Diễn giả Đỗ Minh: "Không có kế hoạch, không hành động!"

Thứ hai, 05/10/2015 07:20

(Cadn.com.vn) - Đó là khẳng định của diễn giả nổi tiếng Đỗ Minh tại Hội thảo "Digital World is changing the way to do business" (Tạm dịch: Thay đổi cách làm kinh doanh trong thế giới số) diễn ra vào 3-10 vừa qua tại ĐH Đà Nẵng. Anh là diễn giả với hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Digital Marketing, Online Marketing và 8 năm kinh nghiệm về mảng Strategic Marketing cùng với Dr.Brian R.Tan- Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại ĐH Washington, từng là Tư vấn quản lý tại Tập đoàn Boston Consulting Singapore và hiện là Giáo sư chuyên ngành Quản lý và hoạch định chiến lược tại Đại học Nanyang Business Singapore. Bên lề hội thảo, P.V Báo CATP Đà Nẵng đã có cuộc trò chuyện với diễn giả Đỗ Minh về những chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trên con đường kinh doanh "không mặt bằng" này.

Anh Đỗ Minh.

PV: Anh đánh giá như thế nào về thị trường Digital (tạm dịch: số hóa) Marketing ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng?

Diễn giả Đỗ Minh: Hiện nay, ở Việt Nam vẫn thiên về truyền thống khá nhiều, đầu tư cho market trên internet vẫn còn rẻ. Tuy nhiên, xu hướng phát triển chung của market là phải theo xu hướng của thế giới và ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Đặc biệt là lớp trẻ ngày nay càng ngày càng thân thuộc với sản phẩm công nghệ. Đơn cử những bài quảng cáo trên mạng trước đây có giá khoảng vài triệu, thì sẽ thành vài chục triệu trong vài năm tới đây. Đặc biệt là ở thị trường Châu Âu, để sử dụng các công cụ như google, facebook để quảng bá thương hiệu của mình thì cực kỳ đắt. Tuy nhiên số lượng người sử dụng công cụ này vẫn rất cao,  nghĩa là hiệu quả mang lại của nó cũng rất xứng đáng. Bên cạnh đó, hầu như người Việt ngày nay càng lúc càng thân thuộc với những sản phẩm smartphone nên việc truy cập internet ngày càng nhiều, mọi lúc mọi nơi. Riêng ở Đà Nẵng, tiếp cận công nghệ rất trễ, xuất phát từ nền kinh tế chưa thực sự năng động giống như TPHCM. Xu hướng phát triển công nghệ là từ TPHCM rồi mới đến Hà Nội, Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì lớp trẻ hiện nay khá năng động. Việc tiếp cận không khó, tuy nhiên phải có một người đi đầu, có kinh nghiệm, có tầm quốc tế. Việc học ở các trường ĐH chỉ là lý thuyết, để áp dụng vào một cách bài bản thì cần phải có những người tiên phong và hướng dẫn lại quy trình. Từ đó đào tạo ra những nguồn nhân lực mới có thể phát triển được.

Anh có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn khởi nghiệp bằng việc sử dụng digital marketing?

Thứ nhất là phải định hướng đã. Nhiều người lầm tưởng là online marketing là chuyên về công nghệ. Nhưng thực sự thì nó chỉ có chữ marketing chứ không chỉ có chữ công nghệ (cười). Cho nên mình làm online marketing là mình đang làm marketing, mình chỉ mượn công nghệ là internet thể hiện những chiến lược marketing của mình lên đó, chứ không phải là mình sử dụng công nghệ để khai thác hay sử dụng các thuật toán để làm. Cách nhìn nhận thiên về kỹ thuật sẽ làm chệch hướng đi rất nhiều so với mục đích ban đầu là marketing. Thứ hai, đó là giá trị về nội dung, một nội dung tốt, không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà còn tạo ra những câu chuyện. Đó là dãy những câu chuyện khác nhau. Có những nội dung quảng bá rất tốt, chỉ trong vòng 2 ngày là đẩy lên 1 triệu lượt xem. Chính vì vậy, nội dung không tốt, không đúng cũng mang lại những hiệu ứng khủng khiếp! Vì thế, việc chuẩn bị, xem xét nội dung đóng vai trò cực kỳ quan trọng trước khi đưa lên mạng. Đặc biệt,  tôi muốn nhắn gởi cho các bạn muốn khởi nghiệp phải làm cho thật chuyên nghiệp, ngay cả khi đi làm cho những đơn vị khác sẽ không có chỗ cho những người thiếu chuyên nghiệp. Khi kinh tế mở và người ta đầu tư vào nhiều, chất lượng nhân sự là ưu tiên hàng đầu. Tại sao lại có nhiều người thất nghiệp và cũng có rất nhiều Cty tuyển dụng không ra người!? Xuất phát một phần rất lớn là từ khâu chất lượng nguồn nhân sự. Chất lượng này phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân, giáo dục chuyên nghiệp hay không.

Được biết anh là giám đốc điều hành của Cty Wolf Media, cái tên doanh nghiệp có vẻ hơi đặc biệt?

Con sư tử, con voi, con hổ khi tấn công con mồi thì thường dựa vào sức mạnh và thể lực tốt của mình để tấn công. Nhưng con sói thì lại nhỏ hơn con mồi của mình. Chính vì vậy, trước khi tấn công con mồi, nó phải cùng với bầy đàn của mình dàn trận rất kỹ để tấn công, rất nhiều chiến thuật khác nhau. Nên tôi lấy cái tên Cty như vậy, nó trở thành văn hóa của cty, trước khi hành động phải chuẩn bị kế hoạch hành động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể. Từ đó mới bắt đầu hành động. Phương châm của Cty là "không có kế hoạch, không hành động". Ngay khi tiếp cận bất kỳ một dự án, công việc nào, chúng tôi cũng lên kế hoạch rất kỹ. Và đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn!

Vâng! Cảm ơn anh về những chia sẻ bổ ích này!

Lê Anh Tuấn (thực hiện)