Diễn đàn Shangri-La 2019: Quần hùng tranh bá

Thứ bảy, 01/06/2019 12:15

Bóng mây u ám hơn che phủ quan hệ Trung-Mỹ tại Shangri -La lần này chính là việc Mỹ sẽ bán máy bay tiêm kích F-16 cho Đài Loan (Trung Quốc), thương vụ mà Đài Loan đã đặt vấn đề từ năm 2005.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan (trái), Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ có bài phát biểu được chú ý tại Diễn đàn Shangri-La năm nay.  Ảnh: Reuters/Bloomberg

Ngày 31-5, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á năm 2019 còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La bắt đầu khai mạc tại Singapore trong bối cảnh an ninh được thắt chặt tuyệt đối. Sự kiện này diễn ra từ ngày 31-5 đến 2-6 với sự tham gia của quan chức từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.

Vào tối 31-5, Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long đã có bài phát biểu quan trọng khai mạc hội nghị, trong đó tập trung giải quyết sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tác động của vấn đề này đến Châu Á-Thái Bình Dương, cũng như vai trò của các quốc gia nhỏ hơn có thể đóng góp để tăng cường an ninh khu vực và trật tự thế giới.

Đối đầu Trung - Mỹ

Cả thế giới đang tập trung chú ý vào hội nghị an ninh này, nơi được cho sẽ chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng trên nhiều vấn đề, nhất là cuộc chiến thương mại đang leo thang.

Theo giới quan sát, lãnh đạo quốc phòng Mỹ - Trung sẽ đưa ra những thông điệp trái ngược nhau trong bài phát biểu tại diễn đàn năm nay. Đối thoại Shangri-La lần này cũng rất khác so với những năm trước, khi quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan dự kiến công bố Chiến lược phòng thủ Ấn Độ-Thái Bình Dương mới của Mỹ sau nhiều tháng tuyên bố và hành động ngày càng quyết đoán đối với Trung Quốc. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mới dự kiến sẽ kết hợp các chủ đề cam kết và hợp tác truyền thống với sự thừa nhận rõ ràng hơn về thách thức từ Trung Quốc, vốn đặt ra với tư cách là đối thủ cạnh tranh quân sự của Mỹ.

Chiến lược này sẽ nêu bật những nỗ lực hiện đại hóa của quân đội Mỹ áp dụng cho các kịch bản Châu Á, cùng với các sáng kiến giúp Washington hòa nhập tốt hơn với các đồng minh và - quan trọng hơn - cho phép các đồng minh và đối tác hợp tác tốt hơn. Điều này không có nghĩa là Mỹ trở lại vai trò truyền thống, với tư cách là người tổ chức, hỗ trợ và bảo vệ truyền thống của các quốc gia Châu Á khác. Thay vào đó, các quốc gia này sẽ được kỳ vọng sẽ tự hành động nhiều hơn để tự vệ thay vì phụ thuộc một cách thụ động vào các đảm bảo an ninh của Mỹ.

Và bóng mây u ám hơn che phủ quan hệ Trung-Mỹ tại Shangri -La lần này chính là việc Mỹ sẽ bán máy bay tiêm kích F-16 cho Đài Loan (Trung Quốc), thương vụ mà Đài Loan đã đặt vấn đề từ năm 2005. Sau 14 năm trì hoãn và áp lực vì cảnh báo của Trung Quốc - cuối cùng Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ thực hiện thương vụ này, động thái khiến Bắc Kinh tức giận. Trong khi đó, thương vụ Đài Loan mua xe tăng M-1 cũng đang được thực hiện.

Thông điệp từ Bắc Kinh

Sẽ không có gì bất ngờ khi trọng tâm của chương trình nghị sự tại Đối thoại Shangri-La 2019 được định hình là đối đầu Mỹ-Trung.

Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước cũng đang leo thang, tạo ra sự bất ổn lớn cho khu vực không chỉ trên mặt trận kinh tế. Việc Trung Quốc cải tạo đất bất hợp pháp trên vùng biển Đông đang tranh chấp làm gia tăng sự quan ngại của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Đây cũng là mối đe dọa rất đáng kể đối với khả năng kiểm soát các tuyến đường biển trọng yếu ở Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ cũng như các đồng minh. Đó là lý do vì sao chỉ trong tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã 2 lần hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, trong khi thông lệ là 2 tháng một lần.

Nhưng cái bất ngờ ở đây là lần đầu tiên trong 8 năm qua, Trung Quốc cử Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa đến Shangri-La, sau nhiều lần chỉ cử đại diện là những quan chức cấp thấp hơn. Việc Trung Quốc sau 8 năm “im hơi lặng tiếng” đã lần đầu tiên cử bộ trưởng quốc phòng đến Shangri-La khiến người ta đặt ra nhiều suy đoán về thông điệp của Bắc Kinh. Thứ nhất, Bắc Kinh có thể muốn chiếm lấy sân khấu diễn đàn năm nay trước Mỹ khi ông Patrick Shanahan hiện vẫn chỉ là quyền bộ trưởng Quốc phòng chứ chưa có được sự chấp thuận cho vị trí này. Khả năng thứ hai là sau khi ưu tiên các sự kiện an ninh khác ở Châu Á trong những năm qua, Trung Quốc muốn thay đổi cách tiếp cận và không muốn không bị gạt ra khỏi diễn đàn an ninh lớn như Shangri-La, nơi Mỹ luôn thể hiện mình là một “ngôi sao”. Vì vậy, trong bối cảnh Washington tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Bắc Kinh cần khẳng định vai trò của mình tại các diễn đàn lớn như thế này, để có thể giảm thiểu sự tương tác của Mỹ với các nước Châu Á.

Ngoài ra, có thể là do việc Diễn đàn Hương Sơn, vốn được Bắc Kinh tạo ra để đối trọng với Diễn đàn Shangri-La, không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

KHẢ ANH