Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa
Ngày 26-3, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn tập quốc tế ứng phó về y tế trong thảm họa với sự tham dự của 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) đến từ các quốc gia ASEAN, Nhật Bản và 2 đội Việt Nam, được sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản và Thái Lan. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm họa, hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản - JICA và Viện quốc gia về Y học khẩn cấp của Thái Lan - NIEM, với mục đích nâng cao cơ chế hợp tác về y tế để ứng phó thảm họa trong khu vực ASEAN.
Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP Đà Nẵng, Dự án và các đội y tế khẩn cấp chụp ảnh lưu niệm. |
Giả định “siêu bão đi vào biển Đông với sức gió 200km/giờ”
Theo tình huống giả định được đặt ra tại diễn tập, ngày N., siêu bão đi vào biển Đông với sức gió 200km/giờ, càn quét trực tiếp các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ gồm: TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gây thiệt hại nặng nề.
Tại TP Đà Nẵng, Sở Y tế thông báo nhanh có khoảng 300 người chết và mất tích, 450 người bị thương, 6 khu vực dân cư đang bị cô lập, chưa đánh giá được con số thương vong, thiệt hại nặng nhất tập trung tại Q. Sơn Trà với ước tính có 150 người chết và mất tích, 300 người bị thương, 3 khu vực dân cư bị cô lập hoàn toàn chưa đánh giá được thiệt hại và nhu cầu y tế. Các trạm xá phường, bệnh viện và TTYT quận cũng bị thiệt hại nặng, phá hủy gần hoàn toàn… Tại Quảng Nam, theo số liệu báo cáo nhanh, toàn tỉnh có khoảng 200 người chết và mất tích, 350 người bị thương, 3 khu vực dân cư bị cô lập chưa xác định được thương vong. Thiệt hại nặng nề nhất là tại TP Hội An với ước tính có khoảng 100 người chết và mất tích, 200 người bị thương, 3 khu vực bị cô lập đều ở địa bàn này. Các cơ sở y tế của TP Hội An bị thiệt hại nặng, phần lớn các trang thiết bị y tế bị hư hỏng không còn khả năng hoạt động. Tại các tỉnh TT-Huế, Quảng Ngãi bị thiệt hại với số lượng ít hơn, các cơ sở y tế vẫn không hoạt động được. Chính phủ Việt Nam đã huy động các nguồn lực ứng phó trước, trong và sau bão.
Theo báo cáo thiệt hại về y tế ngày thứ 2 sau bão, nguyên nhân tử vong chính là đuối nước, chấn thương kết hợp. Đồng thời, tỷ lệ cao bị rối loạn tâm lý trong cộng đồng: hoảng loạn, trầm cảm. Các cơ sở y tế tuyến huyện, TP quá tải, không có khả năng thực hiện các kỹ thuật do không có đủ trang thiết bị hoặc bị hư hại nặng nề. Trong khi đó, nhu cầu cứu chữa tăng cao do số lượng thương vong quá lớn, nhiều ca bệnh mới phát sinh, nhiều khu vực dân cư bị cô lập cần đánh giá nhu cầu và tổ chức đáp ứng y tế kịp thời. Đặc biệt tại TP Đà Nẵng và Quảng Nam, nơi được đánh giá bị thiệt hại và ảnh hưởng nặng nề nhất do tâm bão đi qua, Bộ Y tế đánh giá thảm họa cấp IV.
Trước tình hình đó, UBND TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã báo cáo Chính phủ và Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo và Quản lý thảm họa (AHA) kêu gọi sự giúp đỡ của các nước thành viên ASEAN cứu trợ nhân đạo. 10 đội y tế khẩn cấp (EMTs) của 9 nước thành viên ASEAN và Nhật Bản đến Đà Nẵng và Quảng Nam thông qua cảng hàng không Đà Nẵng, cùng phối hợp với các đội y tế của Đà Nẵng và Quảng Nam thiết lập những cơ sở y tế lưu động, phối hợp cứu chữa những người bị nạn.
Trong thời gian 3 ngày (từ 26 đến 28-3), diễn tập sẽ diễn ra các nội dung: Thực hành tình huống các đội EMTs quốc tế đến Đà Nẵng (đăng ký, nhập cảnh, phân tích tình hình, phân công nhiệm vụ...); vận hành 3 trung tâm điều phối y tế bao gồm 1 Trung tâm vùng và 2 Trung tâm tuyến tỉnh (Đà Nẵng và Quảng Nam), tiếp nhận sơ cứu các nạn nhân, đánh giá nhu cầu chăm sóc y tế tại các làng bị thiệt hại do thiên tai; các đội EMTs hoàn thành nhiệm vụ và báo cáo công việc cứu nạn, đăng ký rời khỏi quốc gia.
Một cơn bão đổ bộ vào TP Đà Nẵng gây thiệt hại nặng nề. |
Phối hợp hỗ trợ, ứng phó y tế trong thảm họa tự nhiên
PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết: “Thông qua việc tham gia hoạt động diễn tập quốc tế, đơn vị y tế các tuyến tại Việt Nam sẽ được tiếp cận, nâng cao năng lực chuyên môn theo tiêu chuẩn của khu vực. Các cơ quan quản lý y tế trung ương và địa phương cũng được tăng cường năng lực quản lý điều hành hoạt động y tế trong tình huống có thảm họa tự nhiên, bổ sung kỹ năng chuyên môn về lập kế hoạch ứng phó trong tương lai”.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Hồ Kỳ Minh cho rằng, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và xây dựng nhiều kịch bản khác nhau trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. TP Đà Nẵng cũng đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức những cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai, thảm họa ở quy mô. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong việc xây dựng khả năng ứng phó của cộng đồng và năng lực điều hành của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp và hợp tác giữa khu vực về quản lý sức khỏe trước, trong và sau thiên tai, thảm họa.
Bà Sadamoto - Phụ trách Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA Văn phòng tại Việt Nam cho rằng: “Mục đích của cuộc diễn tập nhằm tăng cường hợp tác giữa các đội y tế để ứng phó khẩn cấp nếu có thảm họa xảy ra trong khu vực ASEAN”.
LÊ HÙNG