Điện về thắp sáng bản “cổng trời” vùng cao
Hương sắc mùa xuân đang lan tỏa trên khắp các bản làng vùng cao. Đối với người dân bản Làng Ong (thôn 6, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), niềm vui được nhân lên gấp bội khi điện lưới quốc gia đã được đưa về, thắp sáng bản làng xa nhất của huyện vùng cao Phước Sơn.
Người dân Làng Ong tập trung tại nhà một người trong bản để xem chương trình thời sự tối.
Niềm vui khi điện về bản xa
Phước Lộc là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi vùng cao Phước Sơn, nằm cách thành phố Tam Kỳ 120 km, và trung tâm huyện gần 50 km. Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bhnoong, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới rà soát năm 2021 là 49,56%, hộ cận nghèo là 15,4%.
Từ ngàn đời nay, người dân bản Làng Ong (bản khó khăn nhất của xã Phước Lộc), chưa hề biết đến lưới điện quốc gia là gì. Thậm chí, đối với họ, ánh điện như là một thứ gì đó quá xa xôi, mà có nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ đến. Một phần do đường sá đi lại quá khó khăn, bản Làng Ong nằm sâu trong khu vực rừng núi, từ trung tâm thị trấn Khâm Đức vào chỉ gần 50 km nhưng phải mất nhiều tiếng đồng hồ. Phần khác, các hộ dân đều là người dân tộc Bhnoong, tư liệu sản xuất còn hạn chế, diện tích đất đai ít ỏi, nên cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây gần như chỉ biết bấu víu vào rừng núi. Tháng 11-2020, đỉnh núi bị mưa lũ cắt làm đôi, Làng Ong hoàn toàn bị xóa sổ, 11 người dân làng bị vùi lấp, trong đó còn 3 người đến nay vẫn còn mất tích chưa được tìm thấy. Vết thương lòng ấy là nỗi đau dai dẳng không thể xóa nhòa. Một số người đã tìm qua thôn khác để ở, nhóm còn lại cũng lác đác và họ cũng không còn muốn ở lại cái mảnh đất chứa ký ức đau thương này.
Vậy mà, hơn một năm sau, bản Làng Ong đã có niềm vui mới. Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, 107 hộ đồng bào dân tộc Bhnoong ở bản Làng Ong được đón một cái tết vui nhất sau mấy chục năm định cư nơi vùng cao này, bởi vì gần 50 năm kể từ sau ngày giải phóng đến nay, điện lưới quốc gia đã về bản, niềm mong ước bao đời nay của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực.
Già làng Hồ Văn Yên không giấu được niềm vui khi chia sẻ với chúng tôi: “Gần 80 tuổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên được sử dụng điện lưới. Mừng cho lớp con cháu có cái điện thắp sáng. Người dân trong bản đã chờ mong ngày có điện từ lâu rồi, giờ đây, đã trở thành sự thật, mừng điện lưới quốc gia, Tết vừa rồi cả bản tổ chức ăn tết to lắm, vui lắm. Có điện, cuộc sống của bà con vùng cao chắc chắn sẽ phát triển hơn rất nhiều, người già trong bản được xem ti-vi, con cháu được học dưới ánh điện, người dân có điều kiện tiếp thu khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất, xóa đói nghèo”.
Ngày đón điện lưới quốc gia, từ sáng sớm bà con bản Làng Ong đã tập trung đông ở nhà văn hóa bản, ai nấy đều hồ hởi đón dòng điện về với bản mình. Bà con trò chuyện rôm rả về những dự định sẽ mua sắm. Háo hức khi nói đến dự tính của gia đình mình, chị Hồ Thị Xi chia sẻ: “Năm nay bắp, lúa được giá, lại được dùng điện lưới quốc gia nên gia đình tôi dự định sắm ti-vi, nồi cơm điện phục vụ sinh hoạt. Mừng nhất là các con có điện sáng để học tập, không phải dùng đèn dầu như trước nữa”. Ông Hồ Văn Xâu xúc động nói: “Đường vào bản quanh co, mùa mưa thì trơn trượt, mùa hè thì bụi đất. Giờ đường vào bản cũng được mở rộng hơn nên giao thông đi lại thuận lợi, cùng với điện lưới quốc gia nên bà con ai ai cũng phấn khởi. Nhà nào cũng mua sắm đồ dùng bằng điện để nấu cơm, đun nước, không phải vất vả vào rừng chặt lấy củi như trước nữa”. Ông Hồ Văn Thê, Trưởng bản Làng Ong, phấn khởi nói: “Có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân trong bản đã thay đổi hẳn. Chỉ mấy tháng trước, muốn xát thóc phải chở về trung tâm xã, nhiều khi mưa gió không đi được thì lại giã bằng cối tay. Bây giờ, đun nước, nấu cơm và cả băm cỏ cho trâu, bò đều dùng điện hết. Tối đến cả nhà lại quây quần bên mâm cơm, vừa xem ti-vi, không vui sao được”.
Điều mong ước bao đời của bà con người dân tộc Bhnoong nơi đây đã trở thành hiện thực, khi việc lắp đặt hệ thống lưới điện đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng và ngay trước Tết Nguyên đán, điện được đóng thử nghiệm. Nhìn ánh đèn sáng rực trong đêm tối, già Yên, chị Xi, ông Xâu,… không nghĩ cuộc đời mình có thể được xem ti-vi nghe loa đài hát mỗi ngày. “Thật khó diễn tả niềm hạnh phúc của những người dân nơi đây. Từ khi có ánh sáng, bản làng như sôi động hẳn lên”, già Yên vui vẻ nói.
Điện lực Quảng Nam thi công kéo điện lên bản Làng Ong.
Chờ ngày mai tươi sáng
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, điều cần làm tiếp theo là giúp bà con thoát nghèo. Chuyện nông thôn mới, là chuyện lâu dài, Phước Lộc cũng cần phải có tầm nhìn phải xa hơn nữa. Đợt lũ năm 2020 hầu như đã xóa sạch mọi nỗ lực của xã, huyện trong 20 năm kể từ khi tách xã. Hiện giờ, tái thiết là cả một vấn đề rất nan giải. Theo ông Thoại, khó khăn thể hiện ngay trong việc dựng lại nhà ở cho người dân Làng Ong. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, những người dân mất nhà được xây dựng nhà mới trị giá 140 triệu đồng. Nhưng do địa hình khó khăn, phức tạp lại cách trở nên với chừng đó tiền, các đơn vị không chịu thi công. Xã phải năn nỉ những thợ xây tại địa phương để họ làm. Nhưng có điện, có đường rồi thì mọi việc cũng sẽ dễ hơn một chút. Xã đang lên kế hoạch lắp đặt loa phát thanh ở các thôn để mỗi khi có việc gì thì tuyên truyền hay thông báo để cho bà con. Có điện, các trạm viễn thông cũng rục rịch lắp đặt, không còn là vùng “lõm sóng” nữa rồi.
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn chia sẻ, Phước Lộc được định hướng phát triển kinh tế gắn với vườn rừng, dược liệu. Hiện tại, xã đã trồng thử nghiệm thành công một nghìn gốc sâm Ngọc Linh ở Làng Ong, sâm đang phát triển khá tốt vì thổ nhưỡng phù hợp “Lộ trình phát triển đã có sẵn, giờ có điện lưới thì mọi việc suôn sẻ hơn nhiều. Hy vọng, Phước Lộc sẽ sớm trở mình!”
Trần Cao Anh