Điện gió “có tác động” đến môi trường, tài nguyên và kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị
Mục tiêu chung của nhiệm vụ nhằm đánh giá các tác động tổng hợp của toàn bộ các dự án phát triển điện gió đến môi trường, TNTN và KT-XH làm cơ sở đề xuất các giải pháp, chiến lược phát triển bền vững năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung đánh giá các tác động tích cực và tiêu cực của các dự án điện gió trước, trong và sau khi đi vào hoạt động đến tài nguyên môi trường, KT-XH; đề xuất các giải pháp giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, quan trắc, đánh giá môi trường sau khi các dự án điện gió đi vào hoạt động; phương án khả thi phục vụ thuận lợi công tác quản lý, quy hoạch, bảo vệ môi trường bền vững ở địa phương.
Nhiệm vụ đánh giá tác động do liên danh Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và khoáng sản DICO thực hiện từ ngày 11-7-2022 đến 23-12-2022. Tổng kinh phí nhiệm vụ gần 2,7 tỷ đồng. Đối tượng thực hiện là 31 dự án điện gió được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.177,2 MW. Trong đó, 19 dự án đã đi vào hoạt động, 12 dự án đang triển khai xây dựng.
Báo cáo quá trình triển khai thực hiện, đơn vị tư vấn cho biết đã điều tra, khảo sát thực địa, khoan địa chất, lấy mẫu phân tích các thông số về không khí, tiếng ồn, điện từ trường, đặc tính địa chất…; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng điện gió bằng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS) và tổ chức đánh giá tác động, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.
Trên cơ sở các kết quả và sản phẩm thu được của nhiệm vụ cho thấy, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có tác động nhất định đến môi trường, TNTN và KT-XH ở địa phương. Tác động tiêu cực chủ yếu xảy ra trong giai đoạn chuẩn bị và thi công xây dựng dự án, như làm thay đổi không đáng kể chất lượng thành phần môi trường. Nguy cơ sạt lở đất chủ yếu xảy ra ở ta-luy các tuyến đường giao thông và bãi thải, không có nguy cơ sạt lở ở khu dân cư; sự rửa trôi và xói mòn từ các khu vực có dự án điện gió, nhất là các bãi thải vào mùa mưa lũ là vấn đề cần quan tâm.
Ngoài ra, trong giai đoạn vận hành các dự án điện gió, có nhiều tác động tích cực, như: làm giảm tỉ lệ phát thải khí cacbon hơn 100 lần so với các nguồn năng lượng không tái tạo; thay đổi sinh kế theo hướng có lợi, tăng nguồn thu và tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch, dịch vụ đi kèm; góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương, nhất là mạng lưới giao thông…
Tại hội thảo, qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, góp ý để hoàn chỉnh báo cáo và đưa ra các kiến nghị. Trong đó, cần thiết chia sẻ những kết quả của nhiệm vụ đến các bên liên quan để phối hợp trong công tác quản lý và quy hoạch phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; cần tiếp tục đầu tư các nghiên cứu đánh giá chi tiết hơn về tiềm năng gió cho phát triển điện gió và đánh giá chi phí, lợi ích đối với phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho quy hoạch phát triển bền vững trên địa bàn toàn tỉnh về lâu dài.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn, các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kết quả điều tra đã đề xuất tiêu chí, phân vùng khá cụ thể về khả năng, điều kiện thuận lợi, nêu ra các giải pháp khắc phục hạn chế trong đầu tư để có thể tiếp tục thu hút phát triển các dự án điện gió một cách bền vững trong thời gian tới.
Đồng thời, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, sở, ngành để làm cơ sở điều chỉnh, hoàn thiện báo cáo; sau khi nghiệm thu, công bố, chuyển giao các kết quả của nhiệm vụ để các sở, ngành, địa phương quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả. Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở kết quả điều tra, cần tham mưu, đề xuất các dự án phù hợp vào Quy hoạch Điện VIII, đồng thời cấp chủ trương đầu tư dự án mới đáp ứng các tiêu chí của nhiệm vụ đã nêu ra. Việc thu hút đầu tư cần có sự chọn lọc, tránh tình trạng cấp chủ trương theo số lượng nhưng gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, TNTN. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ngành, địa phương, cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường tuyên truyền về kết quả điều tra của nhiệm vụ nhằm tạo đồng thuận, sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương của tỉnh trong phát triển các dự án điện gió.
Về phía Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đề nghị có các hướng nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ Quảng Trị sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và mục tiêu trở thành tỉnh khá, phát triển bền vững.
LÊ TRƯỜNG – Q.T