quốc hội, Diễn đàn là dịp bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình thực tế sẽ là kênh thông tin "đầu vào" quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan có thêm dữ liệu; từ đó phân tích, dự báo, kịp thời có các giải pháp chính sách củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội... có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Tăng cường hỗ trợ lãi suất

Ngay sau Phiên khai mạc, đã diễn ra Phiên hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Tại phiên thảo luận, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết,một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm nay là thực hiện triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cho người vay vốn tại ngân hàng thương mại. Về nội dung này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp. Trước hết, về hoàn thiện hành lang pháp lý, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định 31, cùng ngày ban hành Thông tư 03 hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai đến các đối tượng vay vốn. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã thu thập thông tin đăng ký từ các ngân hàng thương mại để cùng với các Bộ tiến hành đề xuất phân bổ ngân sách 40.000 tỷ đồng trong 2 năm, năm 2022 dự kiến phân bổ 16.000 tỷ đồng, năm 2023 dự kiến phân bổ 24.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng cần tập trung giải quyết một số nhóm khó khăn, vướng mắc. Trước hết là khó khăn về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Nhiều trường hợp khách hàng không hoạt động đơn ngành, mà hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, gây khó khăn cho việc xác định phạm vi ưu tiên, hỗ trợ. Ông Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, cần tháo gỡ khó khăn về tiêu chí đánh giá, khách hàng phải có khả năng, có phương án kinh doanh, có khả năng phục hồi. Ở đây, thời điểm và quy cách, phương thức đánh giá, thẩm định của Ngân hàng thương mại, ngân hàng cho vay có sự khác biệt với việc đánh giá của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Để giải quyết những khó khăn này, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các nhóm, tổ liên ngành để khảo sát tình hình thực tế triển khai tại các địa phương, tại các ngân hàng thương mại để nắm bắt và có giải đáp thắc mắc cũng như là giải quyết các vướng mắc trong thực tế.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Bùi Trung Nghĩa cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đặc biệt là chính sách về giảm chi phí đầu vào, nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả Qũy bình ổn để hạn chế tăng giá, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách ổn định thị trường giá cả, ngoại tệ. Tuy nhiên, số vốn giải ngân các gói hỗ trợ so với kế hoạch còn chậm, nguyên nhân do điều kiện, thủ tục phức tạp, trong đó thủ tục vay vốn hỗ trợ lãi suất chưa thực sự phù hợp và chưa đáp ứng nhu cầu.

Để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế, xã hội những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết, VCCI đã đề xuất tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; giảm chi phí tiền điện – một trong những chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp; có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành đang phục hồi mạnh như ngành du lịch, dịch vụ, xuất khẩu, hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thiếu lao động.

Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện giám sát chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực. Cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời của mô hình kinh doanh mới, khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích các bên; bắt kịp xu hướng tăng trưởng xanh bằng cách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế- Xã hội Việt Nam 2022.

Rà soát lại về định giá đất đai

Phần thảo luận bàn tròn chuyên đề về đất đai có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cùng các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản.

Mở đầu phần thảo luận bàn tròn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi 3 vấn đề về công tác quy hoạch; giá đất và cơ sở dữ liệu đất đai.Theo Bộ trưởng, trong quản lý nhà nước về đất đai thì một công cụ quan trọng là công tác quy hoạch. Cụ thể, công tác quy hoạch phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức quý giá, đặc biệt và quan trọng là đất đai. Và thông qua công cụ này thể hiện được tính dân chủ, công bằng, đặc biệt là người dân có thể tham gia.

Về định giá đất, tài chính đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là những vấn đề, cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, đang còn khoảng cách, nhận thức rất khác nhau. Nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, thì sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giải quyết được mối quan hệ của Nhà nước, những người dân có đất, những người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp. "Từ đó chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước kết hợp với thị trường; công cụ kinh tế kết hợp với hành chính. Có như vậy, chúng ta mới giải quyết được những vấn đề liên quan hiện nay, như: đầu cơ thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả, trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng...", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, quản lý nguồn lực lớn như đất đai thì cần nắm được thông tin, đánh giá, giám sát với dữ liệu đất đai. "Chúng ta có thể chuyển đổi số ở lĩnh vực đất đai càng sớm càng tốt. Thông qua dữ liệu đất đai, chúng ta sẽ giám sát được nguồn lực, giúp người dân có thể tiếp cận được các thông tin đất đai một cách công bằng, công khai và bình đẳng. Thông qua hệ thống này, chúng ta cũng có thể cải cách thủ tục hành chính", Bộ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, các vấn đề khác đã đặt ra trong Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đều là vấn đề hết sức căn cơ, quyết liệt.

Chia sẻ quan điểm về sửa đổi Luật đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ thêm về các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai. Về chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng cho rằng: "Đây là một lỗ hổng lớn mà Luật Đất đai năm 2013 đã không bịt được và tạo nên thất thoát lớn về địa tô chênh lệch và cũng từ đây xảy ra một số sai phạm. Cho nên, việc quản lý mục đích sử dụng đất phải hết sức chặt chẽ".

Về vấn đề phương pháp xác định giá đất, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay, chúng ta thực hiện 5 phương pháp xác định giá đất nhưng các phương pháp xác định giá đất này chưa thực sự nhất quán, chưa thực sự chính xác, tạo ra một số lỗ hổng. "Ví dụ, khi chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay, đa số sử dụng phương pháp thặng dư, nhưng phương pháp này rõ ràng là không chính xác. Bởi vì, giá trị doanh thu và chi phí đầu tư đều giả định; mà khi đã giả định thì sẽ không chính xác. Và không chính xác thì gây ra rủi ro pháp lý" - Bộ trưởng lý giải và cho rằng, đây là vấn đề sắp tới chúng ta phải rà soát lại để định ra phương pháp phù hợp nhất, chính xác, nhất quán.

Cũng cho ý kiến về những vấn đề liên quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng dự án Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Trong quá trình nghiên cứu để trình Quốc hội, đối với Luật Nhà ở, Bộ đang đề xuất sửa đổi 8 nhóm chính sách.

Về việc dành quỹ đất để đầu tư các dự án nhà ở, dự án đô thị, Thứ trưởng cho biết, Bộ cũng có nghiên cứu và đề xuất để theo hướng việc dành quỹ đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch đô thị.

Bộ Xây dựng cũng đang rất quan tâm việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Trong thời gian qua, pháp luật về nhà ở đã quy định về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Việc thực hiện giao cho các chủ đầu tư, các dự án nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất và thực hiện ở các đô thị loại III trở lên.

"Chúng tôi cho rằng, việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội ở diện rộng, trong khi nếu chỉ dành 20% quỹ đất và lại ở đô thị loại III trở lên thì sẽ hạn chế nguồn quỹ đất để phát triển nhà xã hội, nhất là những khu vực không phải là đô thị từ loại III, đặc biệt là những khu công nghiệp, khu có nhiều công nhân lao động. Do đó, trong dự thảo luật lần này, chúng tôi đã đề xuất việc dành quỹ đất sẽ giao cho UBND các tỉnh trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như quy hoạch xây dựng, phải dành một lượng phù hợp để đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân" - Thứ trưởng cho biết.

Vấn đề thứ hai được Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhắc tới là việc giao đất, lựa chọn chủ đầu tư. Hiện nay, việc giao đất, lựa chọn chủ đầu tư được dựa trên các hình thức như: qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp là đất ở hợp pháp. "Bộ đang nghiên cứu thận trọng để giải quyết vấn đề đang được đặt ra hiện nay liên quan đến loại đất khác mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất, đã phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Với loại đất này có được chỉ định không, đây là vấn đề lớn. Chúng tôi sẽ nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, thận trọng", Thứ trưởng Sinh nhấn mạnh.

B.T – TTXVN