Nhân kỷ niệm 44 năm Giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (30-4-1975 - 30-4-2019):

Điện Tân hồi sinh

Thứ ba, 09/04/2019 12:37

Thôn Điện Tân, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk hiện có 148 hộ với 654 khẩu, là thôn đồng bào Kinh duy nhất trong tổng số 13 thôn, buôn của xã Cư Pui. Trong chiến tranh, nơi đây có đồn Amí Gar, nơi đóng quân của 6 đại đội biệt kích Mỹ, một sân bay lên thẳng, là tuyến phòng ngự kiên cố của địch nhằm kiểm soát chặt chẽ vùng căn cứ Cách mạng của ta. Sau giải phóng, nơi đây là vùng đất chết, ruộng vườn hoang mạc hóa. Tháng 2-1982, hơn 220 người dân thuộc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Lúc bấy giờ nơi đây "không điện, không đường, không trường học, không chợ búa", mọi điều kiện ăn, ở, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Sau những lần đi tham quan thực tế, nhiều người từ quê hương Hà Tĩnh, Thái Bình và một số tỉnh khác nhận thấy tiềm năng phát triển của nơi "đất rộng, người thưa" này nên đã đưa gia đình vào Điện Tân định cư lập nghiệp.

Thôn Điện Tân hôm nay.

Thực hiện Nghị quyết 10/ BCT ngày 5-4-1988, của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, địa phương đã khoán gọn cho hộ xã viên đảm nhận tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Như có luồng sinh khí mới, người dân trong thôn ra sức khai hoang vỡ hóa, mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi... Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và Đan Mạch, người dân trong thôn đã đóng góp hàng chục ngàn ngày công xây dựng đập thủy lợi Ea H Mun, với hệ thống kênh mương kiên cố đảm bảo nước tưới cho gần 40 ha ruộng nước 2 vụ và các loại cây trồng khác, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia "Chung tay xây dựng nông thôn mới", thôn Điện Tân đã có nhiều cách làm hay, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, từ chỗ làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất chủ yếu là cây lương thực và các loại cây thực phẩm ngắn ngày, đến nay nhiều gia đình đã đầu tư vốn trồng cây công nghiệp dài ngày, những cánh đồng cao su tiểu điền, những vườn cà-phê rộng vài héc-ta đang đem lại màu xanh tươi tốt... Người dân đã đóng góp 260 triệu đồng làm 2 km đường bê-tông nội vùng, đóng góp 255 triệu đồng để làm điện chiếu sáng và điện 3 pha, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Các phong trào văn hóa, giáo dục, các chính sách an sinh xã hội được đông đảo người dân trong thôn hưởng ứng. Trong những năm qua, nhân dân đã đóng góp quỹ "Vì người nghèo" được 12.600.000 đồng; quỹ Đền ơn đáp nghĩa 5.000.000 đồng; các chi hội đoàn thể xây dựng quỹ Hội được trên 821 triệu đồng cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay lãi suất thấp để phát triển kinh tế...

Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 76,4%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm,  có 80% gia đình đạt chuẩn Gia đình văn hóa, Thôn giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa cấp huyện 5 năm liền.

MAI VIẾT TĂNG